07/10/2024 19:00 GMT+7

Tầm quan trọng đặc biệt trong tuân thủ điều trị loãng xương

Vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tiếp nhận người bệnh N.T.A, 68 tuổi, nhập viện vì đau vùng cột sống thắt lưng sau khi trượt ngã tại nhà. Sau khi thực hiện các xét nghiệm, bà được chẩn đoán loãng xương kèm xẹp đốt sống thắt lưng.

Chương trình tư vấn loãng xương

Trước đó, bệnh nhân không có triệu chứng gì rõ rệt và rất bất ngờ khi biết mình mắc bệnh loãng xương.

Sau khi được điều trị bằng thuốc đặc trị loãng xương và thực hiện các bài tập vận động, bà A. đã phục hồi tốt, có thể đi lại sinh hoạt bình thường.

Bác sĩ khuyến cáo bà cần tiếp tục tuân thủ liệu trình điều trị trong 3-5 năm để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và giảm nguy cơ gãy xương tái phát.

Loãng xương - Nguy cơ gãy xương cao ngay từ tuổi trung niên

ThS BS. Trần Hồng Thụy, Khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD, cho biết loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ và chất lượng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy.

Loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến những người mắc các bệnh lý mãn tính như suy thận, bệnh lý nội tiết như cường giáp, hoặc những người có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương.

ThS BS. Nguyễn Châu Tuấn, Khoa Nội cơ xương khớp BV ĐHYD, nhấn mạnh: "Nam giới cũng không thoát khỏi nguy cơ loãng xương, sau 50 tuổi".

Các yếu tố như hút thuốc, uống rượu bia, ít vận động và mắc các bệnh lý nội khoa khác cũng gia tăng nguy cơ loãng xương ở nam giới.

Việc điều trị loãng xương không chỉ dừng lại ở việc sử dụng thuốc mà còn đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, vận động thường xuyên.

PGS TS BS. Cao Thanh Ngọc tầm soát loãng xương cho người bệnh

Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị và phòng ngừa té ngã

Một trong những thách thức lớn nhất trong điều trị loãng xương là sự tuân thủ của người bệnh.

PGS TS BS. Cao Thanh Ngọc nhấn mạnh rằng nhiều người bệnh thường không kiên trì uống thuốc vì không thấy ngay hiệu quả sau khi điều trị. Tuy nhiên, nếu không uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, hiệu quả điều trị sẽ giảm đáng kể.

Chỉ cần bỏ lỡ một liều thuốc trong một tháng, hiệu quả điều trị có thể giảm hơn 50%. Nếu bỏ lỡ hai liều, hiệu quả gần như bằng không. Tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn là yếu tố then chốt trong điều trị.

Bên cạnh việc tuân thủ liệu trình điều trị, phòng ngừa té ngã là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh loãng xương, đặc biệt là ở người cao tuổi.

ThS BS. Trịnh Thị Bích Hà - Phó Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ cho biết người cao tuổi có nguy cơ té ngã cao do suy giảm nhận thức và sức khỏe. Các biện pháp như đảm bảo ánh sáng đầy đủ trong nhà, lắp đặt tay vịn tại các khu vực nguy hiểm như cầu thang và nhà tắm, loại bỏ các vật cản nguy hiểm là vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, việc duy trì thói quen vận động phù hợp như yoga, đi bộ, và đạp xe, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ té ngã.

Nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về bệnh loãng xương, BV ĐHYD thực hiện chương trình tư vấn "Tối ưu quản lý và điều trị loãng xương".

Theo dõi tại: https://bit.ly/QuanlyvadieutriLoangxuong

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên