21/11/2018 14:41 GMT+7

Tận dụng mạng xã hội kiếm việc thời công nghệ

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Xu hướng kiếm việc của thế hệ Z (những cá nhân đang trong độ tuổi 18-21) và thế hệ Y/Millennials (tuổi 22-34) ở thời đại công nghệ là gì?

Tận dụng mạng xã hội kiếm việc thời công nghệ - Ảnh 1.

Các bạn trẻ nên tận dụng hơn nữa như một phương tiện hỗ trợ quá trình tìm việc - Ảnh: T.PHÚC

Một khảo sát diện rộng trên 18.000 cá nhân ở 24 quốc gia do Tập đoàn nhân sự ManpowerGroup (Mỹ) mới công bố có nhiều điểm đáng chú ý.

Khi mạng xã hội "lên ngôi"

Một phát hiện mới của khảo sát trên là xu hướng tìm kiếm việc thông qua các trang quảng cáo ở mạng xã hội tăng nhanh. Cụ thể, xét trung bình toàn thế giới thì chỉ khoảng 11% ứng viên tìm kiếm thông tin tuyển dụng, ứng tuyển thông qua các ngày hội việc làm hay website của công ty, 17% sử dụng các ứng dụng (app) trên smartphone, nhưng có đến 31% tìm đến các trang quảng cáo tuyển dụng ở các mạng xã hội.

Điều này không quá khó hiểu do các trang mạng xã hội không ngừng cập nhật những chức năng, tiện ích mới nên thời gian lướt trên mạng xã hội của người sử dụng Internet mỗi lúc một tăng. Theo Facebook và Tencent, hiện có 3,19 tỉ người sử dụng mạng xã hội, trong đó 2,95 tỉ người dùng mạng xã họi thông qua smartphone.

Theo nhiều khảo sát quốc tế được công bố năm 2018, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các quốc gia có lượng người sử dụng mạng xã hội cao hàng đầu. Đơn cử, theo trang Markashwill, tính đến giữa năm 2018, Việt Nam có 58 triệu người dùng Facebook và là một trong bảy quốc gia dùng mạng xã hội này cao nhất thế giới.

Theo trang Hootsuite - một công ty cung cấp dịch vụ quản lý mạng xã hội, thời gian trung bình người Việt dùng mạng xã hội là 2 tiếng 37 phút mỗi ngày, xếp vào loại khá cao so với mặt bằng chung (còn thời gian lướt net của người Việt lên đến 6 tiếng 52 phút mỗi ngày). Trong khi đó, thời gian dùng mạng xã hội trung bình của người Mỹ là 2 tiếng 1 phút/ngày, Trung Quốc là 2 tiếng/ngày, Anh 1 tiếng 54 phút/ngày... và Nhật Bản 48 phút/ngày!

Dẫu vậy, mục đích sử dụng mạng xã họi của người Việt đa phần xoay quanh kết nối liên lạc (26,8%), đọc tin tức (25,7%), giải trí (21,7%)..., còn tận dụng mạng xã hội để học tập, kiếm việc chiếm tỉ lệ rất thấp.

Chia sẻ với người viết, bạn Ngọc Quyên (ĐH Tài chính - marketing) và Anh Tuấn (cựu sinh viên ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) cho biết số lượng bạn học cùng tuổi tận dụng mạng xã hội để kiếm việc không quá nhiều.

"Thông thường chúng tôi dựa vào các nguồn chính như các chương trình tuyển quản trị viên tập sự ở các tập đoàn lớn, hoặc thông qua mối quan hệ gia đình hay báo giấy, báo online. Mạng xã hội với chúng tôi chủ yếu là nơi để giải trí. Tuy nhiên với các sinh viên giỏi ngoại ngữ, thức thời, chắc họ có thể tận dụng mạng xã hội sớm hơn" - hai bạn chia sẻ.

Khảo sát của ManpowerGroup cũng chỉ ra rằng hiện có một nhóm ứng viên "mới" xuất hiện với tên gọi Early HR Technology Adopters (tạm dịch: nhóm ứng viên tiên phong về công nghệ). Đây là những cá nhân có điểm chung xuất thân từ thành thị, thường xuyên sử dụng smartphone (29% nhóm này thuộc thế hệ Z, 35% thuộc ).

Đặc biệt, 86% ứng viên thuộc nhóm này sẵn sàng di chuyển đến thành phố, quốc gia khác để làm việc. Ngoài ra, 73% nhóm này thường nhấp vào quảng cáo về tuyển dụng trên mạng xã hội (so với tỉ lệ 31% ở ứng viên thông thường)...

Tính "con người" vẫn không mất vị thế

Steve Lê (quản lý thương mại ở một tổng lãnh sự quán tại TP.HCM) cho biết công ty của người bạn anh hiện áp dụng công nghệ 100% cho công tác tuyển người. Một số chuyên viên nhân sự cho biết họ đang được công ty (đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia) đào tạo nghiệp vụ để có thể tăng hiệu quả tuyển dụng thông qua mạng xã hội , công nghệ.

Dẫu tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình tuyển dụng nhân sự là điều rất nhiều công ty đang hướng đến, nhưng một phát hiện khá thú vị là tính "con người" vẫn được coi trọng.

Đơn cử, đa số ứng viên vẫn đánh giá cao sự tương tác giữa người và người trong vòng phỏng vấn. 26% ứng viên được hỏi khẳng định vẫn mong muốn những buổi phỏng vấn có sự tương tác mật thiết giữa họ và người tuyển dụng. Đây là điều các công ty có cùng nhận định.

Ở con người có sự phối hợp giữa kỹ năng chuyên môn với truyền tải hiệu quả những thông điệp quan trọng như "văn hóa công ty", giao tiếp phi ngôn ngữ đến ứng viên... điều mà công nghệ tối tân hiện chưa truyền đạt tốt được.

Xu hướng tìm việc bằng mạng xã hội tăng nhanh, báo The Guardian (Anh) cho rằng đó là do người sử dụng có thể tiếp cận với thông tin và nộp đơn nhanh chóng, dễ dàng. Thông tin của người ứng tuyển cũng dễ dàng được tìm thấy, hiển thị rõ ràng với các nhà tuyển dụng qua mạng xã hội. Người ứng tuyển có thể tận dụng MXH để quảng bá khéo léo hình ảnh, năng lực bản thân cũng như có thể trao đổi trực tiếp với nhà tuyển dụng thông qua nhiều kênh liên lạc...

Làm thế nào để có thể tối ưu hóa mạng xã hội cho việc kiếm việc?

The Guardian gợi ý các bạn trẻ nói chung, những ứng viên nói riêng:

1. Nên để chế độ "theo dõi" trang mạng xã hội của các công ty, những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực bạn theo đuổi.

2. Chủ động tạo tài khoản ở các trang thông tin tuyển dụng chuyên nghiệp như LinkedIn.

3. Cập nhật liên tục thông tin, bằng cấp và thể hiện rõ thông điệp bạn đang kiếm việc hoặc những vị trí bạn mong muốn bằng các từ khóa phù hợp.

Kênh hữu hiệu để tìm hiểu thông tin ứng viên

Theo bà Lê Thị Kim (giám đốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam), nhiều kết quả cho thấy mạng xã hội là một kênh khá hữu hiệu để giúp người lao động tìm được công việc như mong muốn, đặc biệt là các bạn trẻ ở các tỉnh thành.

"Các bạn trẻ nên tận dụng hơn nữa MXH như một phương tiện hỗ trợ quá trình tìm việc vì đây là một nguồn việc làm dồi dào, dễ tiếp cận và mang tính cập nhật cao. Mặc dù vậy, các bạn cần cảnh giác bằng cách tìm hiểu rõ công ty mình ứng tuyển trước khi nộp đơn" - bà Kim khuyên.

Còn ông Lê Thành Quang Khôi (trưởng phòng nhân sự Ngân hàng Vietcombank Tân Định) cho rằng lao động trẻ Việt hiện chưa nhiều bạn linh động tận dụng MXH cho mục đích kiếm việc. Ông cũng lưu ý các nhà tuyển dụng có xu hướng tìm hiểu thêm thông tin "bên lề" về ứng viên thông qua MXH, vì vậy các bạn trẻ trong giai đoạn kiếm việc cần cân nhắc câu chữ, hình ảnh trên trang cá nhân của mình.

TTO - Buổi tối năm 2013 ấy đánh dấu một cột mốc trong đời tôi. Tôi vui mừng vì mình đã hoàn thành hành trình nộp đơn du học Mỹ.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên