Đức tại PC64 để chờ cán bộ giải thích, hướng dẫn thủ tục làm thẻ căn cước - Ảnh: ÁI NHÂN |
“Người ta giúp mình giấy tờ tạm trú để được nhập khẩu, tạo điều kiện làm thẻ căn cước là tốt lắm rồi, chứ làm sao cho mình vô ở cùng gia đình họ được |
Nguyễn Tấn Đức |
Sau khi Tuổi Trẻ đăng bài viết , rất nhiều bạn đọc cho biết sẵn sàng bảo lãnh cho Nguyễn Tấn Đức nhập hộ khẩu vào nhà của mình để sau đó làm thẻ căn cước công dân.
Tuy nhiên, thực tế hành trình đi đến cái đích đó vẫn còn dài...
Phải ở mới được cho đăng ký tạm trú
Thông qua Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành đồng ý bảo lãnh cho Nguyễn Tấn Đức đăng ký tạm trú tại địa chỉ nhà ông ở đường Trần Phú, P.9, Q.5.
Sáng 26-9 tại Công an P.9, Q.5, một cán bộ công an cho biết muốn đăng ký tạm trú cho Đức vào địa chỉ nhà ông Thành thì phải có giấy xác nhận của Công an Q.4 là Đức hoặc ba mẹ Đức có hộ khẩu ở địa chỉ theo giấy khai sinh (20/29 Đoàn Văn Bơ, P.9, Q.4).
Đến trụ sở Công an P.9, Q.4, chúng tôi được cán bộ công an ở đây hướng dẫn điền thông tin vào tờ đơn với nội dung “xin trích lục hộ khẩu tại 20/29 Đoàn Văn Bơ, P.9, Q.4” để gửi lên Công an Q.4.
Ngày 27-9, chúng tôi mang giấy khai sinh Đức đến Công an Q.4 xin trích lục hộ khẩu gốc của ông N.T.P. (cha của Đức).
Chiều cùng ngày, chúng tôi được thông báo đã trích lục được hộ khẩu của ông P. nhưng không có tên Đức trong hộ khẩu. Địa chỉ này hiện do người khác đứng tên nên cũng không nhập khẩu Đức vào địa chỉ này được.
Ngày 29-9, chúng tôi nhận được thông báo của Công an Q.4 về việc xác nhận địa chỉ trên giấy khai sinh Đức có hộ khẩu ông N.T.P..
Có được giấy xác nhận trên, chúng tôi quay về trụ sở Công an P.9, Q.5 để đăng ký tạm trú cho Đức vào địa chỉ mà ông Thành bảo lãnh. Công an phường lưu ý muốn đăng ký tạm trú cho Đức thì Đức phải ở đúng địa chỉ đó, còn ở địa chỉ khác thì không đăng ký tạm trú được.
Không có trường hợp ngoại lệ
Trường hợp của Đức là điển hình cho việc khó khăn trong việc làm căn cước công dân. Một cán bộ đăng ký hộ khẩu chia sẻ thường xuyên tiếp nhận những trường hợp ra tù, đã xóa khẩu, về thì nhà đã bán nên không nhập hộ khẩu được.
Khó khăn nhất là những trường hợp bệnh nặng, cần mua bảo hiểm y tế nhưng không có hộ khẩu, không có CMND trong khi hộ khẩu gốc ngày xưa đã mất, địa chỉ cũ giờ đứng tên người khác.
“Cái lý thì vậy nhưng cái tình thì... nhiều trường hợp đáng thương lắm, mà luật quy định vậy” - anh cán bộ nói.
Xung quanh quy định phải ở mới được đăng ký tạm trú, ông Thông - cảnh sát khu vực P.9, Q.4 - cho biết: “Luật quy định muốn được nhập hộ khẩu thì phải tạm trú hai năm. Việc tạm trú phải thực tế chứ không phải đăng ký cho có, không thể ở nơi khác mà đăng ký tạm trú ở đây”.
Theo luật sư Lê Trạch Giang, Luật cư trú quy định các điều kiện về tạm trú, thường trú. Thực tế có rất nhiều trường hợp vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không có giấy khai sinh, không có CMND, rơi vào vòng luẩn quẩn, không có CMND thì không có được hộ khẩu và ngược lại.
Vấn đề này đã được rất nhiều chuyên gia pháp lý và những nhà làm luật bàn luận, góp ý nhưng chưa được giải quyết.
Luật sư Giang cho rằng cần xem xét sửa đổi luật để giải quyết căn cơ mâu thuẫn này, nếu không vẫn còn gây khó khăn, thiệt thòi cho nhiều người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận