Những trụ của cầu sông Tê cũ, nơi có 64 tân binh sư đoàn 5 đã hi sinh sáng 25-12-1978, giờ đây thật thanh bình - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Chính vì thế nên tuy chỉ có tám cựu binh nhưng điểm dừng chân lại dọc dài theo suốt một vệt cả ngàn cây số từ khi qua cửa khẩu Xa Mát lên Khum Dar, nơi vào cuối năm 1977 trung đoàn 4 đã tiến đánh mục tiêu đầu tiên bên ngoài Tổ quốc.
Đồng đội bên đường
Quá ngọ của ngày đầu tiên chuyến hành trình, từ ngã ba Snuol (tỉnh Kratie) anh em xác định vị trí chốt 1 - một trong năm chốt chặn của sư đoàn 5 của giai đoạn đầu tấn công địch trên đất Campuchia.
Rẽ vào cổng chùa Pothiwon Snuol chạy thẳng vào phum vừa được xây mới to đẹp, hai bên là rừng cao su xanh bạt ngàn.
Chỉ trong hơn ba tháng chốt chặn khu vực này của mùa mưa 1978, quân số thương vong của các sư đoàn đã lên đến con số ngàn.
Khói hương bay vấn vít qua những tán lá cao su xanh mướt không thể không nghĩ đến máu hàng ngàn người lính trẻ đã đổ xuống cho cuộc sống bình yên trên đất bạn hôm nay.
Những ngôi chùa mới, những phum sóc khang trang, còn linh hồn những người lính Việt ngày ấy đang neo đậu ở đâu?
Rời khu vực chốt 1, xe tiếp tục chạy về phía tỉnh lỵ Kratie. 3h chiều, chúng tôi dừng lại ở đầu cầu sông Tê.
Trên đường, những chuyến xe vun vút lao qua, còn bên vệ đường những cựu binh Việt trải tấm nilông bày bánh trái, hoa quả, vàng mã theo phong tục.
Từ chiếc cầu mới nhìn qua hướng bắc vài chục mét có thể thấy những trụ của cây cầu cũ đang ngoi lên từ lòng sông.
Cầu sông Tê, những ngày cuối năm 1978, rất nhiều lính trẻ vừa đưa từ Việt Nam qua, chưa kịp biết chiến trường đã hi sinh ngay nơi này...
Lúc đó, sáng 25-12-1978, xe chở tân binh vừa tới cầu từ hướng Kratie, hai máy bay T-28 bay lên bổ nhào ném bom hòng phá sập cầu, ngăn đường tiến quân của bộ đội Việt Nam, bởi lúc này khí thế tiến quân như vũ bão.
Thấy máy bay bổ nhào, các tân binh lao xuống gầm cầu tìm chỗ nấp trong cống. Mấy quả bom không rơi trúng cầu mà chệch xuống phía đầu cống, cả một lứa tân binh hi sinh gần hết: 64 cán bộ chiến sĩ của sư đoàn 5 nằm lại.
Mấy hôm sau, hai chiếc T-28 này bay trở lại tiếp tục mục tiêu phá cầu, nhưng lần này thì chúng không thoát: một chiếc bị bắn rơi.
Anh em bảo khi đến hiện trường, tay phi công lái chiếc T-28 bị tử nạn hình như không phải lính của Pol Pot mà là của một nước khác sang giúp Pol Pot. Trận tổn thất cầu sông Tê ấy diễn ra trước ngày giải phóng Phnom Penh (7-1-1979) chỉ hơn 10 ngày.
Và 10 năm tiếp theo, kể từ ngày 7-1-1979 lịch sử ấy, có thêm cả vạn người lính tình nguyện Việt Nam ngã xuống.
Nhưng chuyến đi thăm chiến trường xưa của các anh cựu binh E4 lần này không chỉ để dâng hương tưởng vọng đồng đội đang nằm lại ở những cánh rừng hay trảng ruộng trên đất bạn.
Còn một sự thôi thúc khác với các cựu binh là gặp lại những người dân đã từng che chở, cưu mang trong những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế, nhất là những bà mẹ Campuchia hết lòng thương yêu "coong-top (bộ đội) Việt Nam".
Tình thương với những đứa con
Trong chuyến xe từ Takong Krao trở ra lộ 5 để lên Poipet sau khi cúng vọng anh em ở đó, ra tới lộ trời đổ mưa, đường lên thành phố giáp biên Poipet tối mờ mịt, tuy nhiên dù thế nào thì không thể không ghé thăm một người mẹ Cam ở ngã ba Nimith.
Dọc đường, anh Nguyên và anh Trọng - hai cựu binh trong đoàn - đã gọi điện chỉ nói ghé thăm mẹ xong sẽ đi tiếp lên Poipet.
Vậy mà khi xe vừa dừng lại, những người con của mẹ đã ra tận lộ đón. Và khi vào nhà, nhìn cách mẹ ôm lấy các anh em trong đoàn không khác nào đang ôm lấy những đứa con ruột thịt đã bao ngày mong ngóng.
Tên mẹ là Puth Tarang. Anh Nguyễn Phong Nguyên và anh Trọng, những người lính đã từng đóng quân ở ngã ba Nimith, kể những năm tháng tình nguyện ấy, khi tàn quân Pol Pot vẫn ở lẫn đâu đó trong phum sóc, nếu không có tình yêu thương che giấu, mật báo của những người mẹ Cam thì chưa biết sinh mạng của mình sẽ ra sao.
Một bữa cơm thịnh soạn đã được mẹ bảo những người con chuẩn bị thật chu đáo để níu anh em ở lại cùng ăn bữa tối với gia đình. Trời càng lúc mưa càng lớn. Mẹ bảo mấy người con dọn dẹp phòng và nói anh em trong đoàn ở lại...
Buổi sáng hôm đó, khi rời Siem Reap để ngược lên Bantea Meenchay, trước khi đến Sisophon, đoàn rẽ vào Phnom Srok.
Đã ngót nghét 30 năm từ ngày rời khỏi nơi đây, vật đổi sao dời, rồi cựu binh Lương Quang Hùng (sau khi xuất ngũ anh học báo chí, làm trưởng phòng phóng viên của một tờ báo và bây giờ anh đang là thủ lĩnh của dự án "Nhà chống lũ" giúp dân vùng lũ hàng nghìn căn nhà từ Bắc chí Nam) cũng tìm được nhà mẹ Ngăn ở phum Pai S’nua.
Mẹ Ngăn không có nhà. Hùng lên trên sàn nhà, có tấm ảnh của mẹ Ngăn ở đó. Không gặp mẹ thì nhìn ảnh mẹ.
Anh Hùng kể sau một thời gian đóng quân ở đây, khi đơn vị anh chuyển sâu vào phum Ô và phum Bô của dãy núi Th’mo Cul, vậy mà có những lần mẹ Ngăn đánh chiếc xe bò bánh gỗ chở dừa khô, rau muống, cá khô và cả... cơm rượu, vượt hơn 30 cây số vào thăm anh em đơn vị.
Mà lúc đó đâu phải đã an toàn, quân giặc vẫn từ áp biên ra quấy phá. Chỉ có tình thương với những đứa con bộ đội Việt lớn thế nào các mẹ mới chăm lo trìu mến đến thế.
Những ngày tháng gian nan ấy, những tấm lòng người mẹ ấy, không là người trong cuộc sẽ khó cảm thấu hết.
Bao mối ân tình
Cúng đồng đội ở ngã ba Snuol - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC
Anh Nguyễn Thành Nhân, nhà văn, dịch giả, người viết cuốn tiểu thuyết Mùa xa nhà về những năm tháng làm tình nguyện quân trên đất bạn vốn là trung đội trưởng súng 12 ly 7, cũng là cựu binh E4.
Những phum sóc của khu vực Phnom Srok, những con người, những câu chuyện của miền đất này đã trở thành bối cảnh, thành nhân vật của một trong những cuốn tiểu thuyết về chiến trường K do chính người lính tình nguyện viết về chân dung đồng đội mà như anh nói là "để trả món nợ tinh thần mà tôi tự nguyện gánh vác đối với bạn bè đồng đội của mình".
Nguyễn Thành Nhân đã gặp lại người anh kết nghĩa tên Luol, sững người ra vì xúc động, ông Luol lắp bắp bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp "Nhân đu-xếp, Nhân đu-xếp" (tiếng Pháp gọi súng 12,7mm) bởi ngày vào đóng quân ở đây anh Nhân ở khẩu đội hỏa lực.
Ở nhà anh Luol, những cựu binh quây quần ôn lại bao ký ức thăm thẳm gắn với tuổi trẻ của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận