10/06/2024 08:12 GMT+7

Tầm nhìn quản lý nước của Singapore

Singapore đã đạt được thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước nhờ tầm nhìn dài hạn, sử dụng các công nghệ tiên tiến và nỗ lực hợp tác với các bên liên quan.

Dữ liệu: MINH KHÔI - Đồ họa: TUẤN ANH

Dữ liệu: MINH KHÔI - Đồ họa: TUẤN ANH

Kinh nghiệm của Singapore cung cấp bài học quý giá cho các thành phố khác trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu nước trong những năm tới.

Xem nước là tài sản

Kể từ khi độc lập vào năm 1965, Singapore đã phải đối mặt với hai thách thức chính về quản lý nước: dân số bùng nổ và nguy cơ ngập lụt. Từ năm 1990 đến 2018, dân số gần như tăng gấp đôi, đạt 5,8 triệu người.

Không có nguồn nước tự nhiên để khai thác, Singapore phải ký hợp đồng với Malaysia để cung cấp nước uống. Đồng thời, khoảng 30% đất đai của Singapore nằm ở độ cao dưới 5m so với mực nước biển trung bình, do đó đảo quốc nhỏ bé này luôn đối diện với nguy cơ ngập lụt và thách thức đảm bảo nguồn cung cấp nước bền vững.

Các đợt hạn hán và lụt lặp đi lặp lại càng làm gia tăng rủi ro cho tài sản và cư dân, đồng thời khiến việc quản lý nguồn nước khan hiếm trở nên phức tạp. Bước chuyển quan trọng trong quá trình quản lý nước ở Singapore là quốc gia này đã sớm coi nước như một tài sản môi trường.

Tài sản thì cần được bảo vệ và tích lũy. Giải pháp ban đầu của Singapore là xây dựng các hồ chứa và hệ thống thoát nước để cung cấp nguồn nước và giảm thiểu nguy cơ ngập lụt.

Khi đất nước phát triển, các quan chức nhận ra rằng họ phải phát triển và thực hiện chiến lược tăng cường khả năng chống chịu về nước của Singapore.

Theo Kế hoạch nước năm 1972, cơ quan chức năng đã thiết kế chính sách kêu gọi xây dựng các khu vực và hồ chứa để thu thập nước mưa, nhằm tăng cường nguồn cung cấp nước.

Tuy nhiên, việc triển khai một mạng lưới thoát nước trên toàn đảo song song với quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng là một thách thức lớn. Việc cân bằng các ưu tiên này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quan chức chính phủ và các cơ quan quy hoạch sử dụng đất.

Một góc quang cảnh Singapore - Ảnh (minh họa): GETTY IMAGES

Một góc quang cảnh Singapore - Ảnh (minh họa): GETTY IMAGES

3 chiến lược quản lý nước

Trong hơn hai thập niên qua, Cơ quan Quản lý nước quốc gia Singapore (PUB) đã thành công trong việc thu gom nước mưa quy mô lớn trên toàn quốc; thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải; cũng như khử mặn nước biển.

PUB đã thu gom và xử lý toàn bộ nước thải để biến chúng thành nguồn nước sạch và chất lượng cao. Kết quả là PUB đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc sử dụng nước tái chế, được gọi là NEWater.

Từ năm 2017, NEWater đã cung cấp tới 40% nhu cầu nước hằng ngày của Singapore, tương đương 430 triệu gallon (1.954 triệu lít). Với nhu cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2060, PUB có kế hoạch tăng công suất cung cấp NEWater lên tới 55% nhu cầu.

Theo kế hoạch, nước khử mặn sẽ chiếm 30% tổng nhu cầu vào năm 2060, tăng 5% so với năm 2017. Phần còn lại (15%) sẽ đến từ các vùng chứa nước ở địa phương và nước nhập khẩu.

Thách thức lớn nhất nằm ở chỗ quốc gia này thiếu các nguồn nước ngọt tự nhiên như nước ngầm và các tầng chứa nước, cùng với việc thiếu không gian để thu và trữ nước mưa.

Thách thức này nêu bật tầm quan trọng của đập nước Marina (Maria barrage). Đây là hồ chứa nước thứ 15 của Singapore và là hồ chứa đầu tiên ở trung tâm đảo quốc. Đập Marina được xây dựng dựa trên tầm nhìn của ông Lý Quang Diệu, thủ tướng đầu tiên của Singapore, cách đây hơn 3 thập niên.

Con đập đi vào hoạt động từ 31-10-2008, lưu vực trải rộng lên đến 10.000ha. Công trình thủy lợi này có vai trò đảm bảo nguồn nước sạch cho cả thành phố, giảm bớt ngập lụt ở một số khu vực thấp của đảo.

Từ tháng 4-2009, đập Marina bắt đầu khử mặn nước biển nhờ vào cơ chế sử dụng nước mưa. Khi mưa lớn và thủy triều thấp hơn mực nước trong đập, toàn bộ 9 cửa của con đập sẽ được mở để xả bớt lượng nước mưa dư thừa ra biển. Khi thủy triều lên cao, những máy bơm khổng lồ có khả năng bơm một lượng nước tương đương thể tích một hồ bơi Olympic mỗi phút sẽ hoạt động, giúp thoát nước ra biển, qua đó giữ nước trong hồ luôn ổn định, bảo vệ các tuyến đường thủy và giảm thiểu nguy cơ ngập lụt.

Giảm tiêu thụ nước

Việc quản lý nước sẽ không có nhiều ý nghĩa khi không có tiết kiệm nước. Theo Kế hoạch xanh Singapore 2030, mục tiêu của nước này là giảm tiêu thụ nước trong hộ gia đình xuống còn 130 lít/người/ngày.

Hiện tại, khoảng 45% lượng nước tiêu thụ hằng ngày của Singapore là từ các hộ gia đình, trong khi 55% còn lại được sử dụng bởi các ngành công nghiệp và lĩnh vực phi dân sinh. Theo báo Straits Times, trong năm 2023, mức tiêu thụ nước trong các hộ gia đình tại Singapore đã giảm xuống còn 141 lít/người/ngày, so với 149 lít vào năm 2022.

Trọng tâm của việc giảm tiêu thụ nước là khuyến khích sử dụng nước hiệu quả trong các hộ gia đình và doanh nghiệp. PUB khuyến khích mọi người thay đổi thói quen hằng ngày như tái sử dụng nước và mua các thiết bị và vật dụng tiết kiệm nước.

Nghiên cứu về tiêu thụ nước trong hộ gia đình do PUB thực hiện từ năm 2021 đến 2022 cho thấy việc tắm, xả nước, rửa trong nhà bếp và giặt giũ chiếm khoảng 80% tổng lượng nước sử dụng trong gia đình.

Từ ngày 15-4-2024, các hộ gia đình thuộc quản lý của Cục Nhà ở và Phát triển Singapore sẽ nhận được voucher điện tử trị giá 300 SGD để mua 10 loại thiết bị và vật dụng tiết kiệm năng lượng và nước.

Mười sản phẩm này chiếm khoảng 60% lượng điện tiêu thụ trung bình của một hộ gia đình và khoảng 90% lượng nước tiêu thụ. Sáu trong số mười sản phẩm này là các thiết bị liên quan đến nước như bồn cầu, máy giặt và máy nước nóng.

Bộ trưởng Bộ Phát triển bền vững và Môi trường Grace Fu cho biết các sản phẩm gia dụng tiết kiệm nước cùng với thói quen tốt như chỉ chạy máy giặt khi đủ tải sẽ giúp giảm thêm 10 lít nữa để đạt mục tiêu 130 lít.

Singapore đã chứng minh rằng với kế hoạch tốt và sự cam kết, một quốc gia có thể thích ứng thành công với các nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Việc giảm tiêu thụ nước trong hộ gia đình là một bước quan trọng trong hành trình này, góp phần xây dựng một Singapore bền vững.

130 lít

Singapore đặt mục tiêu giảm tiêu thụ nước trong hộ gia đình xuống còn 130 lít/người/ngày, theo Kế hoạch xanh Singapore 2030.

Ở Singapore, bắt động vật hoang dã có thể bị phạt cả tỉ đồngỞ Singapore, bắt động vật hoang dã có thể bị phạt cả tỉ đồng

Xung quanh chuyện giăng bẫy chim trời trong thành phố, nhiều bạn đọc bức xúc và đề nghị nên áp dụng cách phạt của Singapore. Singapore xử phạt việc bắt động vật hoang dã ra sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên