Cụ Huỳnh Văn Truyện (trái) và ông Nguyễn Thận trong một chuyến đi kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén - Ảnh: N.T.
Người nhà cụ Huỳnh Văn Truyện (ngụ Thới Bình, Cà Mau) cho biết vào ngày 27-10, cụ Truyện đã trút hơi thở cuối cùng tại gia đình do tuổi cao, sức yếu (cụ hơn 90 tuổi).
Cụ Truyện là người cha nổi tiếng bất đắc dĩ của ông Huỳnh Văn Nén, người đã bị kết án oan và đi tù 17 năm trong vụ án giết bà Lê Thị Bông và vụ án vườn điều (xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Từ người cha "mặc cảm" đến niềm tin vào công lý
Cụ Truyện là nông dân ở miền Tây, quanh năm chỉ làm ruộng, vuông tôm cá và nuôi đàn con lớn khôn. Cả đời cụ, cho đến trước khi người con trai Huỳnh Văn Nén bị kết tội giết người, chỉ đi loanh quanh ở địa phương, thỉnh thoảng mới đến thăm con cái ở các tỉnh khác.
Nhưng số phận oan nghiệt xô đẩy ông Nén bị bắt và bị tuyên án giết người dã man. Đứa con vào tù khi người cha mái tóc bắt đầu bạc, nhưng trí tuệ minh mẫn, tấm lòng thương con của cụ luôn kiên định để đồng hành cùng nhiều người khác cho một hành trình kéo dài 16 năm kêu oan, yêu cầu bồi thường oan sai cho con. Chặng đường dài đằng đẵng đó với hàng trăm lá đơn được gửi, hàng trăm chuyến xuôi Nam ngược Bắc.
Cụ Truyện xuất hiện trước các cơ quan tố tụng là một người già với mái tóc bạc trắng, thân hình gầy gò nhưng rắn rỏi. Cụ có hơi lãng tai nhưng lại rất kiên nhẫn nghe phân tích các tình tiết liên quan đến vụ án và những chứng cứ khẳng định con mình bị oan sai.
Ông Huỳnh Nghĩa (con rể của cụ Huỳnh Văn Truyện), người đồng hành cùng cụ Truyện trong nhiều chuyến đi kêu oan, cho biết do cha vợ không ở cùng với vợ chồng ông Nén, nên khi nghe tin ông Nén giết người, cụ rất suy sụp và mặc cảm. Bản thân cụ Truyện cùng gia đình bị làng xóm kỳ thị, xa lánh vì có đứa con mất nhân tính giết người, cướp tài sản...
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, khi ông Nguyễn Thận (lúc đó đang là chủ tịch xã Tân Minh) có những bằng chứng cho thấy ông Huỳnh Văn Nén không liên quan đến cả 2 vụ án thì cụ Truyện đã có một quyết tâm bất ngờ là dành quãng đời còn lại đi kêu oan cho con.
Ông Nguyễn Thận vẫn nhớ như in lần đầu tiên ông gặp và đưa cụ Truyện lên TP.HCM để đến các tòa soạn báo gửi đơn. "Lần đầu tiên tôi gặp ông Truyện khi ông đã hơn 70 tuổi, một người cha tóc đã bạc và đầy mặc cảm vì có con là hung thủ giết người" - ông Thận nhớ lại.
Bản thân cụ Truyện lúc đầu không biết con mình bị oan, vì cụ không sống cùng con. Nhưng sau khi nghe ông Thận trình bày các chứng cứ cho thấy ông Nén không phải là thủ phạm giết người trong cả 2 vụ án thì ánh mắt cụ Truyện sáng rỡ lên và cụ nói với ông Nguyễn Thận: "Thầy ơi, tôi sẽ theo thầy đến chết, để tôi về quê cầm mấy công ruộng lấy tiền làm lộ phí. Tôi sẽ đội ơn thầy suốt đời!".
Khi đó, nhà cụ Truyện ở Cà Mau là một nhà tranh lợp lá, nghèo khó và ở tuổi hơn 70 thì quỹ thời gian của cụ dành cho việc kêu oan cho con cũng chẳng còn dài.
Người cha thương yêu con vô bờ bến
Khi vụ án xảy ra, cụ Truyện rất nghèo. Nhưng trong đầu cụ không bao giờ vơi đi niềm tin và tình thương yêu dành cho con để đánh cược cả quãng đời còn lại của mình cho một ngày đứa con ra khỏi nhà giam.
"Càng đi kêu oan, ông ấy càng có thêm niềm tin. Lá đơn đầu tiên ông ấy viết dù ngắn nhưng rất chặt chẽ. Sau đó, ông Truyện bán đất, khẳng định sẽ đi với vụ án đến cuối đời. Từ niềm tin và sự quyết tâm đấy mà vụ án được làm rõ, từ vụ án vườn điều đến vụ án bà Lê Thị Bông" - ông Thận nhớ lại.
"Hiếm có người nào già cả, nghèo khó, sức khỏe và quỹ thời gian ngắn như ông ấy lại kiên định với niềm tin, kiên trì với việc mình đã chọn như vậy. Chính sự kiên trì đó mới đi đến kết quả cuối cùng tốt đẹp" - ông Thận nói.
Ông Thận cũng nhìn nhận chính cụ Truyện là nguồn cảm hứng cho ông thêm niềm tin vào hành trình kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén và ngược lại. Chặng đường kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén bắt đầu từ năm 2000 và những người trong cuộc không ai có thể ngờ rằng nó có thể kéo dài đến 16 năm ròng rã.
Trong những chuyến xuôi ngược Bắc - Nam để nộp đơn cho con, cả cụ Truyện và ông Thận đều từng ngủ những giấc tạm bợ trên ôtô dọc hành trình mà không có tiền thuê nhà nghỉ. Sự kiên trì dai dẳng đó đối với một người trẻ có thể lực bình thường cũng đã là quá sức, chứ đừng nói đến một người già ở tuổi gần đất xa trời.
Đó thực sự là một sự cố gắng không mệt mỏi của cụ Truyện, để cả 2 vụ án cùng được minh oan, để có ngày cụ đón con trai ra khỏi trại giam và trở về bên gia đình sau 17 năm đằng đẵng ở trong tù. Nếu đó không phải là tình thương, là tấm lòng của người cha đối với núm ruột của mình thì chẳng có thứ quyền lợi nào khiến cụ có thể kiên gan bền chí đến thế.
Ông Huỳnh Văn Nén, sinh ra ở Cà Mau, nhưng lập nghiệp tại huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Ông bị bắt và bị kết án oan trong 2 vụ án giết người rất nghiêm trọng gọi là vụ án vườn điều và vụ án giết bà Lê Thị Bông (cùng xảy ra tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Trong vụ án vườn điều, ông Nén sớm được minh oan, nhưng với vụ án giết bà Lê Thị Bông, dù ông không nhận tội, tòa án cấp phúc thẩm vẫn tuyên án ông giết người.
Sau 17 năm, cuối cùng quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao xác định ông Nén không giết người, mà hung thủ giết bà Lê Thị Bông là người khác.
Ông Nén được minh oan và được bồi thường oan sai. Việc chứng minh ông Nén bị kết án oan, ngoài sự giúp đỡ tận tâm của ông Nguyễn Thận, các luật sư, còn là sự kiên trì không mệt mỏi của người cha ông Nén là cụ Huỳnh Văn Truyện.
Sau khi ông Nén được minh oan và được bồi thường oan sai, cụ Huỳnh Văn Truyện về quê nhà ở Cà Mau để sinh sống lúc tuổi già và ông đã qua đời tại đây hôm 27-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận