25/06/2024 19:23 GMT+7

Tạm dừng khai thác cát ở khu vực nhà dân bị nứt toác

UBND tỉnh Phú Thọ vừa yêu cầu một doanh nghiệp tạm dừng khai thác cát trên sông Đà - nơi giáp ranh với khu vực 42 nhà dân ở huyện Ba Vì (Hà Nội) bị nứt toác.

Nhiều nhà dân ở xã Vân Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội bị nứt tường nhà nghi do hoạt động hút cát trên sông Đà - Ảnh: QUANG VIỄN

Nhiều nhà dân ở xã Vân Phong, huyện Ba Vì, Hà Nội bị nứt tường nhà nghi do hoạt động hút cát trên sông Đà - Ảnh: QUANG VIỄN

UBND tỉnh Phú Thọ vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Công ty TNHH Tiến Nga về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát trên sông Đà (đoạn qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) - khu vực giáp ranh với khu vực sạt lở tại xã Thái Hòa và xã Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Theo UBND tỉnh Phú Thọ, việc tạm dừng khai thác cát để theo dõi, đánh giá chính xác ảnh hưởng của việc khai thác đến lòng, bờ, bãi sông.

Tỉnh Phú Thọ cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xác định rõ các khu vực phải tạm dừng hoạt động khai thác, thông báo, yêu cầu Công ty TNHH Tiến Nga tạm dừng hoạt động khai thác.

Đồng thời làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội để cung cấp thông tin các mỏ thuộc khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh và tổ chức triển khai công tác phối hợp giữa hai địa phương theo quy chế.

Trước đó, UBND huyện Ba Vì có báo cáo UBND TP Hà Nội trong thời gian qua tại khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ giáp ranh với huyện Ba Vì (xã Thái Hòa và Phong Vân) tình trạng khai thác cát trên sông Đà, sông Hồng diễn ra công khai, tấp nập.

Hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm. Các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động.

Đây là vị trí ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Đà và sông Hồng, tình trạng hút cát đã làm ảnh hưởng đến lòng sông, gây biến đổi dòng chảy làm sạt trượt chân kè và làm nứt đường đỉnh kè, tường rào, tường nhà và công trình dân sinh bị ảnh hưởng.

Theo thống kê của UBND xã Vân Phong, có 42 hộ dân ở xóm Bãi (thôn Vân Hội) bị ảnh hưởng như nứt tường bao, nhà, sân, trong đó có 19 ngôi nhà bị nứt dài từ 2 - 13m.

UBND TP Hà Nội sau đó gửi văn bản tới tỉnh Phú Thọ đề nghị phối hợp quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh.

Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã lập đoàn đi kiểm tra hoạt động khai thác cát của Công ty Phú Đức và Công ty Tiến Nga được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép tại khu vực giáp ranh với các xã Phong Vân, Thái Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Sau khi kiểm tra cùng ý kiến các bên liên quan, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đánh giá hoạt động khai thác cát của Công ty Phú Đức và Công ty Tiến Nga cơ bản đều chấp hành đúng quy định của giấy phép, chưa có đơn vị nào vi phạm quy định về thời gian được phép khai thác.

Hai công ty không khai thác ra ngoài phạm vi, ranh giới được phép khai thác và các đơn vị đã chấp hành đúng số lượng phương tiện đã đăng ký và thông báo trong kế hoạch khai thác.

Các đơn vị cũng lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động khai thác đầy đủ và được kết nối với hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản của tỉnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cho rằng thông tin báo chí, truyền thông đưa tin và phản ánh của UBND TP Hà Nội về hiện tượng sạt lở và hàng chục tàu hút cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm, các tàu thuyền chờ vào lấy cát neo đậu đặc kín quanh khu vực tàu hút đang hoạt động là không khách quan.

Sạt lở do khai thác cát vùng giáp ranh: Phản ánh của Hà Nội không khách quan?Sạt lở do khai thác cát vùng giáp ranh: Phản ánh của Hà Nội không khách quan?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, thông tin phản ánh của UBND TP Hà Nội về hiện tượng sạt lở và hàng chục tàu khai thác cát hoạt động hết công suất suốt ngày đêm... là không khách quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên