Ung thư vú thường gặp nhất ở phụ nữ và là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất ở nữ giới. Nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ giới trung bình là khoảng 1/8 trong suốt cuộc đời.
Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người mắc ung thư vú, chiếm 1/4 trong số các bệnh về ung thư trên toàn cầu. Mỗi năm, nước ta có khoảng 12.000 người mắc ung thư vú, trong đó, khoảng 4.500 người tử vong.
Hiện nay, điều trị ung thư vú đã có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác như liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học (điều trị nhắm trúng đích).
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết, yếu tố then chốt vẫn là việc điều trị khi ung thư vú đang ở giai đoạn sớm. Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị.
Theo ông Nguyễn Bá Đức - Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu, bệnh có thể chữa khỏi tới 90%; giai đoạn 2 khoảng 60%; giai đoạn 3 khả năng khỏi hẳn thấp; giai đoạn 4 chỉ là điều trị chăm sóc giảm nhẹ để kéo dài cuộc sống cho người bệnh và giảm bớt các triệu chứng đau đớn.
Mặc dù trong những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống ung thư vú đã được triển khai có hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khi được chẩn đoán thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo các triệu chứng phát hiện ung thư vú bao gồm: sờ thấy khối u ở vú, một bên dày và chắc hơn bên kia, một phần hoặc toàn bộ vú bị sưng, da vùng vú bị lồi lõm hoặc co kéo thất thường, có hạch dưới nách, đau, nổi đỏ, vẩy nến hoặc dày da ở núm vú hoặc da vú…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận