TTCT - Khi huyền thoại thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles rút lui đầy bất ngờ còn đồng đội Sunisa Lee bước lên bục nhận huy chương vàng ở Olympic Tokyo, cả hai đều xứng đáng là người hùng theo cách riêng của mình. Simone Biles và Sunisa Lee tại Tokyo 2020. Ảnh: Getty ImagesỞ tuổi 24, Biles đến Tokyo trong vị thế một tượng đài của làng thể dục dụng cụ thế giới. Khán giả và giới chuyên môn không chờ đợi gì khác ngoài những màn trình diễn hoàn hảo và cú càn quét huy chương ở các nội dung cô đăng ký thi đấu - điều Biles từng làm cách đây 5 năm ở Rio khi mang về 5 huy chương (4 vàng) cho đoàn thể thao Mỹ.Việc Biles bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi hầu hết các nội dung cá nhân lẫn đồng đội sau một ngày thi đấu dưới sức hôm 27-7 vì thế là một cú sốc lớn. Ban đầu ban huấn luyện cho biết Biles rút lui vì “lý do y tế”, nhưng trong các buổi họp báo sau đó Biles thừa nhận cô không gặp chấn thương mà nghỉ thi đấu là để tập trung cho “sức khỏe tâm thần” của bản thân.Những tưởng hy vọng nối dài chuỗi 17 năm độc chiếm ngôi vương nội dung toàn năng cá nhân nữ tại các kỳ Thế vận hội của Mỹ đã chấm dứt khi mất đi ngôi sao sáng giá nhất, thì một tài năng trẻ đã tỏa sáng đúng lúc. Sunisa Lee, người vừa ghi tên mình vào lịch sử khi là người Mỹ gốc H’Mông đầu tiên tranh tài tại một kỳ Olympic, hoàn thành xuất sắc bài thi có độ khó cao ở nội dung xà lệch để vươn lên đạt tổng điểm cao nhất, thay Biles bước lên bục nhận chiếc huy chương vàng danh giá.“Cinderella của nước Mỹ” và cô gái mới 18 tuổi Lee bỗng trở thành nhân vật chính của cuộc tranh cãi quen thuộc trong thể thao: có nên đánh đổi mọi thứ để giành huy chương?Khủng hoảng của BilesThể dục dụng cụ là môn thể thao đòi hỏi kỹ thuật tốt với tỉ lệ dính chấn thương nặng cao. Một sai sót nhỏ không chỉ trả giá bằng tấm huy chương mà đôi khi là cả sức khỏe và tính mạng. Khi chân của vận động viên thể dục dụng cụ Riley McCusker chệch vài centimet trong phần thi cầu thăng bằng tại American Cup 2017, cô đã tiếp đất bằng cổ. Đằng sau mỗi động tác hoàn hảo trong các cuộc thi lớn là hàng nghìn lần thử sức trên sân tập, rất nhiều trong số đó kết thúc bằng tai nạn và những chấn thương ám ảnh.Khi Biles viện dẫn “sức khỏe tâm thần” để giải thích cho quyết định rút lui, ý cô không phải là buồn hay mất tinh thần vì thi đấu không tốt, mà trạng thái tâm lý khi đó đặt cô vào rủi ro chấn thương rất cao. Nói thêm một chút về bối cảnh. Ở phần thi nhảy ngựa, Biles dự tính thực hiện một cú Amanar - kỹ thuật độ khó cao với 2,5 cú twist (động tác xoay) trên không - nhưng rốt cuộc chỉ thực hiện được 1,5 vòng xoay trước khi tiếp đất. Ảnh: APSau đó Biles thừa nhận mình đã rơi vào trạng thái mà các vận động viên thể dục dụng cụ chuyên nghiệp gọi là “twisties”. Đây là hiện tượng khi một vận động viên đột ngột không còn nhớ cách thực hiện kỹ năng xoay người mà mình đã thực hiện hàng nghìn lần trước đó - trong lúc đang ở trên không trung. Não bộ dường như mất kết nối với cơ thể và các chi không còn biết nghe lời. Nạn nhân không còn phân biệt được đâu là trời, đâu là đất và chỉ hy vọng trí nhớ cơ bắp sẽ giúp mình tiếp đất an toàn.“Tôi không biết mình đang ở đâu trên không trung. Tôi có thể đã làm mình bị thương” - Biles mô tả cảm giác của cô lúc thực hiện bài thi. Sau một trải nghiệm “twisties” đáng sợ, các vận động viên thể dục dụng cụ có thể mất rất lâu để tìm lại chính mình. Bản năng bị thay thế bởi suy nghĩ, suy nghĩ dẫn đến lo lắng, và lo lắng thì khó rũ bỏ. Nhiều người phải bắt đầu lại từ con số 0, tập những động tác nhào lộn cơ bản nhất trên mặt đất để dần lấy lại cảm giác.Và chuyện cổ tích của LeeViệc Biles rút lui không phải là cái cớ để phủ nhận Lee hoàn toàn xứng đáng với chiếc huy chương vàng trong lần đầu tiên tham dự Olympic. Ngoài màn trình diễn đầy thuyết phục trên sàn thi đấu, chặng đường đến với Tokyo của cô gái trẻ còn là tấm gương về nghị lực và ý chí vượt lên chính mình bất chấp hoàn cảnh. Sunisa Lee tại Tokyo 2020. Ảnh: Getty ImagesNăm 2019, cha dượng của Lee là ông John ngã từ trên cao xuống trong lúc giúp hàng xóm tỉa cây và bị liệt từ thắt lưng trở xuống từ đó. Ông bố 6 con là người đã ủng hộ con đường thể dục dụng cụ của Lee từ những ngày đầu; ông giúp cô thực hiện các động tác nhào lộn khắp nhà ngay từ khi còn là một đứa con nít. “Tôi thường nhảy trên giường hoặc nhờ bố đỡ khi thực hiện động tác lộn ngược và những thứ tương tự” - Lee nhớ lại thời thơ ấu trong bài phỏng vấn với trang tin địa phương TwinCities.com. Khi mẹ cô hết chịu nổi trò quậy phá của hai cha con, bà đồng ý ghi danh cho Lee theo học lớp thể dục dụng cụ. Không có điều kiện để đầu tư trang thiết bị tập luyện cho con gái, John đã tự xây một chiếc cầu thăng bằng ở sân sau để Lee tập luyện mỗi ngày, ông nói với Đài NBC.Chỉ vài ngày sau tai nạn thương tâm của John, Sunisa Lee đã nén đau thương để có màn ra mắt thành công tại Giải vô địch thể dục dụng cụ Mỹ - cuộc thi mà cô quyết tâm thi đấu hết sức để gửi lời cảm ơn đến cha mình. Ở tuổi 16, Lee đã vượt qua mọi kỳ vọng khi giành tấm huy chương vàng xà lệch, huy chương đồng nhào lộn trên sàn, và huy chương bạc toàn năng - chỉ sau Biles - ở lần đầu tham dự giải vô địch toàn quốc.Ít lâu sau khi Lee trở lại sân tập luyện vào tháng 6-2020 sau thời gian dài gián đoạn vì dịch, cô gặp chấn thương gãy xương bàn chân trái. Mùa hè năm đó, cô hay tin hai vợ chồng một người dì dương tính với COVID-19. Dì là một trong những người ủng hộ Lee hết mình trên con đường thể thao chuyên nghiệp, còn cậu là một thầy lang người H’Mông thường giúp Lee hồi phục sau những chấn thương. Dì của Lee không qua khỏi, và chỉ 13 ngày sau cậu cũng qua đời vì một cơn đau tim. Cả 2 lần, Lee đều phải nói lời tạm biệt với người thân qua ứng dụng Zoom.Chiếc huy chương vàng Olympic của Lee tuy bất ngờ nhưng là quả ngọt xứng đáng cho tài năng và ý chí chiến đấu đến cùng của cô gái trẻ. “Đã có lúc tôi muốn từ bỏ và không nghĩ rằng mình sẽ đến được đây (...) tôi rất tự hào về bản thân vì đã không bỏ cuộc và tin tưởng vào chính mình” - Lee phát biểu sau chiến thắng. Sunisa Lee thực hiện bài thi xà lệch tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty ImagesNgười hùng và tội đồLà người ngoài cuộc nhìn vào và đánh giá, rất dễ sa vào những so sánh hiển nhiên về nghị lực, bản lĩnh một vận động viên đỉnh cao và cả... lòng yêu nước giữa Biles và Lee.“Bây giờ “vấn đề sức khỏe tâm thần” đang là cái cớ cho mọi màn trình diễn tệ hại ở thể thao đỉnh cao hay sao? Thật là một trò đùa. Hãy thừa nhận bạn đã thi đấu tệ, mắc lỗi, và sẽ cố gắng làm tốt hơn lần sau” - nhà báo kiêm người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng người Anh Piers Morgan viết trên Twitter. Một chương trình phát thanh của Đài Fox Sports gọi Biles là “kẻ bỏ cuộc vĩ đại nhất trong thể thao” và cáo buộc cô ích kỷ trong khi ở đâu đó trên nước Mỹ có một vận động viên khác đã mất cơ hội tham dự Olympic vì suất thi đấu của cô.Nhiều người gọi Biles là kẻ hèn nhát và so sánh cô với Kerri Strug, vận động viên được xem là người hùng của thể dục dụng cụ Mỹ khi quên mình để giúp đội nhà giành huy chương vàng tại Thế vận hội 1996. Trong phần thi toàn năng đồng đội nữ ở Atlanta năm đó, Strug tiếp đất không tốt và gặp chấn thương gãy mắt cá chân trong lượt nhảy ngựa đầu tiên. Nếu thực hiện tiếp cú nhảy thứ 2, đội cô có khả năng giành huy chương vàng, còn nếu bỏ cuộc phải chấp nhận vị trí thứ 2. Strug chọn tiếp tục và có cú nhảy hoàn hảo khiến nhà thi đấu vỡ òa. Cô chỉ mỉm cười được trong tích tắc trước khi ngã quỵ vì đau đớn. Hình ảnh Strug được bế ra khỏi sân với chiếc chân trái băng bó trở thành biểu tượng cho tinh thần thể thao và chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Kerri Strug tại Olympic Atlanta 1996 và Simone Biles tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Getty ImagesKhi Sunisa Lee bước lên bục vinh quang, một lần nữa Biles bị đem ra so sánh. Thế nhưng dường như người ta quên rằng Biles không có gì để chứng minh với bất cứ ai. Cô đến Tokyo khi đã thống trị mọi nội dung toàn năng mà cô tham gia tranh tài từ năm 2013 đến nay. Cô đã thực hiện thành công những kỹ thuật chưa từng có ai làm được - những kỹ thuật giờ đây được đặt theo tên Biles. Nói đúng ra, Biles đến Thế vận hội không phải vì bản thân cô, mà để cất lên tiếng nói mạnh mẽ cho hơn 150 nạn nhân (gồm cả cô) của vụ xâm hại tình dục chấn động liên quan một bác sĩ của đội thể dục dụng cụ Mỹ bị phanh phui cách đây 3 năm.Việc rút lui không phải là dấu hiệu cho thấy Biles là kẻ yếu đuối. Ngược lại, đó là dấu hiệu cho thấy cô đủ mạnh mẽ để thừa nhận rằng bản thân không thể vượt qua những vấn đề mà cô đang gặp phải. Có lẽ đã qua rồi cái thời vận động viên đỉnh cao phải biết chiến đấu quên mình và hy sinh bản thân để giành chiến thắng bất chấp, dù là cho mình hay cho đất nước. Các vận động viên đỉnh cao của thế hệ ngày nay biết ưu tiên sức khỏe thể chất và tâm thần của họ, và cảm thấy không cần thiết phải xây dựng hình ảnh bất khuất trong mắt bất kỳ ai. Tay vợt Nhật Bản Naomi Osaka - người được trao vinh dự châm đuốc thiêng Olympic năm nay - cũng từng gây sốc khi rút khỏi giải Pháp mở rộng hồi tháng 6 vì lý do bảo vệ sức khỏe tâm thần, một quyết định bị không ít người chỉ trích và giễu cợt khi đó.“Kerri Strug là một anh hùng vì đã thi đấu khi cô ấy có thể, và Simone Biles cũng là một anh hùng vì đã không thi đấu khi cô ấy không thể” - một người dùng mạng xã hội Twitter viết. Câu chuyện cổ tích của Strug sẽ còn được nhắc mãi, nhưng có lẽ ít ai nhớ rằng Strug đã giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp sau chấn thương ở Olympic 1996. Khi ấy, cô mới 19 tuổi.Simone Biles từng thừa nhận lý do lớn mà cô chọn trở lại Thế vận hội lần này là để buộc các cơ quan quản lý môn thể thao của cô phải chịu trách nhiệm về việc tạo điều kiện cho bác sĩ Larry Nassar thực hiện hành vi đồi bại của mình và thất bại trong việc bảo vệ trẻ em gái và phụ nữ. “Tôi chỉ cảm thấy rằng sau mọi thứ đã xảy ra, tôi phải trở lại với môn thể thao này để trở thành một tiếng nói, để khiến thay đổi xảy ra. Bởi vì tôi cảm thấy nếu không còn một nạn nhân sống sót nào còn thi đấu, họ sẽ gạt chuyện này sang một bên” - Biles bộc bạch trong chương trình NBC’s Today hồi tháng 4-2021. Tags: Huy chương vàngOlympicOlympic Tokyo 2020Vận động viênThể dục dụng cụSimone BilesSunisa Lee
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.