02/11/2018 08:00 GMT+7

Tâm trạng khi yêu trở thành phim nói tiếng Hoa hay nhất

ĐỨC TRẦN tổng hợp
ĐỨC TRẦN tổng hợp

TTO - Danh sách 100 phim nước ngoài (*) vĩ đại mọi thời đại của BBC vừa công bố, có tổng cộng 29 phim châu Á được vinh danh trong đó Hoa ngữ và Nhật bản áp đảo.

Danh sách của BBC được tổ chức bình chọn hàng năm với các hạng mục khác nhau. Có 209 nhà phê bình phim đến từ 43 quốc gia bỏ phiếu cho 10 phim hay nhất theo thứ tự. BBC tổng kết dựa trên cách tính điểm: 10 cho phim đứng thứ nhất, 9 cho phim đứng thứ nhì... của tất cả các danh sách mà 209 nhà phê bình đưa ra, để có được Top 100 này.

Tâm trạng khi yêu trở thành phim nói tiếng Hoa hay nhất - Ảnh 1.

Lương Triều Vỹ trong Tâm trạng khi yêu

(In the mood for love) vượt qua hai phim kinh điển của điện ảnh Đài Loan thời kỳ đổi mới là Yi Yi (hạng 25) và A City of Sadness (hạng 18), để lọt Top 10. Đây cũng là phim Hoa ngữ duy nhất trong Top 10 bên cạnh điện ảnh hiện thực Ý và chủ nghĩa Samurai từ huyền thoại Akira Kurosawa.

In the mood for love do Vương Gia Vệ dàn dựng, ngay từ khi trình làng tại Liên hoan phim Cannes đã chiếm trọn tình cảm giới yêu phim. Trong gần 20 năm, nhiều lần tác phẩm trữ tình lãng mạn này được vinh danh bởi các nhà phê bình, các chuyên gia từ các nơi trên thế giới.

Chuyện phim khá đơn giản, chỉ xoay quanh mối tình vụng trộm giữa chàng nhà văn và một phụ nữ giàu có nhưng cô đơn trong cuộc hôn nhân "xa mặt cách lòng". 

Vương Gia Vệ đã mượn bối cảnh, âm thanh và màu sắc để làm nền cho những cung bậc tình cảm day dứt, làm thổn thức người xem.

Trailer phim Tâm trạng khi yêu

Ngoài In the mood for love, họ Vương có thêm hai phim lọt vào danh sách là Happy Together (cũng do Lương Triều Vỹ đóng chính) hạng 71; Chungking Express (hạng 56). Điện ảnh Hồng Kông không có bất kì tên tuổi nào khác ngoài Vương Gia Vệ.

Hàn Quốc có một phim duy nhất lọt Top (hạng 29) là Oldboy - giải Grand Prix của đạo diễn Park Chan-wook. Đây là tác phẩm làm thay đổi cái nhìn phương Tây dành cho xứ sở kim chi, thông qua thủ pháp dàn cảnh táo bạo và một mệnh đề câu chuyện gây sốc.

Trailer phim Oldboy

Điều khiến một số blogger bất ngờ khi hai cái tên từng là "con cưng" của giới yêu phim châu Âu như Kim Ki-duk và Lee Chang-dong đến từ Hàn Quốc, lại không được nhắc đến dù nhiều năm qua họ đều mang đến Ảnh đàn thế giới những tác phẩm giá trị.

Các nhà làm phim Trung Quốc cũng không thật sự nổi trội, trong Top 20 chỉ có Trần Khải Ca với Farewell My Concubine - bộ phim đậm đặc bản sắc văn hóa về kinh kịch từng giành Cành cọ vàng vào năm 1993.

Trailer phim Farewell my Concubine

Trong khi đồng môn cùng thời với Trần là Trương Nghệ Mưu có hai phim ở vị trí khiêm tốn là Raise the Red Lantern (hạng 93) và To Live (hạng 41). Không có tên tuổi nhà làm phim thế hệ thứ 6 nào được nhắc đến lần này, từ Giả Chương Kha đến Lâu Diệp.

Với các nhà phê bình quốc tế, thể loại võ hiệp kỳ tình với họ vẫn là định nghĩa xa rời. Chỉ duy nhất Crouching Tiger, Hidden Dragon của Lý An nằm trong Top 100 với thứ hạng 78. Bộ phim này giới thiệu thành công một dòng phim kungfu tưởng chừng lỗi thời của điện ảnh Hoa ngữ đến với thế giới (phim đoạt 4 giải Oscar).

Một nền điện ảnh đang vươn lên mạnh mẽ là Iran, cũng có cho mình các tác phẩm sâu sắc về nhân sinh quan: Taste of Cherry (hạng 97); Where Is the Friend's Home? (hạng 94)...

Tác phẩm đứng đầu trong danh sách đặc biệt là Seven Samurai của Akira Kurosawa, ra đời năm 1954. Đây là tác phẩm quan trọng, đánh dấu cột mốc cho điện ảnh Nhật bản trên bản đồ thế giới bởi sau hàng thế kỷ nó vẫn trở thành chất xúc tác cho rất nhiều người làm phim.


Tâm trạng khi yêu trở thành phim nói tiếng Hoa hay nhất - Ảnh 5.

Seven Samurai từng đoạt giải Sư tử bạc và nhận được hai đề cử Oscar cho Chỉ đạo nghệ thuật và Phục trang - Ảnh: Toho

Chuyện phim được chia thành hai phần, đều do chính Akira Kurosawa viết kịch bản, đạo diễn và biên tập, xoay quanh 7 võ sĩ đạo oai hùng bảo vệ một ngôi làng nghèo trước kẻ địch. Phim còn được Sight & Sound và Empire bình chọn trong danh sách những phim hay nhất mọi thời đại.

Akira Kurosawa còn có một phim nổi bật khác (hạng 4) là Rashomon từng gây choáng váng với cách kể chuyện đa chiều đầy thách thức. Sau này nhiều thế hệ đạo diễn cũng thử sức và cải biên để mang đến góc nhìn phản chiếu, ảnh hưởng từ Rashomon.

Tâm trạng khi yêu trở thành phim nói tiếng Hoa hay nhất - Ảnh 6.

Qua lời kể của các nhân vật, chuyện phim Rashomon tưởng nhàm chán lại trở nên phức tạp và ấn tượng - Ảnh: cắt từ clip

Một phản chiếu hoàn toàn khác với tinh thần Akira Kurosawa là vẻ đẹp trữ tình mang phong cách Yasujirô Ozu có tên Tokyo Story (hạng 3). Ozu cũng là bậc thầy về dàn cảnh, mặc dù ông tối giản tất cả các kỹ thuật dựng hình phức tạp.

Tâm trạng khi yêu trở thành phim nói tiếng Hoa hay nhất - Ảnh 7.

Cảnh trong Tokyo Story - Ảnh: cắt từ clip

Yếu tố gia đình, suy ngẫm triết lý nhân sinh cộng với khả năng mang người xem rời xa khỏi thực tế đã khiến Yasujirô Ozu là thần tượng của rất nhiều thế hệ đạo diễn tài danh về sau (như Hầu Hiếu Hiền, Claire Denis...).

Tuy Nhật Bản chiếm thế thượng phong nhưng điện ảnh châu Âu cũng không thua kém với... 7 phim trong Top 10. Đạo diễn Ý Federico Fellini sở hữu hai phim kinh điển mà hầu hết người mê phim đều đã xem qua là La Dolce Vita (hạng 10) và 8 1/2 (hạng 7).

Với tiếng nói cá nhân có tính chủ quan sâu sắc và ước lệ, Federico Fellini là đạo diễn duy nhất trong Top 10 từng có 4 giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Lần lượt là La strada, Le Notti di Cabiria, 8½ và Amarcord.

Box: Điện ảnh Pháp có 27 phim lọt Top - một con số đáng ghi nhận. Thú vị nhất Pháp cũng là quốc gia duy nhất mang đến hai nữ đạo diễn tài danh Agnès Varda (phim Cleo from 5 to 7, hạng 44) và Claire Denis (Beau Travail, hạng 43). Cả Agnès Varda và Claire Denis đều vẫn đang hoạt động miệt mài.

Danh sách rút gọn Top 50

50. L’Atalante (Jean Vigo, 1934)

49. Stalker (Andrei Tarkovsky, 1979)

48. Viridiana (Luis Buñuel, 1961)

47. 4 Months, 3 Weeks and 2 Days (Cristian Mungiu, 2007)

46. Children of Paradise (Marcel Carné, 1945)

45. L’Avventura (Michelangelo Antonioni, 1960)

44. Cleo from 5 to 7 (Agnès Varda, 1962)

43. Beau Travail (Claire Denis, 1999)

42. City of God (Fernando Meirelles, Kátia Lund, 2002)

41. To Live (Zhang Yimou, 1994)

40. Andrei Rublev (Andrei Tarkovsky, 1966)

39. Close-Up (Abbas Kiarostami, 1990)

38. A Brighter Summer Day (Edward Yang, 1991)

37. Spirited Away (Hayao Miyazaki, 2001)

36. La Grande Illusion (Jean Renoir, 1937)

35. The Leopard (Luchino Visconti, 1963)

34. Wings of Desire (Wim Wenders, 1987)

33. Playtime (Jacques Tati, 1967)

32. All About My Mother (Pedro Almodóvar, 1999)

31. The Lives of Others (Florian Henckel von Donnersmarck, 2006)

30. The Seventh Seal (Ingmar Bergman, 1957)

29. Oldboy (Park Chan-wook, 2003)

28. Fanny and Alexander (Ingmar Bergman, 1982)

27. The Spirit of the Beehive (Victor Erice, 1973)

26. Cinema Paradiso (Giuseppe Tornatore, 1988)

25. Yi Yi (Edward Yang, 2000)

24. Battleship Potemkin (Sergei M Eisenstein, 1925)

23. The Passion of Joan of Arc (Carl Theodor Dreyer, 1928)

22. Pan’s Labyrinth (Guillermo del Toro, 2006)

21. A Separation (Asghar Farhadi, 2011)

20. The Mirror (Andrei Tarkovsky, 1974)

19. The Battle of Algiers (Gillo Pontecorvo, 1966)

18. A City of Sadness (Hou Hsiao-hsien, 1989)

17. Aguirre, the Wrath of God (Werner Herzog, 1972)

16. Metropolis (Fritz Lang, 1927)

15. Pather Panchali (Satyajit Ray, 1955)

14. Jeanne Dielman, 23 Commerce Quay, 1080 Brussels (Chantal Akerman, 1975)

13. M (Fritz Lang, 1931)

12. Farewell My Concubine (Chen Kaige, 1993)

11. Breathless (Jean-Luc Godard, 1960)

10. La Dolce Vita (Federico Fellini, 1960)

9. In the Mood for Love (Wong Kar-wai, 2000)

8. The 400 Blows (François Truffaut, 1959)

7. 8 1/2 (Federico Fellini, 1963)

6. Persona (Ingmar Bergman, 1966)

5. The Rules of the Game (Jean Renoir, 1939)

4. Rashomon (Akira Kurosawa, 1950)

3. Tokyo Story (Yasujirô Ozu, 1953)

2. Bicycle Thieves (Vittorio de Sica, 1948)

1. Seven Samurai (Akira Kurosawa, 1954)

(*)Đây được hiểu là các phim không nói tiếng Anh.

10 bí mật sau cặp kính râm của đạo diễn lừng danh Vương Gia Vệ

TTO - Với cặp kính râm trước ống kính, đạo diễn Vương Gia Vệ đã mang đến cho khán giả sự bí ẩn và dưới đây là 10 bí mật mà có thể bạn chưa biết về ông.

ĐỨC TRẦN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên