Ông Triệu Quang Định - Ảnh: L.Kiên |
Vẫn còn tình trạng “đầu gấu”, “anh chị” tại nơi giam giữ, để xảy ra tình trạng đánh chết người cùng buồng... Như vậy đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền về bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam... |
Ông Triệu Quang Định |
Các tham luận đã cho thấy nhiều bức xúc, bất cập đang tồn tại trong hệ thống tạm giam, tạm giữ và đề xuất hướng tháo gỡ.
Quá tải và nạn “đầu gấu”, “anh chị”
Tham luận của trung tướng Nguyễn Hoàng Hà - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an - cho biết: “Công tác tổ chức giam giữ tại nhà tạm giữ hiện nay bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý. Trong thực tế, các nhà tạm giữ chủ yếu giam giữ người bị tạm giam, trong khi buồng tạm giam ít, cơ sở giam giữ xuống cấp, thiếu các công trình phụ trợ đã dẫn đến quá tải giam giữ nghiêm trọng, nhất là tại các nhà tạm giữ công an các tỉnh, TP phía Nam”.
Tình trạng quá tải cũng được phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh Trịnh Ngọc Quyên mô tả: ở cấp huyện, có những vụ án bắt mấy chục đối tượng nhưng nhà tạm giữ không có nhiều buồng tạm giữ nên phải tạm giữ chung nhiều đối tượng cùng một phòng tạm giữ.
Đó là chưa kể đến việc tạm giữ các đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo, nghiện ma túy, đối tượng hoang mang dao động nên đã tự sát...
Hiện nay trại tạm giam công an tỉnh không có buồng để giam nữ tử tù, phải giam riêng ở khu kỷ luật thuộc phân trại quản lý phạm nhân và ở các buồng trong khu tạm giam can phạm nữ. Số buồng có thể sử dụng giam được tử tù cơ bản đã hết.
Ở một góc nhìn khác, ông Triệu Quang Định - phó vụ trưởng Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện KSND tối cao - lại cho biết một sự nghiêm trọng khác.
Theo ông, công tác kiểm sát trong 15 năm qua cho thấy số người bị giam giữ lợi dụng sơ hở trong giám sát, quản lý, canh gác nên đã bỏ trốn khỏi nơi giam giữ là 2.570 trường hợp, thậm chí trốn tập thể còn xảy ra ở nhiều địa phương. Số người bị tạm giam, tạm giữ chết trong 15 năm qua là hơn 3.300 người.
Trong đó đáng lưu ý là số người tự sát chết tại nơi tạm giam, tạm giữ là 527 người. Vẫn còn tình trạng “đầu gấu”, “anh chị” tại nơi giam giữ, để xảy ra tình trạng đánh chết người cùng buồng...
“Như vậy đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền về bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, tạm giam... Đặc biệt nghiêm trọng, công tác quản lý, giám sát vẫn còn nhiều sơ hở, thiếu sót, thiếu trách nhiệm nên đã xảy ra việc người bị kết án tử hình lợi dụng trốn khỏi nơi giam giữ. Đặc biệt, do thiếu kiểm tra, giám sát nên còn để người bị kết án tử hình có thai trong quá trình giam giữ” - ông Định cho hay.
Quy định hiện hành chưa rõ ràng
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền khẳng định việc xây dựng dự án luật này là để khắc phục những bất cập đang tồn tại, đặc biệt là thể chế hóa quy định của Hiến pháp về bảo vệ quyền con người, chống tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra.
Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật, do đó những người bị tạm giam, tạm giữ, bị can chỉ bị hạn chế một số quyền công dân theo quy định của luật.
“Tạm giam, tạm giữ không phải là hình phạt” - phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an Lê Văn Thư nói.
Ông Thư thừa nhận quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa rõ ràng, cụ thể (đặc biệt là việc gặp thân nhân, người bào chữa, việc thực hiện các quyền nhân thân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo...); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với thực tế; chưa có quy định cụ thể về tạm giữ, tạm giam đối với người vị thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính, người mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự...
Dự thảo luật sẽ khắc phục những bất cập trên đây bằng các quy định cụ thể.
Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, kiến nghị: “Luật cần quy định cụ thể các bước tiến hành khi tạm giữ, tạm giam một người. Chẳng hạn khi tạm giữ, người có thẩm quyền phải ra quyết định tạm giữ bằng văn bản, khi đưa người bị tạm giữ hình sự vào buồng tạm giữ phải giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ; kiểm tra, xác định tình trạng sức khỏe của người bị tạm giữ; kiểm tra đồ vật mang theo của họ trước khi vào buồng tạm giữ; phổ biến nội quy buồng tạm giữ cho người bị tạm giữ biết...”.
TS Vũ Công Giao - Ảnh: L.kiên |
Quyền của người bị tạm giam, tạm giữ cần được bảo vệ tốt hơn, tránh tình trạng bị bức cung, dùng nhục hình, lạm dụng tình dục, tình trạng “đầu gấu”, “đại bàng” trong trại... |
TS Vũ Công Giao |
Xây dựng luật để bảo vệ quyền con người
TS Vũ Công Giao - khoa luật ĐHQG Hà Nội - cho rằng cần có quy định tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm sát không chỉ của các chủ thể hiện nay (Viện KSND, Quốc hội, HĐND, MTTQ VN) mà còn của các cơ quan báo chí, tổ chức phi chính phủ (VN và quốc tế), các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Quyền của người bị tạm giam, tạm giữ cần được bảo vệ tốt hơn, tránh tình trạng bị bức cung, dùng nhục hình, lạm dụng tình dục, tình trạng “đầu gấu”, “đại bàng” trong trại...
“Người bị tạm giam, tạm giữ phải được biết mình có những quyền gì. Khi chúng tôi đi khảo sát, không một người bị tạm giam, tạm giữ nào nói rằng họ đã được phổ biến về quyền của mình trong quá trình bị tạm giam, tạm giữ. Đây là một vi phạm phổ biến bởi người không biết mình có những quyền gì thì không thể bảo vệ được quyền của họ” - ông Giao cho biết.
TS Giao đồng thời đề nghị: “Cần có các quy định chặt chẽ về điều kiện vật chất, kỹ thuật để khắc phục tình trạng quá tải của hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam. Đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về nơi ở, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa... cho người bị tạm giữ, tạm giam để tiệm cận với các tiêu chuẩn được cộng đồng quốc tế công nhận. Ví dụ, việc quy định diện tích cho mỗi người bị giam, giữ là 2m2 như hiện nay chưa đảm bảo cho họ có được không gian phù hợp để sinh hoạt bình thường. Định mức này quá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế”.
Tạm giam, tạm giữ phải độc lập Đại diện cho Liên đoàn Luật sư VN, ông Nguyễn Cẩm đặt vấn đề: “Vừa qua có một số vụ án oan, vụ bức cung, dùng nhục hình thì cán bộ ở các trại tạm giam, tạm giữ có biết hay không, hay đồng tình, tiếp tay cho điều tra viên?”. Ông Cẩm đề nghị công tác tạm giam, tạm giữ phải độc lập, những người quản lý các trại tạm giam, tạm giữ phải bảo vệ bị can, người bị tạm giữ, tạm giam, bảo vệ quyền con người; còn điều tra viên phải đấu trí, đấu lý với bị can để tìm ra sự thật, phá án. Như vậy cơ quan tạm giữ, tạm giam phải độc lập với cơ quan điều tra. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận