Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 23-5, ông Nguyễn Xuân Mạnh - chủ tịch UBND xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định - cho biết thông tin trên, sau vụ việc một phụ huynh và nam học sinh lớp 6 bị chết đuối.
Theo lãnh đạo xã Giao Thiện, phần lớn các đoàn khách đến khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy đều tự liên hệ với chủ tàu, thuyền để cung cấp dịch vụ tham quan, trải nghiệm chứ không thông báo đến ban quản lý.
Đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy cho biết các tàu, thuyền ở đây mà du khách đến thuê được phép hoạt động. Các chủ tàu đều được quán triệt những khu vực nào không được bơi lội, tắm.
"Điểm an toàn và được phép vui chơi cách khu vực đoàn gặp nạn khoảng 500m. Đoàn khách này khi đến tham quan, trải nghiệm cũng không đăng ký với ban quản lý" - đại diện Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy cho hay.
Trước đó, Tuổi Trẻ Online thông tin về việc một đoàn khách khoảng 50 người gồm phụ huynh và học sinh của một trường tư tại Tây Mỗ, TP Hà Nội đến Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm trên địa bàn xã Giao Thiện.
Trong hành trình, tàu có đưa đoàn ra một bãi bồi nằm giữa sông Hồng và sông Trà để các học sinh bắt ngao. Nước dâng cao khiến cát lún, dẫn tới việc nam học sinh lớp 6 và một phụ huynh chết đuối.
Khu vực xảy ra vụ tai nạn cách đất liền khoảng 7km. Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra tai nạn dẫn đến chết người tại khu vực này.
Ông Mạnh cho biết bình thường mực nước ở khu vực xảy ra tai nạn chỉ khoảng 50cm, nhưng khi nước lên có thể cao đến 3 - 4m. Thời gian thủy triều dâng không nhanh như nước lũ, nhưng khi nước vào thì cát bị lún, người không quen sẽ rất khó di chuyển.
"Dòng nước tại khu vực bãi bồi đó lên xuống liên tục, một ngày vài lần, rất khó kiểm soát. Qua hệ thống loa phát thanh, xã cũng thường xuyên khuyến cáo, nhưng có thể đoàn tham quan không nắm được" - ông Mạnh nêu.
Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, là nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và một bên là huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Vườn có vùng lõi rộng khoảng 7.000ha, cả vùng đệm rộng khoảng 14.000ha với một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Từ năm 1989, vườn đã tham gia Công ước Ramsar và từ năm 2004 được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.
Đặc trưng của nơi đây là bạt ngàn cây sú vẹt, mênh mông đầm bãi với rất nhiều loài thủy sản. Vườn cũng được biết đến như một "ga chim" khi hàng năm các loài chim di trú trên hành trình tránh rét thường về đây "dưỡng sức", chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
Những năm gần đây, vườn quốc gia này không chỉ là địa chỉ tìm đến của các nhà nghiên cứu mà còn là nơi tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách, hội, nhóm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận