Bà Nguyễn Thị Thành (trái) trao tận tay từng túi thực phẩm xin được cho công nhân ở trọ trong khu lưu trú của mình - Ảnh: Q.L.
110 phòng trọ của gia đình bà Nguyễn Thị Thành tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhiều năm qua trở thành khu lưu trú văn hóa số 1. Ở Q.12 kế bên, bà chủ Nguyễn Ngọc Lý cũng thành lập khu lưu trú văn hóa số 43 gồm 32 phòng trọ của gia đình tại phường Thạnh Xuân.
Chìa bàn tay để công nhân bớt cực
Hơn 10h trưa một ngày đầu tháng 5, sân nhà bà Nguyễn Thị Thành ở ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn nhộn nhịp người ra vào. Hôm ấy là lần thứ năm nhà bà được tận dụng làm nơi tập kết, phát quà hỗ trợ công nhân cùng vượt khó mùa dịch COVID-19.
Đi lại có phần khó khăn song bà vẫn tới lui chỗ này, chỗ kia kiểm tra, chỉ chỗ để các bạn tình nguyện viên cùng mấy đứa cháu chia thực phẩm đúng và đủ phần cho mọi người.
Tám dãy trọ hơn trăm phòng nhưng ai tới nhận quà, bà chỉ cần thấy mặt là nói vanh vách ở dãy nào, phòng số mấy. Ai có nhà thì nhận túi quà gồm gạo, bắp cải và một góc tư con gà. Ai chiều mới đi làm về thì thay phần thịt bằng vỉ sáu quả trứng.
"Giá trị như nhau, trứng để tới chiều không lo chứ cái đùi gà để tới chiều mà không chế biến gì nó ôi, mất ngon" - bà Thành giải thích. Cứ vậy, hết người này tới người khác thay nhau vào nhận quà.
Dẫn đi một vòng các dãy trọ phía sau nhà, bà Nguyễn Ngọc Lý dừng lại trước căn phòng, chào cô công nhân Hà Thị Thắng. Chị Thắng quê ở Bắc Giang, vào miền Nam chơi sau ngày tốt nghiệp phổ thông, vậy mà quyết định gắn bó luôn với nơi này đến nay gần 30 năm. Chị làm in lụa nhưng cả tháng nay vì dịch công ty không có nguyên liệu nên phải nghỉ.
Dừng tay đang làm dở bức tranh thêu chữ thập hình phong cảnh, chị Thắng kể hồi trước chỉ thuê một phòng, sau này có gia đình, có con nên thuê hai phòng kề nhau, bà Lý cho đục vách thông giữa hai căn luôn.
"Tôi ở đây từ những ngày bác Hai xây dãy nhà trọ đầu tiên đến nay hơn chục năm rồi. Khu nhà rất an ninh, giá lại rẻ hơn các khu lân cận, ở riết quen không muốn đi đâu" - chị Thắng cười.
Trong sáu anh chị em, bà Lý là thứ hai nên công nhân quen gọi bác Hai, có người gọi má Hai. Theo ý nguyện của chồng, bà giữ nguyên không tăng giá phòng suốt hơn 5 năm qua, kể từ ngày ông nhà mất vì ung thư.
"Công nhân họ vất vả rồi, mình giúp được gì thì giúp. Tôi có nội quy rõ ràng nên đa số đều là gia đình trẻ thuê ở, tôi ít cho mấy bạn trẻ thuê lắm vì nhiều khi ăn nhậu, đi khuya về sớm, ảnh hưởng người khác" - bà Lý phân trần.
Bà Nguyễn Ngọc Lý (phải) trò chuyện cùng chị Hà Thị Thắng nghỉ việc vì dịch cả tháng nay - Ảnh: Q.L.
Họ như người thân của mình!
Dừng tay, quệt mồ hôi, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc khoe xin về sớm rồi chiều vô làm lại để kịp phụ cô Thành phát quà cho công nhân. Hơn 13 năm ở trọ tại khu lưu trú số 1, chị Ngọc nói mình có gia đình yên ấm như hiện tại nhờ công của bác Thành. Vào khu trọ từ ngày rời quê Thái Bình vào Sài Gòn, chị Ngọc làm công nhân may một thời gian rồi gặp và kết hôn với ông xã cùng là dân trọ trong khu này.
Bà Thành chỉ tay về phía chị Ngọc nói: "Nó vào đây từ lúc tay trắng, nay có gia đình, hai con gái, sắm sửa xe cộ, đồ đạc đủ hết".
Còn chị Ngọc chia sẻ: "Cô chú cũng như cha mẹ vậy, vợ chồng đôi khi lục đục, cãi nhau mình tìm cô méc, cô gọi hai vợ chồng ra giảng giải cho nghe, giúp làm hòa. Từ hôm tết tới giờ hai đứa nhỏ đâu có đi học, cô kêu đưa qua nhà cô trông chừng, trưa nấu cơm cho ăn luôn mà có lấy đồng nào đâu".
Nhờ bà hỏi thăm cán bộ xã, lo giấy tờ mà hai con gái chị Ngọc được đi học, cô chị lớp 3, cô em lớp 1. Mùa dịch, bà giảm nửa giá phòng cho cả khu lưu trú trong tháng 5 này, giảm luôn giá điện như cách chia sẻ gánh nặng với công nhân. Hơn trăm phòng, coi như nguồn thu giảm một nửa, mấy chục triệu đồng.
Chị Ngọc nhắc về những buổi liên hoan tất niên cuối năm, chuyện bà Thành hỏi cặn kẽ từng trường hợp rồi đi xin từng chiếc vé xe cho công nhân về quê ăn tết. Bà còn chuẩn bị từng túi quà tết cho cả 110 phòng. Rồi năm nào khu lưu trú chỗ bà cũng có công nhân tham gia đám cưới tập thể của TP.
"Tui hỏi thăm tụi nhỏ coi đứa nào muốn mần đám cưới, rồi hỏi thăm thủ tục, đăng ký cho tụi nó luôn. Năm nào ít cũng một cặp, có năm tới năm đôi cùng cưới" - bà Thành cười.
Mấy công nhân ở khu lưu trú của bà Lý cho biết ai trong khu ốm đau gì bà Lý cũng mang quà qua thăm. Dịp tết, ngoài phần quà xin được, bà tự bỏ tiền túi mua quà riêng tặng từng phòng, không phân biệt ai về quê, ai ở lại ăn tết.
"Chỉ mong bệnh dịch qua mau để mọi thứ trở lại bình thường. Họ ở với mình riết có khác gì người nhà mình đâu. Họ mất việc, mình cũng thấy lo. Họ vui, sống khỏe, có việc làm tốt, mình cũng vui lây, thấy yên tâm" - bà Lý nói.
45 khu lưu trú
TP.HCM hiện có 45 khu lưu trú văn hóa tập trung đông công nhân đang sinh sống ở nhiều quận, huyện. Trong đó, đông nhất có 152 phòng (Q.12) và ít nhất có 12 phòng (Q.Gò Vấp). Phần lớn chủ các khu nhà trọ cũng là chủ nhiệm khu lưu trú.
Tại những nơi này, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM thường có các hoạt động như: tặng "Căn phòng mơ ước" cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn (miễn tiền thuê trọ 12 tháng), "Gia sư áo xanh" dạy con em công nhân học, tư vấn dinh dưỡng - sức khỏe sinh sản - pháp lý, chương trình "Tiếng hát công nhân khu lưu trú", xây dựng không gian xanh, khu lưu trú những câu chuyện đẹp, vui tết cùng thanh niên công nhân, lắp đặt WiFi miễn phí, hoạt động hè, cùng nhiều hoạt động khác...
Anh Lê Thanh Vũ - giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM - bày tỏ: "Chúng tôi trân quý tấm lòng, sự chia sẻ của các chủ nhà. Từ góc độ hỗ trợ hoạt động, góp phần chăm lo đời sống anh chị em công nhân khắp nơi về thành phố chúng ta sinh sống, làm việc, chúng tôi được tiếp thêm động lực từ nghĩa cử cao quý này. Tình cảm ấy đã âm thầm tiếp sức để các bạn an tâm lao động sản xuất, đóng góp cho xã hội".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận