25/12/2024 08:22 GMT+7

Tấm khiên chặn game độc hại, game lậu, game cờ bạc...

Từ hôm nay (25-12), nghị định 147 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng chính thức có hiệu lực. Với một số quy định mới, game lậu, game cờ bạc, game độc hại... kỳ vọng sẽ được ngăn chặn.

Tấm khiên chặn game độc hại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa bằng công nghệ AI - Thực hiện: TUẤN ANH

Chơi game hiện đang là một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất của người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ. Và tới đây, game cung cấp cho người dùng thông qua các kho ứng dụng trực tuyến phải được cấp phép phát hành, nếu ứng dụng vi phạm pháp luật sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ.

Người Việt dành bao nhiêu thời gian chơi game?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, phần lớn người dùng sở hữu điện thoại di động tại Việt Nam đều có cài đặt và chơi ít nhất một trò chơi nào đó. Các trò chơi phần lớn được tải về từ hai kho ứng dụng trực tuyến lớn nhất trên điện thoại là Google Play (hệ điều hành Android) và App Store (hệ điều hành iOS).

Ngoài ra còn có nhiều trò chơi khác từ các chợ ứng dụng nhỏ hoặc kho ứng dụng của chính nhà sản xuất điện thoại hoặc trực tiếp từ các trang web trên mạng.

Mỗi ngày chỉ được chơi game 15 phút - đó là quy định được chị Bảo Anh (ngụ quận 1, TP.HCM) áp dụng cho hai con đang học lớp 4 và lớp 7 của mình. "Chúng rất thích chơi game trên smartphone hay máy tính bảng, thậm chí chúng có thể chơi cả ngày không chán nếu mình không áp dụng biện pháp ngăn chặn", chị Anh chia sẻ.

Chị nói rằng với những game cho bé lớp 4 đều do chị tìm hiểu, chọn lọc và tải về cho con chơi từ các kho ứng dụng trực tuyến chính thống của Google (trên điện thoại chạy hệ điều hành Android). Trong khi bé lớp 7 được quyền lựa chọn game yêu thích nhưng dưới sự kiểm soát của cha mẹ.

"Đứa lớn đã có những nhóm bạn cùng chơi game, thảo luận về game nên chúng luôn tìm cách để được chơi game hoặc thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Điều tôi lo lắng nhất là có nhiều game dù tải từ kho ứng dụng chính thống nhưng lại chứa những nội dung không phù hợp với trẻ em Việt Nam, hoặc có nhiều quảng cáo với nội dung không tốt cho bọn trẻ", chị Anh lo lắng.

Trong khi đó, Thanh Mai (sinh viên một trường đại học tại TP.HCM) tự nhận mình là người "nghiện" game khi chơi mọi lúc rảnh rỗi. "Tôi rất thích chơi game trên điện thoại và chơi nhiều loại game khác nhau, từ game luyện trí não, game học tiếng Anh, game kỹ thuật chiến đấu cho đến cả những game chơi chỉ để giết thời gian.

Các game tôi chơi phần lớn đều được tải từ kho ứng dụng chính thống của Google Play. Tuy nhiên tôi không biết game nào đã được cơ quan chức năng cấp phép", Mai bộc bạch.

Theo báo cáo kỹ thuật số năm 2024 của Tổ chức We Are Social cho thấy thời gian sử dụng smartphone trung bình của người dùng Việt Nam là 5 giờ 15 phút mỗi ngày. Trong đó thời gian để giải trí chiếm hơn 35%, thời gian chơi game chiếm gần 20%.

Những trò chơi di động có nhiều người dùng thường xuyên nhất tại Việt Nam theo thứ tự gồm: Arena of Valor, Free Fire, Roblox, Pubg mobile, Mini world block art, Candy Crush Saga, Play Together...

Tấm khiên chặn game độc hại - Ảnh 2.

Chơi game thông qua các ứng dụng hiện đang là một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất - Ảnh: THANH HIỆP

Hàng trăm nghìn game lậu, bạo lực đang hoạt động

Tại hội nghị triển khai quy định pháp luật về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng Internet diễn ra vào đầu tháng 11-2024 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Hòa, trưởng phòng thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết các kho ứng dụng Google Play và App Store đang cung cấp hàng trăm tựa game của các công ty nước ngoài chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Các nền tảng như Steam cũng đã phát hành hơn 100.000 game không phép vào Việt Nam. Tình trạng các trò chơi chưa hoặc không được cấp phép phát hành tại Việt Nam (được gọi là game lậu, game không phép) nhưng vẫn lưu hành chủ yếu do một số nguyên nhân như doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có máy chủ đặt tại nước ngoài phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam;

Tổ chức, cá nhân trong nước đặt máy chủ trong nước hoặc thuê máy chủ đặt tại nước ngoài phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam; game offline (chơi mà không cần phải kết nối mạng) được cài đặt sẵn trên các phòng game, in lậu trên băng đĩa hoặc máy tính tại điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng.

"Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý trong việc ngăn chặn các dịch vụ xuyên biên giới bất hợp pháp cung cấp tới người dùng", ông Hòa nhận xét.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Hòa, một thực trạng khác là các hoạt động thể thao điện tử (eSport) còn mang tính chất tự phát với nhiều tựa game chưa được thẩm duyệt bởi cơ quan chuyên môn.

Các trận thi đấu giải không có điều lệ giải và ban tổ chức, không có đơn vị có chuyên môn giám sát. Đặc biệt các chính sách, định hướng phát triển thể thao điện tử trong học đường chưa được quan tâm, chú trọng dẫn đến hệ lụy nhiều học sinh sinh viên bỏ học vì mê game và chơi các game không phù hợp với lứa tuổi người chơi, game bạo lực.

"Việc xác định game là môn thể thao điện tử hiện chưa được quy định, hướng dẫn bởi các văn bản pháp luật dẫn đến không đảm bảo chất lượng trò chơi, cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp phát hành game trong nước và doanh nghiệp nhập (Việt hóa) game từ nước ngoài", ông Hòa cho biết.

Tấm khiên chặn game độc hại - Ảnh 3.

Nguồn: Sách trắng về phát thanh truyền hình và thông tin điện tử do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 12-2024 - Đồ họa: TUẤN ANH

Buộc gỡ bỏ game không phép

Theo nghị định 147 của Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người chơi tại Việt Nam phải có quyết định phát hành trò chơi điện tử G1 trên mạng hoặc giấy xác nhận thông báo phát hành trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng khi đăng tải trò chơi điện tử lên kho ứng dụng.

Đồng thời phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu mà mình cung cấp cho kho ứng dụng.

Điều này đồng nghĩa với việc các game được phát hành trên Google Play và App Store vào thị trường Việt Nam phải có quyết định phát hành đối với trò chơi điện tử G1 trên mạng, giấy xác nhận thông báo phát hành đối với các game G2, G3 và G4 từ cơ quan chức năng.

Nếu các kho ứng dụng phát hành các game không phép, game bài, game đánh bạc là vi phạm pháp luật. Đặc biệt các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp kho ứng dụng phải thực hiện việc gỡ bỏ các ứng dụng (bao gồm game) vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp các kho ứng dụng của các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn toàn bộ nội dung, dịch vụ, ứng dụng trên mạng vi phạm và thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lã Xuân Thắng, giám đốc phát hành game tại Việt Nam của Công ty VNG, đánh giá cao những quy định mới trong việc hạn chế các loại game bài hay game không phép. "Đây có thể coi như một quy định rõ ràng, được luật hóa cụ thể, trao quyền cho cơ quan quản lý nhà nước và bắt buộc các kho ứng dụng phải tuân thủ.

Trước đây, nếu như các kho ứng dụng có thể vin vào lý do chưa được luật hóa để lãng tránh các yêu cầu của các cơ quan chức năng Việt Nam thì nay họ không thể trả lời như vậy nữa", ông Thắng nói.

Còn ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước, giám đốc công nghệ Công ty Gianty Việt Nam - phát triển, phát hành và vận hành game ở Nhật Bản, cho biết các quy định mới sẽ giúp tăng cường việc kiểm duyệt nội dung và cấp phép các trò chơi, đặc biệt yêu cầu các nhà phát hành game tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Việt Nam.

Cụ thể, theo ông là việc áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với các nhà phát triển và phát hành game vi phạm. Đồng thời quy định cũng tạo ra sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan quản lý, nhà mạng và tổ chức quốc tế để tạo ra tấm khiên hữu hiệu ngăn chặn truy cập trái phép vào game không phép, game độc hại.

Ông Lã Xuân Thắng:

Cam kết tuân thủ

VNG đã có kế hoạch cụ thể để tuân thủ mọi quy định của cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian sớm nhất, VNG sẽ có thông báo chính thức tới người dùng về việc đóng và dừng cung cấp các dịch vụ liên quan đến các trò chơi trực tuyến có sử dụng hình ảnh lá bài dù trước đó được cấp phép.

Chúng tôi cam kết đảm bảo quyền lợi của người dùng theo các quy định hiện hành.

Ông Trịnh Nguyễn Thiên Phước:

Vẫn còn thách thức

Tôi cho rằng những thách thức vẫn còn dù có quy định kiểm soát game. Cụ thể, vẫn khó kiểm soát game lậu, cờ bạc xuyên biên giới bởi chúng thường được vận hành bởi các máy chủ nước ngoài, gây khó khăn trong việc giám sát và xử lý triệt để.

Ngoài ra các game không phép thường núp bóng các thể loại giải trí hợp pháp, không dễ trong việc nhận diện và quản lý.

12.500 tỉ đồng

Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 23 giấy phép trò chơi điện tử G1, 30 giấy chứng nhận trò chơi điện tử G2, G3, G4. Theo ước tính của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2024 doanh thu ngành game ước đạt khoảng 12.500 tỉ đồng, giảm nhẹ so với năm 2023.

Số lượng lao động ngành game năm 2024 ước khoảng 4.100 người, tăng 31% so với năm 2023.

Game online tại Trung Quốc phải được phê duyệt trước khi phát hành

Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp trò chơi được Cục Báo chí và Xuất bản quốc gia (NPPA) quản lý chặt chẽ. Dựa trên nội dung và một số yếu tố khác, NPPA có quyền phê duyệt hoặc cấm các tựa game được phát hành tại Trung Quốc.

Năm 2022, Trung Quốc đưa ra các quy tắc cho các công ty game và mạng xã hội cho việc thiết lập chế độ "dành cho thanh thiếu niên".

Chế độ này yêu cầu bên cung cấp dịch vụ phải cung cấp cho người dùng trong lứa tuổi thanh thiếu niên một môi trường trực tuyến "sạch", bao gồm việc cài đặt các giới hạn sử dụng, kiểm soát việc thanh toán, và chỉ cho phép các nội dung phù hợp với lứa tuổi.

Để được phát hành tại Trung Quốc, các nhà phát triển game phải đảm bảo sản phẩm của mình tránh một số nội dung và hoạt động mà chính phủ quy định cấm.

Ví dụ, các tựa game tại Trung Quốc không được chứa bất kỳ nội dung nào gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, làm rối loạn trật tự xã hội hoặc vi phạm đạo đức công cộng.

Các công ty game online cũng bị cấm cung cấp các ưu đãi, chẳng hạn dưới dạng tiền ảo hoặc vật phẩm, nhằm khuyến khích người chơi chi nhiều tiền hoặc thời gian hơn vào trò chơi của họ.

Với lợi thế tỉ dân, Trung Quốc không ngại làm chặt chẽ với các nhà phát triển game cả trong và ngoài nước cho những tiêu chuẩn về game online. Các công ty sẽ phải đợi NPPA phê duyệt sản phẩm game của mình trước khi tung ra thị trường.

Vào tháng 11-2024, NPPA cấp phép cho 119 tựa game, bao gồm 112 tựa game trong nước và 7 tựa game nhập khẩu. Tính đến ngày 20-11, NPPA trong năm 2024 đã cấp phép cho 1.282 tựa game.

Dùng AI để phát hiện game bài, game không phép

Tấm khiên chặn game độc hại - Ảnh 3.

Những game vi phạm quy định pháp luật Việt Nam sẽ bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Các chuyên gia trong lĩnh vực phát hành game ở Việt Nam đều cho rằng thách thức lớn hiện nay là nhiều game lậu, game bài, game độc hại được phát hành, chia sẻ qua các trang web, diễn đàn và được lan truyền, giới thiệu qua các mạng xã hội khiến cơ quan chức năng không dễ phát hiện và ngăn chặn triệt để.

Giám đốc một công ty phát hành game có tiếng ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên), các trò chơi không phép thường vận hành trên máy chủ ở nước ngoài, sử dụng các hình thức ngụy trang tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Điều này khiến việc kiểm soát trở nên phức tạp. Ý tưởng buộc nhà phát triển nhúng các công cụ giám sát nội dung như SDK (Software Development Kit) dường như bất khả thi, bởi các nhà phát triển game lậu thường hoạt động ngoài tầm kiểm soát pháp lý.

Do đó giám đốc công ty này đề xuất áp dụng việc xây dựng một cổng thông tin cộng đồng kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI). Cổng thông tin cộng đồng là nơi người dùng có thể kiểm tra tính hợp pháp của game qua mã QR hoặc thông tin trên nền tảng, đồng thời báo cáo game vi phạm và nhận thưởng nếu thông tin chính xác, tạo động lực cho người chơi tham gia giám sát.

Hệ thống này được hỗ trợ bởi AI để đánh giá rủi ro (AI phân tích nội dung, hành vi về máy chủ để nhận diện các game không phép); hỗ trợ người dùng (chatbot tương tác trực tiếp, hướng dẫn kiểm tra và báo cáo vi phạm); khuyến khích và tôn vinh game tích cực.

"Cổng thông tin không chỉ ngăn chặn game vi phạm mà còn tạo không gian để người chơi bình chọn (vote up/down) các game hay, mang tính giáo dục, giải trí lành mạnh. Điều này giúp xây dựng danh sách các game được đề xuất, tạo động lực cho nhà phát triển sáng tạo nội dung tích cực", vị giám đốc này đề xuất.

Còn theo một chuyên gia phát triển và vận hành game, Trung Quốc và Hàn Quốc đã thành công khi kết hợp công nghệ AI với các quy định nghiêm ngặt. Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng mô hình tương tự, tạo một môi trường giải trí minh bạch và lành mạnh.

"Bằng cách tận dụng công nghệ và sức mạnh cộng đồng, vấn đề game lậu không chỉ được kiểm soát tốt hơn mà còn góp phần bảo vệ người chơi, đặc biệt là trẻ em, khỏi những nội dung tiêu cực. Đồng thời việc khuyến khích và tôn vinh các game tích cực sẽ thúc đẩy ngành game phát triển theo hướng giáo dục và giải trí bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội", người này chia sẻ.

Tấm khiên chặn game độc hại - Ảnh 5.Cắt cơn nghiện game online: Đã có 'bài thuốc'

Nghị định 147 (có hiệu lực từ 25-12-2024) đang được xem là công cụ hiệu quả giúp trẻ thoát khỏi nguy cơ nghiện game online. Nhưng để đảm bảo hiệu quả cần sự chung tay của nhiều bên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên