04/06/2014 01:19 GMT+7

Tam Lang và cầu thủ học trò Pétrus Ký

LÊ VĂN NGHĨA (Trích truyện dài Mùa hè năm Pétrus)
LÊ VĂN NGHĨA (Trích truyện dài Mùa hè năm Pétrus)

TT - LTS: Mùa hè năm Pétrus là một truyện dài của nhà báo Lê Văn Nghĩa vừa được tái bản lần thứ tư. Trong tác phẩm có đoạn viết về cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trong một lần được mời về Trường Pétrus Ký (Lê Hồng Phong bây giờ) để dạy học sinh đá bóng. Nhà báo Lê Văn Nghĩa đã gửi đến chúng tôi đoạn trích này, không chỉ như một lời tưởng nhớ của ông gửi đến ông Tam Lang, mà còn giúp chúng ta hiểu hơn về nhân vật tài đức vẹn toàn của bóng đá Việt Nam.

... Chuyện này đã xảy ra từ năm ngoái nhưng vẫn là một hình ảnh không thể nào quên với bọn nó. Sau khi thổi tu huýt xong, thầy Túy - giáo sư thể dục - nói:

“Hôm nay đội banh của trường chúng ta hân hạnh được đón cầu thủ số 1 của Việt Nam Phạm Huỳnh Tam Lang... Các em có biết Tam Lang là ai không?”.

Tụi nó đồng thanh nói to:

“Là cầu thủ số 1 Việt Nam”.

“Là chồng của Bạch Tuyết” - thằng Mai đứng ở ngoài sân cỏ chõ mõm vào.

Thầy hoét hoét thổi tu huýt cái rét, rồi nói tiếp:

“Cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang là cựu học sinh Pétrus Ký, học chung lớp với thầy...”.

Tụi nó tiếp tục vỗ tay hoan hô:

“Hoan hô cựu học sinh Pétrus Ký...”.

“Hoan hô thầy Túy luôn...”.

Rét... rét...

“Trật tự, im lặng. Vì là cựu học sinh Pétrus Ký nên anh Tam Lang, theo lời mời của tôi, nhận lời huấn luyện cho đội tuyển túc cầu trường ta. Nếu anh Tam Lang thấy em nào có khả năng đá banh thì sẽ chọn đưa vào đội tuyển thiếu niên quốc gia. Sau đây thầy xin nhường lời lại cho huấn luyện viên Tam Lang”.

Cầu thủ Tam Lang không hiểu trong sân cỏ la hét như thế nào nhưng ông nói với bọn nó một cách rất nhẹ nhàng:

“Điều đầu tiên tôi muốn nói với các em là trong trận đá banh giữa hai đội, dù là đội tuyển hay là giữa hai trường, hai lớp với nhau thì đội nào cũng muốn thắng. Vì nếu không muốn thắng thì đá banh với nhau làm cái gì. Nhưng thắng làm sao để đội bạn bị thuyết phục về lối đá, cách chơi của ta là trên cơ của họ. Tinh thần đá bóng là gì? Là tinh thần thượng võ. Nhất là khi chúng ta thi đấu giải đá banh của tuổi học trò. Tuổi học trò là tuổi phải đá banh đẹp. Thắng cũng đẹp mà thua cũng đẹp. Thắng là nhờ tài năng chứ không phải do chơi xấu giống như đi ăn cắp trứng gà...”.

Thằng Khải nói nhỏ với thằng Ngầu đang đứng cạnh bên:

“Mày là thằng chuyên môn ăn cắp trứng gà, nhớ nghen mậy”.

Thằng Ngầu cười nhếch mép:

“Tao không ăn cắp trứng gà nữa, chỉ ăn cắp trứng vịt thôi”.

Cầu thủ Tam Lang tiếp tục bài giảng bóng đá đầu tiên của mình:

“Tinh thần đồng đội. Bóng đá cần tài năng cá nhân nhưng không có đồng đội thì tài năng cá nhân của anh sẽ không phát huy được. Nếu không ai đưa banh cho anh thì làm sao anh đá. Trong đội tuyển Việt Nam chỉ có tôi mà không có anh Có, thủ môn Châu, anh Thà, anh Ngôn... thử hỏi tôi có thể sút vô lưới đội Miến Điện được không? Không thể nào. Đúng không các em?”.

“Dạ đúng” - tụi nó hô theo.

Thằng Ngầu giơ tay hỏi:

“Thầy ơi, nếu tụi nó lấy cùi chỏ thúc vô ngực em hay đốn giò em thì em đốn tụi nó được không thầy?”.

“Mình phải cố hết sức tránh khi thấy đối phương chơi xấu. Nhưng chúng ta không nên dùng cùi chỏ khi đối phương chơi xấu chúng ta mà...”.

Lại thằng Ngầu cướp lời:

“Lấy chân đá vô giò nó”.

Cả đội cười cái rần. Tam Lang cũng cười, hỏi:

“Em tên gì?”.

“Dạ, em tên Ngầu”.

Tụi nó nhao nhao:

“Thằng này là ngầu pín...”.

“Mỗi lần nó sút banh đều trúng vô ống quyển cầu thủ đội khách không, thầy ơi”.

Thấy tình hình ồn ào, có vẻ mất trật tự, thầy hoét hoét bèn đưa tu huýt lên miệng thổi rét, rét. “Im lặng. Im lặng...”.

Ông Tam Lang cầm trái banh, tưng vài cái trên mặt sân cỏ và sau đó biểu diễn vài đường tưng và hứng banh từ trên cao. Tụi nó há hốc mồm nhìn quả banh lúc nào cũng giống như dính chặt vào chân của ông như có dán keo.

[box]

Đông đảo người viếng cựu danh thủ Tam Lang

Tối 3-6, đông đảo người thân, cựu cầu thủ, học trò và người hâm mộ đã đến Nhà tang lễ TP.HCM thắp nhang viếng cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang.

19g lễ viếng mới bắt đầu nhưng từ hơn một giờ trước, những CĐV một thời của đội Cảng Sài Gòn (CSG) đã đến để xem có thể phụ giúp gì cho tang lễ. Dễ nhận ra các CĐV này khi họ mặc chiếc áo thi đấu truyền thống của đội CSG ngày trước dù màu áo xanh đã phai màu, sờn và cũ kỹ theo năm tháng. CĐV Nguyễn Thế Đức (sinh năm 1976) kể ngay khi nghe tin cựu danh thủ Tam Lang mất, anh và nhiều CĐV lập tức mở tủ quần áo lục tìm lại chiếc áo truyền thống của đội bóng vốn đã lâu không còn dùng tới để mặc đi viếng.

Không chỉ có CĐV, lễ viếng còn đón các cựu danh thủ như Hồ Thanh Cang, “thần mã” Dương Văn Thà... và các học trò của cựu danh thủ Tam Lang như Lư Đình Tuấn, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Võ Hoàng Bửu... Lư Đình Tuấn viết trong sổ tang: “Cầu mong chú yên nghỉ bình yên. Luôn thương và nhớ chú, người thầy đã dìu dắt con có được thành công như ngày hôm nay. Cảm ơn thầy rất nhiều”.

Nghệ sĩ Việt Anh cũng đến viếng và nói: ”Anh Tam Lang không chỉ thi đấu hào hoa, điềm đạm mà ngay cả khi huấn luyện ở đội CSG cũng dạy các học trò đá đẹp, không cay cú ăn thua. Anh thật sự là một người thầy rất nghiêm khắc khi không chỉ dạy đá bóng mà còn dạy cầu thủ làm người. Tôi xin chia buồn cùng gia đình anh Tam Lang”.

Lễ viếng cũng đón một nhân vật khá đặc biệt. Đó là ông Nguyễn Thạch, 84 tuổi, người thầy từng dạy cựu danh thủ Tam Lang khi còn học ở Trường trung học Pétrus Ký. Ông thắp nhang và nói chuyện rất lâu với gia đình ông Tam Lang. Ông nói: “Tam Lang khi còn đá ở trường đã cho thấy là một tài năng lớn. Em đá gọn gàng, xử lý bóng đâu ra đó và rất chịu khó học hỏi. Tôi rất quý Tam Lang nên không chỉ đến viếng mà sẽ tiễn đưa em trong ngày đưa tang”.

NGUYÊN KHÔI[/box]

LÊ VĂN NGHĨA (Trích truyện dài Mùa hè năm Pétrus)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên