19/12/2022 17:00 GMT+7

Tầm soát loãng xương và những điều cần biết

T.D.V
T.D.V

Theo TS BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, các đối tượng có nguy cơ loãng xương cao cần được tầm soát sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Vì sao cần tầm soát sớm bệnh loãng xương?

Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng và chất lượng của xương làm cho xương trở nên mỏng hơn, giòn hơn và dễ gãy hơn. Tỉ lệ mắc loãng xương ở người trên 50 tuổi từ 6-8% ở nam giới và từ 20-25% ở nữ giới. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc loãng xương càng gia tăng.

Loãng xương là một bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng cho đến khi người bệnh bị gãy xương. Do đó, loãng xương được gọi là "căn bệnh thầm lặng" hay "kẻ giết người thầm lặng". Một số người bệnh có thể có triệu chứng đau mỏi các xương dài. Các triệu chứng muộn hơn là biến chứng của bệnh như biến dạng xương do gãy xương, giảm chiều cao, gù...

Một số trường hợp, người bệnh bị gãy xương rồi mới biết mình bị loãng xương. Nguy hiểm hơn, một người đã bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ gãy xương trong tương lai cao gấp 2 lần nếu không được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Gãy xương do loãng xương sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, dẫn đến đau mạn tính, bất động và tàn phế lâu dài. Người bệnh thường sẽ mất khả năng tự chủ và giảm chất lượng cuộc sống.

Tầm soát loãng xương và những điều cần biết - Ảnh 1.

TS BS. Cao Thanh Ngọc tư vấn điều trị cho người bệnh

Chẩn đoán xác định loãng xương bằng cách nào? Ai cần được tầm soát loãng xương?

Loãng xương là bệnh lý điều trị được, vì vậy việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán loãng xương hiện nay chủ yếu dựa vào việc đo khối lượng xương hay còn gọi là đo mật độ xương. Có 4 nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần đo mật độ xương gồm: nữ giới từ 65 tuổi, nam giới từ 70; phụ nữ sau mãn kinh dưới 65 tuổi, nam giới 50-69 tuổi có yếu tố nguy cơ gãy xương; người gãy xương sau tuổi 50 tuổi và người có tình trạng bệnh lý liên quan mật độ xương thấp hoặc người dùng thuốc ảnh hưởng đến mật độ xương.

Tầm soát loãng xương và những điều cần biết - Ảnh 2.

Người bệnh tầm soát loãng xương tại bệnh viện ĐH Y Dược TP. HCM

Để phòng ngừa loãng xương, cần phối hợp cả biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Việc dùng thuốc chủ yếu bổ sung calcium, vitamin D hỗ trợ. Đối với việc điều trị không dùng thuốc, cần có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất, vận động và phòng ngừa té ngã.

Các bài tập vận động, tập thể dục làm tăng sức bền, tập thăng bằng và cải thiện khối cơ như đi bộ, đạp xe đạp, bơi lội, thái cực quyền... Nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, tránh hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không dùng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc hoặc thuốc chứa corticoid.

Hiện nay, đo mật độ xương bằng phương pháp hấp phụ tia X năng lượng kép được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong chẩn đoán. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, hệ thống máy đo mật độ xương tiên tiến đã được trang bị nhằm tầm soát loãng xương hiệu quả và chính xác cho người bệnh.

Nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về việc phòng chống loãng xương, Trung tâm Truyền thông phối hợp cùng Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM biên soạn Cẩm nang "Bệnh lý loãng xương và những điều cần biết". Cẩm nang cung cấp các thông tin hữu ích giúp mỗi người tự trang bị kiến thức về các yếu tố nguy cơ, triệu chứng, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa loãng xương, theo dõi và tải Cẩm nang tại: https://bit.ly/Camnangbenhloangxuongvanhungdieucanbiet.

Tầm soát loãng xương và những điều cần biết

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên