Giao thông công cộng hiện là điểm yếu của TP.HCM khi chỉ phục vụ được 5-6% nhu cầu đi lại của người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Phạm Thái Sơn - Chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức đã gợi mở như thế khi góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Không đặt mục tiêu chung chung
Những năm vừa qua, TP.HCM đã có một số chương trình, quy hoạch, chiến lược (gọi chung là chiến lược) để trở thành một đô thị bền vững hơn, đáng sống hơn, thông minh hơn, với những kỳ vọng có được bước phát triển đột phá trong giai đoạn 10, 20 hay 30 năm tới.
Các chiến lược này đều đặt ra những mục tiêu lớn mà TP cần hướng tới, tuy nhiên trong nhiều trường hợp mục tiêu này lại chung chung. Và trong đa số các bản chiến lược chúng ta thấy có sự khác biệt nhất định trong tầm nhìn và mục tiêu phát triển, đồng thời không thấy có các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được của các mục tiêu này.
Ngoài ra, các chiến lược này hiện được quản lý và điều phối khá phân mảnh, dựa theo chức năng nhiệm vụ của ngành dọc có liên quan hoặc theo các ban chỉ đạo liên ngành với các thành viên kiêm nhiệm cùng cơ chế làm việc khá lỏng lẻo, dẫn đến những khó khăn nhất định cho các cấp quản lý của TP trong việc tổng hợp, theo dõi, đánh giá và chỉ đạo kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.
Để đảm bảo sự thống nhất và khả thi của các chiến lược này, TP cần một nỗ lực chính thức nhằm thống nhất tầm nhìn dài hạn làm cơ sở cho sự phát triển trong vài chục năm tới. Tầm nhìn phát triển dài hạn này cần hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng sống cho toàn thể người dân, tăng cường khả năng cạnh tranh và mức độ thu hút đầu tư của TP, nâng cao khả năng ứng phó của TP trước các sự biến có thể xảy ra. Đồng thời, TP cũng cần xây dựng bộ khung các chỉ tiêu định lượng cụ thể theo từng giai đoạn để có thể theo dõi, đánh giá và điều chỉnh kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn.
Trên cơ sở của tầm nhìn phát triển dài hạn và bộ khung chỉ tiêu phát triển theo từng giai đoạn, TP sẽ đưa ra các kế hoạch hành động phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển đề ra. Việc xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch hành động này cần qua nhiều bước đánh giá và tham vấn.
TS Phạm Thái Sơn - Chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức
Những gợi ý cho tầm nhìn phát triển dài hạn
TP chia sẻ dữ liệu: Việc đề ra khung chỉ tiêu phát triển theo từng giai đoạn chỉ có thể được ứng dụng hiệu quả với một hệ thống dữ liệu được thu thập đầy đủ, cập nhật thường xuyên và chia sẻ hiệu quả trên một nền tảng công nghệ tốt. Trên cơ sở đó, chính quyền các cấp mới có được sự hỗ trợ từ các phân tích thuyết phục, thực chứng để có được quyết sách phù hợp. Việc chia sẻ dữ liệu hiệu quả cũng sẽ là nền tảng của việc phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như việc triển khai các quy hoạch tích hợp hiệu quả trong tương lai.
TP không phụ thuộc vào phương tiện giao thông cá nhân: Không một TP nào trên thế giới có thể phát triển bền vững mà thiếu đi sự hiện diện của một hệ thống giao thông công cộng có hiệu quả. Giao thông công cộng hiện là điểm yếu của TP.HCM khi chỉ phục vụ được 5-6% nhu cầu đi lại của toàn bộ người dân TP. Tăng cường hiệu quả phục vụ của hệ thống giao thông công cộng sẽ thúc đẩy chuyển đổi bền vững hình thái đô thị TP, góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng tới một đô thị phát triển ưu tiên sức khỏe của người dân.
Song song với phát triển giao thông công cộng thì TP.HCM cũng có thể mạnh dạn triển khai hướng đi trở thành TP thân thiện với người đi bộ và sử dụng xe đạp. Một thực tế cần phải thừa nhận hiện nay là điều kiện hạ tầng cơ bản cho hai nhóm đi bộ và sử dụng xe đạp chưa được đáp ứng tại hầu hết các địa bàn khác nhau của TP.HCM. Vỉa hè và sử dụng không gian vỉa hè tại TP là một ví dụ rõ ràng nhất cho thực trạng này.
TP giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế rác thải: Rác thải và xử lý rác thải đang là vấn đề nổi cộm của TP, tuy nhiên hiện nay chưa thấy có hướng đi cụ thể liên quan tới vấn đề này. Việc hình thành phong trào 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế) và những hành động nhất quán, hướng dẫn cụ thể và chế tài nghiêm khắc liên quan tới rác thải và hành vi của cộng đồng đối với rác thải là một yêu cầu thiết yếu nếu TP.HCM muốn khẳng định cam kết hướng tới phát triển bền vững và đảm bảo chất lượng sống cho người dân, đồng thời đóng góp tích cực cho phát triển bền vững ở quy mô toàn cầu.
TP có khả năng ứng phó và phục hồi: Bất kỳ một đô thị nào cũng phải thường xuyên ứng phó với các sự biến nhất định. COVID-19 là một ví dụ điển hình cho sự biến đột ngột trong giai đoạn gần đây, ngập lụt và kẹt xe là hai ví dụ khác cho các sự biến mà TP thường xuyên phải đối mặt. Do đó, việc đảm bảo cho TP có được khả năng ứng phó và phục hồi là một yêu cầu tiên quyết để TP.HCM có thể vững bước tới mục tiêu phát triển dài hạn. Một phân tích gần đây cho thấy để có được một đô thị có khả năng ứng phó và phục hồi ở mức độ cao thì các yếu tố quan trọng nhất là sự chuẩn bị, sự tham gia và phối hợp, sự phản ứng, sự sẵn sàng phục hồi và sự học hỏi qua trải nghiệm.
TP với các công trình, khu vực không cần nguồn năng lượng bên ngoài: Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các đô thị trên thế giới đã bắt đầu chạy đua hướng tới mục tiêu giảm toàn bộ phát thải nhà kính và sử dụng toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo trong một số lĩnh vực phát triển đô thị. Nhằm hướng tới mục tiêu này như là một nỗ lực rõ ràng của chiến lược xây dựng TP thông minh, sáng tạo và bền vững, TP.HCM cần nghiên cứu đề ra các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các bên tham gia xây dựng, phát triển các công trình hoặc khu vực đô thị không cần sử dụng nguồn năng lượng bên ngoài.
TP thân thiện với các nhóm yếu thế (phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật): Các hoạt động hiện tại của TP chủ yếu do các nhóm "mạnh" đề xuất, thiết kế và triển khai, do đó nhu cầu của các nhóm yếu thế chưa được quan tâm đúng mức. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các nhóm người tàn tật, người già yếu gần như không thể tiếp cận và dễ dàng tham gia các hoạt động tại không gian công cộng hay công trình chính của TP. Nhiều phụ nữ, trẻ em chưa thấy có được cảm giác an toàn khi tham gia giao thông hoặc khi đi lại, hoạt động một mình quanh các khu vực công cộng. Để đảm bảo phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau thì sự tham gia của các nhóm yếu thế trong việc hoạch định và triển khai chính sách là một cơ chế tiên quyết cần được ưu tiên triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận