Ngân hàng đã tạm dừng việc tăng phí rút tiền ATM nhưng nhiều khả năng sẽ tăng trong thời gian tới - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nếu không có động thái này, khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng, sẽ phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hạ nhiệt cuộc đua tăng phí. Nhưng việc chưa tăng phí chỉ là tạm dừng, với lý do "các ngân hàng cần minh bạch thông tin và giải thích cho khách hàng hiểu".
Như vậy có nghĩa trong thời gian tới, sau khi đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng có thể vẫn sẽ tăng phí ATM, và có thể tăng thêm nhiều lần nữa khi các NH tính toán giá vốn của một giao dịch lên đến 9.000 đồng.
Vấn đề mà người tiêu dùng đặt ra là liệu tăng phí có đi kèm việc khách hàng được nâng hạn mức rút tiền nội mạng từ 5 triệu đồng/giao dịch lên 10 triệu đồng hoặc 15 triệu đồng hay không.
Tương tự, với giao dịch ngoại mạng, các ngân hàng lớn có mở chốt chặn 3 triệu đồng/giao dịch? Đặc biệt, phía Ngân hàng Nhà nước có tăng giám sát chất lượng ATM, xử phạt nặng các trường hợp NH có ATM liên tục trục trặc?
Thời gian qua, các ngân hàng cho rằng việc thu phí thấp dẫn đến chi phí tái đầu tư không có, ngân hàng không tăng được chất lượng dịch vụ. Vậy nay nếu được tăng phí, các ngân hàng cam kết tăng chất lượng đến đâu?
Một vấn đề khác cũng được người tiêu dùng quan tâm là minh bạch trong việc tính chi phí.
Các ngân hàng cho biết giá vốn của một giao dịch rút tiền là 9.000 đồng nhưng khách hàng không biết được chi phí đó tính như thế nào, đã tính lợi ích mà ngân hàng được hưởng chưa, ví dụ từ số tiền gửi không kỳ hạn tồn trên tài khoản, chi phí mà ngân hàng tiết kiệm được nhờ giảm lượng nhân viên, phòng giao dịch...
Trên thực tế, những vấn đề bất cập về phí rút tiền nội mạng cũng như chia sẻ lợi ích (giữa ngân hàng phát hành thẻ và ngân hàng có ATM) đã diễn ra âm ỉ từ nhiều năm qua khi các ngân hàng lớn nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại mức trần phí rút tiền ngoại mạng.
Lý do, nhiều ngân hàng nhỏ chỉ chăm chăm phát hành thẻ chứ ít chịu đầu tư máy. Từ đó dẫn đến khách hàng dồn qua giao dịch tại các ngân hàng lớn, đặc biệt dịp lễ tết khiến dẫn đến cảnh rồng rắn xếp hàng, hệ thống quá tải, máy hư, hết tiền. Trăm dâu đổ đầu tằm, trong khi mức phí thu được không thỏa đáng.
Vậy thì tại sao nhân dịp này các ngân hàng không ngồi lại, cùng với đại diện Ngân hàng Nhà nước, Hội Thẻ VN, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas) để thống nhất lại mức phí, tỉ lệ chia sẻ phí, song song đó là đưa ra cam kết chất lượng dịch vụ cho người tiêu dùng sau khi điều chỉnh phí.
Một khi cuộc chơi được thiết lập công bằng hơn thì không chỉ ngân hàng mà người tiêu dùng cũng được lợi.
Thăm dò ý kiến
Bạn nghĩ gì về dự định tăng phí rút tiền ATM của một số ngân hàng?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận