Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai nghị quyết Đại hội XIII tổ chức tại Hà Nội vào ngày 14-12 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Nếu ta xây dựng được môi trường xung quanh mình, đặc biệt là các nước láng giềng và nước lớn, trở thành những đối tác tin cậy, các bên cùng có lợi, đấy là cách bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa.
Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM QUANG VINH
Diễn ra trong năm đầu tiên thực hiện nghị quyết Đại hội XIII, chuỗi hội nghị đánh dấu giai đoạn phát triển mới của ngoại giao Việt Nam. Tham dự một số phiên họp của chuỗi hội nghị lần này, đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao - chia sẻ với Tuổi Trẻ các nhận định đáng chú ý.
Vượt ra khỏi tư duy cũ
* Sau 35 năm đổi mới, vị thế đất nước đã được nâng tầm ra sao, thưa ông?
- Đổi mới là làm cho đất nước mạnh lên, nhưng đồng thời cũng làm cho nước ta gần hơn với quốc tế. Hội nhập là đất nước ta sẵn sàng tham gia vào những thể chế quốc tế, chuẩn mực quốc tế, vừa vì lợi ích quốc gia vừa kết hợp lợi ích của quốc tế. Từ vượt khó giai đoạn đầu đổi mới, đất nước ta đang hướng đến mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045.
Tôi nhớ vụ tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, mình đã bàn từ những năm 1990. Tuy nhiên, nhờ kết quả của tham gia hội nhập và đổi mới, chúng ta tham gia và rõ ràng phát huy tác dụng.
Ta cũng tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và chất lượng cao như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Nếu nước mình không đủ năng lực hội nhập, đổi mới thì làm sao dám chơi các cuộc chơi lớn này.
Vị thế mới của đất nước tự bản thân nó đã giúp cho các nhà ngoại giao chúng ta có thêm tiếng nói. Vị thế quốc gia tăng lên cũng tạo nền tảng cho đất nước có thể hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Kế đến, khi đất nước đổi mới và phát triển hơn, chúng ta sẽ có năng lực để tham gia đóng góp xây dựng và có trách nhiệm hơn cho cộng đồng quốc tế.
Cuối cùng, nhờ vị thế đất nước được nâng tầm, chúng ta có đủ tư thế để tham gia, đóng góp và định hình luật chơi quốc tế và khu vực.
* Tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi các nhà ngoại giao dám vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Ông hiểu như thế nào?
- Tôi nghĩ có hai ý quan trọng từ gợi mở của Tổng bí thư. Vượt ra khỏi tư duy cũ tức là nước ta đã khác, thế giới cũng đã khác. Bây giờ cục diện thế giới chuyển biến rất phức tạp như cạnh tranh nước lớn, thách thức an ninh phi truyền thống, chuyển dịch chuỗi cung ứng... Nó không chỉ nằm giữa đúng và sai, mà nó là đan xen. Cán bộ ngoại giao phải nhận rõ được tình hình đâu là cơ hội, đâu là thách thức để tham mưu cho đất nước.
Hai là, tâm thế và vị thế Việt Nam bây giờ rất khác. Trước đây, chúng ta nhận được nhiều hơn là cho. Bây giờ chúng ta ý thức được rằng chúng ta vừa bảo đảm lợi ích quốc gia nhưng đồng thời chúng ta có trách nhiệm đóng góp vào những vấn đề của quốc tế, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh.
* Các nhà ngoại giao cần phải thay đổi như thế nào để có thể "thích ứng linh hoạt" với dịch bệnh COVID-19?
- Theo tôi, đó là những ứng xử ngay tức thời với những chuyển dịch toàn cầu. Dịch bệnh và cạnh tranh nước lớn đang tạo ra những mô hình quản trị mới và dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự chuyển dịch này nó sẽ chạy quanh, nhưng nó "đậu" ở đâu thì mình cần phải có sự chuẩn bị kỹ để nắm bắt cơ hội.
Hai là, khi các đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là các nước lớn, có dấu hiệu kiểm soát được đại dịch, chúng ta phải nắm bắt ngay họ sẽ triển khai những sáng kiến về kinh tế và an ninh gì sau đó. Chuyện vắc xin cũng như vậy, công nhận vắc xin như thế nào và đi lại như thế nào. Nắm bắt kịp thời các xu thế mới của thế giới sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Trong lúc vẫn phòng chống dịch bệnh, chúng ta cần tăng cường đầu tư nghiên cứu. Tôi nghĩ kinh tế của tương lai là kinh tế xanh và kinh tế số. Rồi về việc chống biến đổi khí hậu sẽ tạo ra tài chính xanh, đầu tư xanh, công nghệ xanh... Kinh tế số, kinh tế xanh cũng là mục tiêu chúng ta hướng đến để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam thịnh vượng vào năm 2045.
Bất kỳ nguy cơ nào đều có cơ hội trong đó. Do đó, chúng ta phải nắm bắt các xu hướng kịp thời để không chậm chân trong việc đón những luồng đầu tư mới khi thế giới và khu vực phục hồi hậu đại dịch.
Nguyên thứ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Quang Vinh
Tin cậy và cùng phát triển
* Như ông đề cập, bối cảnh thế giới bây giờ rất khác. Vậy nó ảnh hưởng ra sao đến cách tiếp cận của ta trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia cốt lõi như độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ bao gồm chủ quyền ở Biển Đông?
- Có một quan điểm nhất quán là nếu chúng ta mạnh thì chúng ta sẽ đứng vững trước sóng gió. Cho nên nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ là chúng ta phải tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển, đặc biệt củng cố sự phát triển, đổi mới của mình và hội nhập quốc tế.
Chủ trương hội nhập quốc tế của ta là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Thế thì chúng ta cần mở rộng mạng lưới bạn bè càng nhiều càng tốt.
Hai là cạnh tranh nước lớn hiện đang rất lớn và phức tạp, liên quan tới nhiều đối tác rất quan trọng của ta. Theo tôi, có hai yếu tố quan trọng mà chúng ta cần áp dụng để ứng xử với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước quan trọng trong khu vực, đó là "lòng tin và đan xen lợi ích".
Một trong những cái đan xen lợi ích hiệu quả là cùng tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, xây dựng lòng tin rất quan trọng. Đừng đánh đồng rằng đã là đối tác thì không có khác biệt. Nhưng khác biệt phải được xử lý hài hòa sao cho hai bên cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Có những cái đụng chạm đến lợi ích cốt lõi thì chúng ta cần phải có tiếng nói mạnh mẽ.
* Ông ấn tượng chỉ đạo nào nhất của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 31?
- Thủ tướng có nói 6 chữ mà tôi rất tâm đắc, đó là "tin cậy và cùng phát triển". 6 chữ này có lẽ khái quát nhiều nhất về giai đoạn hội nhập mới của Việt Nam. Muốn tin cậy được thì anh phải chân thành, thẳng thắn. Tin cậy là đan xen nhau cùng phát triển trên tinh thần anh có lợi, tôi cũng có lợi, cùng chơi trên một bàn cờ chung là bàn cờ quốc tế, dựa trên luật pháp quốc tế và các tiêu chuẩn chung của quốc tế và khu vực.
Ba điều nhà ngoại giao cần có
Một là anh phải có tri thức. Tri thức đây không chỉ là ngoại ngữ và nắm rõ lợi ích quốc gia của mình ở đâu, mà còn là phải biết mình biết người.
Thứ hai là bản lĩnh. Anh dám chơi một cuộc chơi quốc tế rất phức tạp mà anh vẫn đứng vững được. Đứng vững đây là anh vừa bảo vệ lợi ích quốc gia nhưng anh lại vừa kết hợp được với lợi ích quốc tế.
Thứ ba, anh phải có cái tâm. Tâm anh có sáng thì anh mới làm được đúng cái công việc của mình. Bất cứ người cán bộ nào làm trong lĩnh vực đối ngoại cũng phải rèn ba điều này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận