14/09/2018 13:56 GMT+7

Tâm ơi, đừng bỏ cuộc

THÁI THỊNH - NGỌC HIỂN
THÁI THỊNH - NGỌC HIỂN

TTO - Cao Thành Tâm đang gánh trên vai bộn bề những lo toan: kiếm tiền nuôi mẹ đang chạy thận, lo cho đứa em ăn uống và số tiền để trang trải khi vào đại học.

Tâm ơi, đừng bỏ cuộc - Ảnh 1.

Cao Thành Tâm phục vụ khách du lịch tại quán ăn - Ảnh: THÁI THỊNH

Trải qua những mất mát, biến cố gia đình lớn đến như vậy nhưng Tâm vẫn đứng vững và cố gắng thi đậu ĐH cho thấy một nỗ lực rất lớn.

Thầy HỒ PHÚC ĐỨC (giáo viên chủ nhiệm của Tâm)

13h30, dưới mái tôn nóng hầm hập như lò nung trong quán ăn ven quốc lộ 27C đi qua xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), Cao Thành Tâm, tân sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Nha Trang, vẫn tất tả chạy bàn giữa dòng khách nườm nượp vào quán.

Phía sau dáng hình gầy gò, sức vóc nhỏ bé, cậu học trò 18 tuổi người Raglai Cao Thành Tâm đang gánh trên vai bộn bề những lo toan: kiếm tiền nuôi mẹ đang chạy thận, lo cho đứa em ăn uống và số tiền học trang trải những ngày tháng vào ĐH sắp tới.

Tấn bi kịch gia đình

Lấy vạt áo lau những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đen nhẻm, Tâm khoe bà chủ quán ăn đã đồng ý cho vay 5 triệu đồng, đóng học phí học kỳ 1 hết 4 triệu, còn 1 triệu Tâm gửi vào phụ tiền ăn cho mẹ đang chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Một ngày hè cuối tháng 7-2017, mẹ của Tâm, bà Ali A, lên rẫy nhổ mì về nấu cám cho heo ăn thì bỗng dưng ngất xỉu, sau đó nhập viện thì phát hiện bị bệnh thận. 

Muốn duy trì sự sống, bà Ali A cần phải lọc máu mỗi ngày, nếu không thận sẽ không hoạt động đúng cách, chất thải tích tụ trong máu có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. 

Từ ngày mẹ nhập viện, em gái của Tâm, Cao Thị Tuyết Mai, đang học dở lớp 9 cũng thôi học để vào chăm mẹ.

Ba chị gái của Tâm đều đã lấy chồng nhưng gia cảnh cũng nghèo khó, chẳng giúp được gì nhiều. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên bà Ali A được hỗ trợ tiền bảo hiểm xã hội để chạy thận, gia đình chịu chi phí ăn uống và một vài thủ tục y tế. 

Số tiền lo cho mẹ và em ở bệnh viện suốt một năm qua 1,5 triệu đồng/tháng phần lớn là nhờ các tổ chức từ thiện và một phần tiền làm thêm Tâm tích góp được.

Bốn tháng chạy thận, trong nhà chỉ có mấy con heo, con gà là đáng giá đều đem đi bán sạch khiến gia đình Tâm rơi vào kiệt quệ. 

"Ba tự tử rồi Tâm ơi", đó là cú điện thoại đầu tháng 11-2017 của người chị gái báo tin vào đúng thời điểm Tâm đang ôn thi ở Trường PT Dân tộc nội trú Khánh Hòa. 

"Tôi đón xe buýt về tới ngôi nhà mấy anh em mình vẫn ở. Không ai biết lý do vì sao, chị mình nói do nhà nghèo, ba túng quẫn quá nên làm vậy" - Tâm rưng rưng kể.

Đứng lên sau biến cố

Từ ngày ba mất, hai anh em Tâm không về lại căn nhà đó nữa mà chuyển qua ở nhà chị gái. Ngoài giờ học ở trường, những dịp hè, nghỉ tết, Tâm đi làm thêm ở các quán ăn, cà phê để gửi tiền cho mẹ và em. 

Tâm chia sẻ rằng quãng thời gian ba mất là lúc Tâm cảm thấy hụt hẫng, chán nản nhất.

Dịp tết năm 2017, Tâm không về nhà mà làm tại nhà hàng hải sản ở TP Nha Trang. Đêm giao thừa cũng là đêm mẹ Tâm bệnh nặng, chuyển lên khoa hồi sức tích cực chống độc. Không có xe, Tâm đi bộ giữa mưa đến bệnh viện vào thăm mẹ và em. 

Thời khắc ấy thấy mọi người ai cũng quây quần bên gia đình hạnh phúc, Tâm tủi thân, bật khóc.

Con sông Trang chảy qua xã Sơn Thái mùa này cạn trơ đáy, những nương ngô, rẫy mì thiếu nước nằm thoi thóp trên rãnh đất nứt toác. 

Dưới trời nắng chang chang, mấy đứa trẻ người đồng bào Raglai, K' Ho, String đầu trần chân đất lội suối bắt cá. Vùng đất khô cằn, cái nghèo khó nơi đây đã níu chân biết bao đứa trẻ phải nghỉ học từ khi mới lên lớp 7, lớp 9...

Anh Hà Diệu, bí thư Đoàn xã Sơn Thái, nói rằng việc vận động học sinh tới trường ở xã miền núi hằng năm gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt cấp II lên cấp III vì trường cách xã đến 18km. 

Năm 2018 cả xã chỉ có 15 học sinh cấp III và chỉ ba em thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Trong số học sinh hiếm hoi đó, Tâm là học sinh giỏi xuất sắc suốt những năm cấp II nên được chọn xuống Nha Trang ở Trường PT Dân tộc nội trú Khánh Hòa.

Học ngành ngôn ngữ Anh, Tâm ước mơ sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch. 

"Bây giờ tôi nghỉ học đi làm thì mẹ cũng không thể hết bệnh được. Chi bằng học thật giỏi để sau này có thể giúp mẹ và em gái của mình có thể đi học lại. Xuống thành phố học ĐH tôi sẽ tiếp tục kiếm việc làm thêm để có tiền đóng học phí và ăn ở" - Tâm giãi bày.

"Tiếp sức" 70 tân sinh viên Khánh Hòa, Ninh Thuận

Ngày 14-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 70 tân sinh viên vượt khó học giỏi Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Trong đó, bốn tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận suất học bổng trị giá 15 triệu đồng/suất và 66 tân sinh viên nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất.

Tổng kinh phí học bổng 720 triệu đồng do Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa, Tổng công ty Khánh Việt và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp, tài trợ.

Năm nay, báo Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn tổ chức xét trao học bổng cho hơn 1.350 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí hơn 15,5 tỉ đồng.

Chông chênh đường đến trường của chàng trai hiếu thảo

TTO - Cha bệnh tâm thần, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Thành vừa học vừa chăm lo hai đấng sinh thành. Dù vất vả, Thành vẫn vui 'còn ba má ráng mà nuôi...'

THÁI THỊNH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên