07/03/2018 10:18 GMT+7

Tạm đình chỉ vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng

ÁI NHÂN - TUYẾT MAI
ÁI NHÂN - TUYẾT MAI

TTO - Sau một tháng ngưng, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã mở lại phiên tòa Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng bằng quyết định tạm đình chỉ để chờ thu thập thêm chứng cứ.

Tạm đình chỉ vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường 41,2 tỉ đồng - Ảnh 1.

Nhiều tài xế Vinasun đến tòa để theo dõi vụ án - Ảnh: ÁI NHÂN

Sáng 7-3, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (gọi tắt là Grab).

Lý do của việc tạm dừng này là để đợi kết quả thu thập tài liệu, chứng cứ tại Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, Bộ Giao thông - Vận tải theo yêu cầu của TAND TP.HCM.

Khá đông tài xế Vinasun đã nghỉ việc để đến theo dõi phiên tòa ngày hôm nay. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện cả hai phía Vinasun và phía Grab Việt Nam đều đồng tình với quyết định này. 

Luật sư Nguyễn Hải Vân - luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phía Vinasun trao đổi sau khi nhận quyết định tạm đình chỉ giải quyết - Video: TUYẾT MAI

Vinasun "tố" Grab hoạt động vận tải

Trước đó, ngày 7-2, sau 2 ngày xét xử, TAND TP.HCM đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để phía Grab bổ sung chứng cứ sau một thời gian xét hỏi.

Theo diễn biến phiên tòa, Vinasun cho rằng hoạt động của Grab đã gây thiệt hại cho mình 41,2 tỉ đồng trong năm 2016 và hai quý đầu năm 2017.

Vinasun cho rằng ngay từ tên gọi Grab đã định danh lĩnh vực kinh doanh của mình là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực taxi. 

Theo đó, Grab không chỉ là đơn vị cung ứng phần mềm kết nối mà trên thực tế trực tiếp kinh doanh, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá bán, điều chỉnh tăng giảm giá bán...

Vinasun tố Grab đã tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi cho khách hàng sử dụng các loại hình của GrabTaxi như GrabCar, GrabTaxi, Grab Share, thưởng điểm cho tài xế chạy nhiều chuyến nhằm chiêu mộ, thu hút lái xe...

Grab còn bị tố là đơn vị kết nối với một số ngân hàng để giúp lái xe vay tới hơn 90% giá trị xe...

Theo Vinasun, phía Grab cho rằng tại thời điểm một chuyến xe được chấp nhận, một hợp đồng điện tử sẽ được coi là đã được thực hiện là đang đánh tráo khái niệm về hợp đồng điện tử. 

Lý do là giao dịch của Grab không đáp ứng các điều kiện cần thiết của một hợp đồng theo quy định pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động của Grab không tuân thủ quy định về hợp đồng vận tải hành khách.

Đặc biệt, Vinasun cho rằng dịch vụ GrabShare vi phạm quy định về việc đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức. 

Vinasun cho rằng nhiều người nhầm tưởng rằng đi GrabTaxi có lợi hơn taxi truyền thống trong khi vào các giờ cao điểm giá Grab lại tăng lên gấp 2 đến 5 lần, gây thiệt hại đến quyền lợi người tiêu dùng, "làm náo loại thị trường vận tải taxi".

Từ đó, phía Vinasun đề nghị tòa buộc Grab chấm dứt hành vi kinh doanh trái pháp luật và bồi thường thiệt hại cho Vinasun.

Grab nói Vinasun chưa có bằng chứng

Ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam trao đổi với báo chí - Video: TUYẾT MAI

Đối đáp lại "cáo buộc" của Vinasun, phía Grab cho rằng đây là một vụ kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.  

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện như có hành vi vi phạm pháp luật, có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại. 

Tuy nhiên, phía Vinasun chưa đưa ra được bằng chứng về vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi của GrabTaxi. 

Trên thực tế, đại diện Grab Việt Nam cho rằng hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. 

Bên cạnh đó, giả sử GrabTaxi có vi phạm các điều kiện về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi thì Vinasun cũng chưa đưa ra được bằng chứng chứng minh đó là nguyên nhân dẫn đến việc hãng taxi này bị giảm thiểu khách hàng.

Phía Grab cho rằng hành khách sử dụng các dịch vụ vận chuyển có ứng dụng công nghệ của Grab là bởi các lý do khác như giá tiền đã xác định trước, thuận tiện, an toàn chứ không phải vì các điều kiện kinh doanh vận tải, taxi không được đáp ứng.

Toàn cảnh những "bất công" trong đại chiến taxi

TTO - Những biểu ngữ của giới "taxi truyền thống" ở cả Hà Nội lẫn TP.HCM nhắm vào "taxi công nghệ" Uber và Grab phản ánh những "bất công" về thuế và điều kiện kinh doanh.

ÁI NHÂN - TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên