Người Iran đốt cờ Mỹ và Israel tại Tehran hôm 6-1 - Ảnh: REUTERS
Trên thực tế, việc Iran thực hiện cuộc tấn công tạo ra mối lo hiện hữu về nguy cơ chiến tranh, nhưng nó không giống với cách Mỹ không kích giết chết thiếu tướng Iran Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ngày 3-1.
Ít nhất tới lúc này, đối tượng bị tấn công đã được thông báo trước về các kế hoạch của Iran. Phía Mỹ hoàn toàn không sốc trước sự kiện nã tên lửa ngày 8-1.
Sẽ không ít người ngạc nhiên khi ngày 6 và 7-1, Đài CNN (Mỹ) liên tục có những phỏng vấn độc quyền, nóng hổi. Lần lượt tướng Hossein Dehghan và Ngoại trưởng Javad Zarif thay nhau mượn CNN để tuyên truyền cho kế hoạch trả đũa của Tehran.
Ông Deghgan, cố vấn quân sự cho giáo chủ Iran Ali Khamenei, khẳng định lời đáp trả của Tehran dành cho Mỹ vì hành động giết tướng Qasem Soleimani "chắc chắn sẽ là quân sự".
Trong khi đó ông Zarif dù tuyên bố Mỹ đang "khủng bố cấp nhà nước" với Iran, vẫn cam kết "sẽ phản ứng đúng luật, chúng tôi không vô pháp như Tổng thống Trump".
David Martin, phóng viên chuyên trách vấn đề an ninh quốc gia Mỹ của Đài CBS (Mỹ), từ ngày 7-1 đưa tin đại giáo chủ Ali Khemenei đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào "lợi ích của Mỹ".
Cũng theo ông Martin, Mỹ trong nhiều ngày gần đây đã được cảnh báo về các đợt tấn công của Iran. Một quan chức nói với ông Martin rằng quân đội Mỹ "đặc biệt lo ngại" màn trả thù của Iran sẽ được thực hiện nhanh chóng. Hôm 6-1, các quan chức Mỹ áng chừng Iran sẽ hành động "trong 24 giờ tới hoặc hơn", ngay sau khi quốc tang ông Soleimani kết thúc.
Mối quan tâm chính vẫn là tên lửa đạn đạo của Iran. Vào tối 6-1 (giờ Mỹ), tên lửa đạn đạo vẫn chưa được di chuyển vào vị trí khai hỏa, nhưng mức cảnh báo đã nâng lên để chuẩn bị sẵn sàng cho bất cứ màn tấn công quy mô nào trong vòng 24 tiếng.
Iran không hề che giấu việc chuẩn bị tấn công Mỹ. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa Mỹ hoàn toàn có thể tránh. Nó gợi ra một khả năng khác về chuyện có chăng Iran đang "ra đòn gió" để cảnh báo Mỹ trước những nguy cơ sâu xa hơn.
Một dòng tweet ít được lưu ý nhưng khá quan trọng của Ali Arouzi đang ủng hộ lập luận trên. Phóng viên chuyên trách Tehran của Đài NBC này cho biết hôm 8-1, sau khi Iran tấn công căn cứ có lính Mỹ: "Iran nói nếu Mỹ không trả đũa cho đợt nã tên lửa mới đây thì Tehran sẽ ngừng tấn công. Nhưng nếu Mỹ tấn công, Iran sẽ đáp trả mạnh mẽ".
Kiểu chừa đường lùi của Iran không phải bây giờ mới xuất hiện. Trước đó, sau khi tuyên bố không tuân thủ các ràng buộc trong thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) nữa, giới lãnh đạo Iran vẫn kèm theo một vế tương tự: Nếu Mỹ ngừng trừng phạt kinh tế, Iran sẽ lại tuân thủ JCPOA. Chưa có một quyết định rút khỏi JCPOA trực tiếp nào từ Iran.
Lẫn trong số rất nhiều mối lo ngại về chiến tranh, báo Washington Post ngày 8-1 cũng phân tích rằng thực tế cả Mỹ lẫn Iran đều không xem đây là màn giao tranh sống còn. Thay vào đó, mục đích Mỹ giết Soleimani, và mục đích Iran tấn công trả đũa, đều xoay quanh mục tiêu sâu xa hơn. Mục tiêu ấy không gì khác xoay quanh vấn đề hạt nhân Iran, cụ thể là việc Iran có phát triển vũ khí hạt nhân hay không.
Mỹ đã giết tướng Soleimani khiến căng thẳng leo thang nhưng luôn khẳng định không muốn chiến tranh. Ông Trump cũng có một dòng tweet ít được chú ý: "Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân". Đó chính là thông điệp phía sau toàn bộ những sự kiện này.
Điểm đáng lo ngại cho leo thang quân sự giữa Mỹ và Iran là việc Mỹ chính thức tấn công trên lãnh thổ Iran. Nếu điều này xảy ra, một lần nữa có thể thấy mục tiêu vẫn là cơ sở hạt nhân của Iran, vốn được giấu kín dưới hầm và không thể bị tên lửa của Mỹ hủy hoại, trừ phi lính Mỹ trực tiếp đổ bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận