Từ đâu có “Cơn sốt Sầu đâu”?
Nhiều người Bờ Biển Ngà đã đổ xô hái lá, lột vỏ cây và thậm chí tìm kiếm hạt giống cây sầu đâu để làm thuốc sắc. Người ta trộn lá sầu đâu với lá chanh, hoặc trộn với lá cây tếch để làm ‘thuốc kháng sinh’ trị Covid-19.” - ông Raphael N'guessan, cộng tác viên của Mạng truyền hình Pháp France 24, kể.
Tính tới ngày 1 tháng 4, châu Phi đã có 5.786 trường hợp nhiễm Covid-19. Riêng Bờ Biển Ngà đã có 190 ca nhiễm Covid-19. Trong những ngày gần đây, tin đồn rằng lá cây sầu đâu có thể trị “bệnh corona” đã lan rất nhanh trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp ở Bờ Biển Ngà, và trên mạng xã hội Facebook ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Gabon,…
Tin đồn ấy dựa trên niềm tin dân gian, rằng lá và vỏ cây sầu đâu vốn được các thầy lang truyền thống sử dụng để pha chế loại trà thảo dược chống sốt rét.
Thêm nữa, mới đây giáo sư Didier Raoult, giám đốc Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải ở Marseille, bên Pháp, đã cho rằng việc dùng thuốc hydroxychloroquine - một dẫn xuất của thuốc chloroquine trị sốt rét - là có hiệu quả khi dùng để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cộng đồng khoa học thế giới đã đánh giá nghiên cứu của giáo sư Raoult là “quá lỏng lẻo”, và chẳng phải là thử nghiệm lâm sàng đúng nghĩa. Ở Pháp, Cơ quan Y tế công cộng đã kiến nghị phản đối việc sử dụng bừa bãi hydroxychloroquine.
Bất chấp những tranh cãi khoa học ấy, tin đồn vừa lan khắp Tây Phi, rằng cây sầu đâu trị được sốt rét thì trị luôn cả Cô-Vít, vì đó chẳng qua cũng là “một dạng khác của bệnh sốt rét”. Tin đồn cũng nói rằng: “lá sầu đâu có vị đắng, tức có chứa… chloroquine trị sốt rét”.
Sầu đâu đâu phải “bài thuốc” trị Cô-Vít
Thế nhưng… làm gì có chất chloroquine trong lá sầu đâu, theo nhà nghiên cứu Latifou Lagnika ở Đại học Abomey-Calavi, Cộng hòa Benin. Hồi cuối tháng 3 mới đây, vị giảng viên chuyên về các đặc tính sinh học và dược lý thực vật này đã nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm của khoa Khoa học và Công nghệ, xác nhận rằng lá sầu đâu không có chloroquine, hoặc các phân tử đồng hóa.
Trước những tin đồn lan truyền trên các mạng xã hội, ông Latifou Lagnika cũng nghiên cứu về cây lá đắng và cây thì là đen. Kết quả cũng cho thấy: trái với những tin đồn nhảm, hai loại cây này cũng không chứa chloroquine.
Triệt hạ cây sầu đâu sẽ gây hậu quả về sinh thái
Bên Bờ Biển Ngà, cây sầu đâu thường được trồng gần các lối đi và ở những nơi công cộng để tạo bóng mát cho người đi đường.
"Tôi muốn mọi người chú ý về hậu quả cho đa dạng sinh học, khi người ta phá huỷ hàng loạt cây sầu đâu.” - ông Raphael N'guessan, cũng đồng thời là chủ tịch của Rove - tổ chức phi chính phủ về bảo tồn đa dạng sinh học, ở thành phố Bouaké, lưu ý.
Bởi cây sầu đâu là một thành phần quan trọng trong chương trình quản lý không thuốc trừ sâu (NPM), cung cấp một sự thay thế tự nhiên cho thuốc trừ sâu tổng hợp. Hạt sầu đâu được xay thành bột, ngâm qua đêm trong nước rồi phun lên cây trồng nhiều lần, bảo vệ cây trồng không bị côn trùng ăn lá, và ngăn côn trùng dịch hại nở ra từ trứng của chúng.
Nhiều bác sĩ và nhà nghiên cứu đã lên truyền hình Bờ Biển Ngà để cảnh báo mọi người chấm dứt việc sử dụng các thành phần của cây sầu đâu để chống lại virus corona chủng mới (Covid-19).
Họ nhấn mạnh: Trong cuộc chiến chống Covid-19, cần làm theo hướng dẫn của chính quyền, và đặc biệt là tránh tự dùng thuốc.
Mối nguy hiểm thật sự mà mọi người phải đối mặt trước hết là… nhiễm độc. Bất kỳ loại thuốc nào được sử dụng mà không kiểm soát và tuân thủ đúng liều lượng đều trở thành chất độc. Cũng sẽ rất nguy hiểm nếu thực hiện các “bài thuốc kết hợp”, vì có thể khiến người dùng gặp vấn đề về thận.
Từ rất lâu rồi, các sản phẩm có tính dược liệu từ cây sầu đâu đã được dùng trong hơn hai thiên niên kỷ ở Ấn Độ. Tại Đông Phi, cây sầu đâu được gọi là “Mwarobaini”, có nghĩa là “Cây 40”, vì người dân địa phương cho rằng loài cây này có thể dùng làm thuốc trị được 40 bệnh khác nhau. Ở Việt Nam, bạn nào từng nếm qua món… gỏi sầu đâu, dùng lá sầu đâu cuốn thịt heo luộc?
Tuy vậy, trang điện tử WebMD về thuốc và sức khoẻ cảnh báo: người lớn sử dụng các các sản phẩm từ cây sầu đâu trong thời gian ngắn thì an toàn. Nhưng nếu sử dụng lâu dài, sầu đâu có thể gây hại cho thận hoặc gan. Đặc biệt, dầu sầu đâu vốn độc hại, có thể dẫn tới tử vong với trẻ nhỏ. Sầu đâu cũng có thể làm sẩy thai, vô sinh, và gây ra hiện tượng hạ thấp lượng đường trong máu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện chưa có loại thuốc nào chính thức được khẳng định là điều trị hiệu quả với bệnh Covid-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận