Ông Đặng Hưng Long, người có thẻ miễn phí đi xe buýt dành cho người khuyết tật nhưng chưa một lần sử dụng... - Ảnh: TỰ TRUNG |
Ông Đặng Hưng Long, nguyên phó chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật TP.HCM, đã viết như thế trong email gửi đến và kiểm soát xe cá nhân.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.
"Tôi là một người khuyết tật vận động, năm nay đã 50 tuổi, sức khỏe rất yếu nên chỉ có thể di chuyển chủ yếu bằng xe lăn. Nhà tôi ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, cách bến xe Miền Tây không xa lắm. Ở khu vực đó có rất nhiều tuyến xe buýt chạy qua. Tôi có thu nhập thấp, lý ra phải chọn xe buýt làm phương tiện đi lại nhưng tôi không dám đi dù rất muốn.
Xe buýt thế, sao không phản ảnh?
Có lần tôi mạo muội lăn xe lăn vô tận bến xe buýt, ngỏ ý với nhân viên là tôi muốn đi xe. Lúc đó, người nhân viên hơi chần chừ rồi hỏi tôi: “Anh nhắm có đi lên xe được không?”. Tôi trả lời là tôi yếu lắm, chỉ có thể ngồi dính trên xe lăn thôi. Sau đó, thấy mọi người có vẻ ngại, tôi không muốn làm phiền nên quyết định không đi nữa.
Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Lần đó, một người bạn của tôi người Thái Lan sang Việt Nam chơi. Bạn cũng bị khuyết tật vận động nhưng tình trạng khỏe hơn tôi, có thể tự đi lại được với dụng cụ hỗ trợ.
Lúc tôi qua Thái, bạn đưa tôi đi chơi nhiều nơi nên đến khi mình làm chủ nhà, tôi cũng muốn tiếp đón bạn cho chu đáo. Nghĩ là bạn vẫn còn có thể đi, đứng được nên tôi mua vé xe buýt cho bạn đi đến một điểm tham quan. Riêng tôi thì không dám đi cùng vì sợ xe lăn không đưa lên xe buýt được.
Khi về, bạn có vẻ không vui, kể rằng trên xe buýt không có vị trí ưu tiên cho người già, người khuyết tật… và bạn phải đứng trong suốt chuyến đi. Bạn nói: “Xe buýt như thế sao các anh không phản ảnh với nhà xe hoặc cơ quan quản lý nhà nước? Nếu ở nước tôi, chúng tôi đã khiếu nại và công ty xe buýt phải bồi thường”.
Tôi nghe bạn nói mà chẳng biết trả lời thế nào, cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ vô cùng.
Thay đổi một chút để hỗ trợ người khuyết tật
Trước đây, tôi có dịp đi Thái Lan, Singapore, thấy xe buýt ở các nước đó thân thiện với người khuyết tật. Cũng đâu cần gì cầu kỳ, không cần xe buýt phải có dàn nâng, chỉ cần cửa xe thiết kế vừa đủ rộng để chiếc xe lăn vào.
Khi xe dừng lại, nhân viên chỉ cần đặt một tấm ván làm cầu bắc từ mặt đường lên xe là người khuyết tật như tôi có thể dễ dàng lăn xe lên. Thế nhưng, ở TP.HCM, chuyện đưa một chiếc xe lăn lên xe buýt không phải dễ, đưa lên rồi lại không biết xếp vào đâu.
Bên cạnh đó, tôi có cảm giác nhân viên xe buýt dường như chưa được huấn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hỗ trợ người khuyết tật một cách bài bản. Họ chỉ ứng xử một cách rất cảm tính, có người rất nhiệt tình, có người lại thờ ơ, có người thì muốn giúp nhưng không biết cách giúp. Tôi nghĩ cũng không trách họ được.
Cần phải có chủ trương thống nhất từ cấp trên, sau đó hỗ trợ huấn luyện nghiêm túc cho đội ngũ phục vụ xe buýt. Chúng tôi không cần phải có người bồng ẵm lên xe, chỉ cần thiết kế xe phù hợp và có thêm một chút hỗ trợ để chúng tôi tự thao tác, ít làm phiền người khác là hay nhất.
Gần đây TP.HCM có chủ trương miễn phí vé xe buýt cho người già, người khuyết tật. Đó là việc làm quá tình nghĩa. Nhưng với cách phục vụ và vận hành như hiện nay thì những người già yếu, người khuyết tật nặng sẽ không thể lựa chọn xe buýt.
Rất mong các ban ngành, cơ quan chức năng quan tâm, chấn chỉnh vấn đề này để xe buýt thật sự thân thiện, gần gũi với người dân, đặc biệt là những người khuyết tật như chúng tôi.
Mời góp ý phát triển xe buýt Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là vấn đề quan trọng để triển khai ngay nhằm tiến tới việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân, góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe. Làm sao để xe buýt tăng sức thu hút với hành khách? Mời bạn đọc tham gia diễn đàn bằng những câu chuyện cụ thể, những giải pháp khả thi... Ý kiến gửi về báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: [email protected], [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận