Nghiêm và mẹ những ngày điều trị ở khoa huyết học - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Phan Hữu Nghiêm (37 tuổi) được biết đến là bệnh nhân bị bệnh hemophilia (chảy máu di truyền) nặng nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) từ trước đến nay. Đây còn là bệnh nhân có thời gian nằm viện dài nhất (11 năm), số lần phẫu thuật nhiều nhất (26 lần) và chi phí điều trị lớn nhất (40,8 tỉ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả 38,3 tỉ đồng).
Nghiêm viết những dòng tâm sự (tâm thư) này vào ngày cuối ở lại bệnh viện để tri ân ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, các y bác sĩ đã "sinh ra mình lần thứ hai". Hôm nay (14-4), anh sẽ cùng mẹ về Vĩnh Long nơi mình sinh ra, sau 11 năm coi bệnh viện là nhà.
Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà - phó khoa huyết học - trò chuyện cùng Nghiêm - Ảnh: HOÀNG LỘC
Một mình trong bóng đêm suốt 5 tiếng đồng hồ (từ 22h - 3h), Nghiêm bảo vừa viết lời tri ân, nước mắt của anh rơi vì xúc động. Với những lời lẽ mộc mạc, bức tâm thư dài 2.030 từ của chàng trai từng phải nghỉ học giữa chừng vì bệnh đã chạm đến trái tim nhiều người, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... những người đã cưu mang mẹ con anh suốt một hành trình dài đi tìm sự sống.
11 năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Nghiêm đặc biệt gắn bó với 5 khoa, gồm huyết học, phỏng và phẫu thuật tạo hình, chỉnh hình, cấp cứu, gây mê và phòng công tác xã hội. Ở đó, anh quen mặt nhớ tên, cả quen mặt quen tên của nhiều người. Anh biết cả tính cách, nhận diện được tên người qua giọng nói lẫn cả bước đi của gần cả trăm con người ở bệnh viện mình từng gắn bó.
Một phần bức tâm thư dài 2.030 từ được Nghiêm viết để tri ân các bác sĩ trước ngày rời bệnh viện - Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp
Ký ức sâu đậm trong Nghiêm là sự chăm sóc sẻ, chia coi mình như người thân, là sự nỗ lực cứu chữa đến cùng khi sức khỏe cậu suy yếu. "Có lúc vết thương hôi thối không sao chịu được mà mấy bác, mấy cô không ngại chăm sóc, gần gũi em như người nhà. Em cảm ơn chị hộ lý Kha, chị Trung, cô Nga, chị Thi... những ngày qua đã cho em những bộ đồ đẹp nhất khoa, và cả chị Út từ khi em mới nhập viện, cũng là người bạn hay trò chuyện vui với em", Nghiêm viết.
Nói về khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Nghiêm không thể quên những người giúp đỡ mình đi xin từng đồng tiền để đóng viện phí, để ăn uống bồi dưỡng sức khỏe.
Anh viết: "Cảm ơn những lúc mấy các chị thay phiên nhau chăm sóc vết thương cho em tận tình chu đáo, nhẹ nhàng, còn trò chuyện để em quên đi những đau đớn. Có chút gì ngon, mấy chị cũng mang ra cho em ăn, có một hạt đậu phộng nhỏ cũng chia cùng, có ly nước ngon cũng dành cho em".
Nghiêm bắt tay BS Ngô Đức Hiệp. Ông là người mà Nghiêm viết trong tâm thư: "Người lãnh đạo có tâm nhất quả đất" - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nghiêm nhớ đến "người lãnh đạo có tâm nhất quả đất" khi nói về BS Ngô Đức Hiệp: "Cảm ơn bác những lần xin tiền cho con ăn cơm, lúc con gần như rơi vào đường cùng về kinh tế".
Anh không thể quên hình ảnh bác sĩ Lê Văn Tuấn - trưởng khoa chỉnh hình, người theo Nghiêm là người đầu tiên can đảm cầm dao mổ cho cho mình lúc sự sống đang rất mong manh. Bác sĩ Tuấn chính là người mà Nghiêm bảo rằng đã "sinh ra mình lần thứ 2". "Thời gian em nằm trên lầu 5B3, nếu có gì sơ suất không đúng, cho em xin lỗi mấy bác và mấy cô ạ", Nghiêm viết.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ Online trưa 14-4, Nghiêm cho biết bức tâm thư được viết chính là cảm xúc ấp ủ của mình trong suốt 11 năm qua. "Vì bệnh tật nên em phải tạm dừng việc học từ lớp 6. Văn em viết khô khan, sai chính tả nhưng đó là tấm lòng của em muốn gửi đến những người đã đồng hành suốt thời gian qua và cho em cuộc sống như ngày hôm nay", Nghiêm tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận