Với những diễn biến ngoài biển Đông, tâm điểm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 14 tập trung vào cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Tại đối thoại Shangri-La 2014, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lần đầu tiên công bố việc Nhật sẽ tăng cường các can dự an ninh tại khu vực trước những trỗi dậy quyết liệt của Trung Quốc - Ảnh: THANH TUẤN Đối thoại quốc phòng Shangri-La chính thức khai mạc tối 29-5 với bài phát biểu của Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long. Đối thoại Shangri-La giờ đã trở thành diễn đàn an ninh quốc phòng hàng đầu khu vực với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng và tướng lĩnh một loạt nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...) cũng như các đối tác từ châu Âu như Anh, Đức, EU... Nếu năm ngoái mọi chú ý dồn vào thông điệp mở rộng an ninh tập thể của nước Nhật cũng như khả năng Tokyo sẽ tham gia các hoạt động an ninh ở châu lục - bước tiến lớn so với bản hiến pháp hòa bình - thì năm nay tâm điểm là về Washington: Mỹ sẽ làm gì để đối trọng với sự trỗi dậy ngày càng quyết liệt của Trung Quốc? Một tuần trước đối thoại Shangri-La, truyền hình CNN có phóng sự độc quyền khi họ được lên một máy bay do thám Poseidon-8 của quân đội Mỹ bay qua khu vực Trung Quốc đang lấn đất ngoài biển. Khi khu vực bãi chiếm đất hiện rõ trên nền biển xanh cũng là lúc phía Trung Quốc nói qua điện đàm bằng một giọng tiếng Anh không sõi: “Đây là hải quân Trung Quốc... Đây là hải quân Trung Quốc... Hãy đi đi... để tránh hiểu lầm”. Đến khi tức giận thì câu nói chỉ còn “This is the Chinese navy... You go!” (Đây là hải quân Trung Quốc... Các vị đi ngay). Trên máy bay Poseidon-8, phóng viên CNN ghi được ít nhất tám lần hải quân Trung Quốc yêu cầu máy bay Mỹ phải rời đi. Cựu phó giám đốc CIA Michael Morell nói với CNN rằng các sự vụ kiểu này có nguy cơ rất lớn dẫn tới xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng quanh tình hình trên biển đã khiến Global Times, tờ báo nổi tiếng với những tuyên bố hiếu chiến của Bắc Kinh, đã lên giọng nói về “chiến tranh” với nước Mỹ. Ở bãi Chữ Thập, ngoài rađa theo dõi, quân đội Trung Quốc đã xây dựng doanh trại, tháp không lưu và đường băng sân bay. Trong vòng chưa đầy hai năm, Trung Quốc đã lấn đất tổng cộng hơn 400ha - tương đương 1.500 sân vận động - ở vùng biển có mực nước sâu hơn 100m. NHỮNG DIỄN BIẾN CHƯA RÕ Ý ĐỒ Diễn biến đó chỉ là một trong vô số cuộc “đụng độ” giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc ở ngoài biển Đông gần đây. Từ cuối năm ngoái tới nay, tốc độ, tần suất các cuộc đụng độ này ngày càng tăng. Poseidon-8, máy bay do thám hiện đại nhất của Mỹ, được điều tới đây từ đầu năm nay. Hồi tháng 3, Mỹ và Philippines cũng tiến hành các cuộc do thám chung trên Poseidon-8. Trong cuộc phỏng vấn tại TP.HCM, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry sẽ sớm tới thăm Việt Nam. Ông Carter sẽ thăm Việt Nam ngay sau khi dự đối thoại Shangri-La trong khi ông Kerry dự kiến đến vào tháng 6 để chuẩn bị chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ dự kiến vào đầu tháng 7. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam nói các do thám kiểu này đã có từ lâu và câu chuyện chỉ là giờ Mỹ mới công khai với báo chí. Việc Mỹ đưa truyền hình CNN theo để loan tin là một cách gây sức ép thêm để Trung Quốc phải công khai về các hoạt động của mình. Nhưng tần suất các động thái của Washington còn cho thấy phần nào sự lo ngại và chú ý của Lầu Năm Góc với những gì đang diễn ra ngoài biển. Một ngày trước khi đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ phải ra điều trần ở thượng viện, Lầu Năm Góc đã “cố tình rò rỉ” thông tin họ cân nhắc việc sẽ đưa tàu hải quân và máy bay tới trong phạm vi 12 hải lý các điểm Trung Quốc chiếm đất. Nhưng giới quan sát lúc này vẫn rất nghi ngờ khả năng Mỹ sẽ thực hiện việc đó. Với những ràng buộc sâu và phức tạp về kinh tế - chính trị - quân sự, khả năng lớn nhất Mỹ có thể triển khai lúc này là đưa các tàu đơn lẻ như kiểu USS FortWorth thay vì thách thức trực diện vào sâu khu vực 12 hải lý. Giới quan sát đã có nhiều phân tích về việc rất khó chặn Trung Quốc lại trong lúc này - nhất là khi các phương án chỉ đơn thuần gói gọn bằng biện pháp ngoại giao (vốn chỉ dừng lại bởi các tuyên bố hay các cuộc gặp) hay tăng cường sự hiện diện quân sự. Đụng độ quân sự là điều mà Washington đang tránh. Ngoài ra, giữa các đảo rất gần ở Trường Sa, việc Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý với các đảo Trung Quốc chiếm rất có thể đồng nghĩa với việc đi vào 12 hải lý các điểm đảo tự nhiên của Việt Nam. Nếu Mỹ thật sự triển khai điều máy bay và tàu tới, liệu việc đó có trở thành cớ để Trung Quốc hợp thức hóa việc đi tuần với tàu quân sự và máy bay trên vùng biển đó của Việt Nam? Trong trường hợp như vậy, Việt Nam sẽ phải xử lý thế nào? Đâu là động thái Việt Nam có thể ủng hộ khi hai nước lớn “vờn nhau” ở vùng chủ quyền của mình? Đây là những câu hỏi không dễ trả lời. Gideon Rachman của Financial Times đánh giá nếu Mỹ thật sự triển khai tàu tới khu vực 12 hải lý thì đây sẽ là đối đầu hải quân căng thẳng nhất giữa Mỹ - Trung kể từ sau vụ đưa tàu sân bay vào gần eo biển Đài Loan khi xảy ra căng thẳng ở eo biển này giai đoạn 1995-1996. “Nhưng sau 20 năm, Trung Quốc đã giàu có hơn và mạnh hơn rất nhiều về mặt quân sự, đã phát triển những tên lửa mới có thể nhắm tới tàu Mỹ” - Rachman viết. Một số học giả Trung Quốc nói với Rachman rằng Mỹ không còn đủ gan để đe dọa Trung Quốc như thời 1995-1996 nữa và theo Rachman, “giả thuyết đó đang sắp được kiểm chứng”. SỰ XUẤT HIỆN CỦA ÔNG CARTER Ở Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ lần đầu có mặt kể từ khi ông được phê chuẩn vào chức vụ này hồi đầu năm nay. Dù không chuyên trách châu Á - Thái Bình Dương, ông Carter được coi là cứng rắn hơn người tiền nhiệm Chuck Hagel. Ông Ashton Carter, đã lên tiếng từ các vấn đề kinh tế như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến chuyện chiếm đất ngoài biển của Trung Quốc, được cho là sẽ đưa ra các biện pháp chi tiết và cụ thể để đối phó với Trung Quốc ở đối thoại lần này. Cấp dưới của ông, đô đốc Harris, người nắm Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng được coi là cứng rắn hơn so với cựu đô đốc Locklear. Người ta cũng chờ xem Nhật sẽ thể hiện chính sách quân sự mới thế nào sau khi đã thông qua định hướng chiến lược mới với Mỹ. Đã có nhiều thông tin về khả năng Nhật - Mỹ sẽ tuần tra chung ngoài biển và không loại trừ trong đó có cả khu vực biển Đông. Được biết, phiên trao đổi chính đầu tiên của Đối thoại Shangri-La sẽ là “Mỹ và các thách thức đối với châu Á - Thái Bình Dương”. Phiên đầu tiên của ngày tiếp theo sẽ là “Vai trò của Trung Quốc trong đảm bảo hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương”. Xen giữa các phiên là trao đổi về “Các dạng thức mới của hợp tác an ninh châu Á”, “Giảm nguy cơ leo thang xung đột”... Tags: Đối thoại ShangriLa
Tin tức thế giới 15-11: Rộ tin tỉ phú Elon Musk gặp đại sứ Iran, ông Trump nghiêm túc về chuyện Iran BÌNH AN 15/11/2024 Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy ông Trump nghiêm túc về vấn đề ngoại giao với Iran; Hezbollah tấn công căn cứ quân sự ở Tel Aviv.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.
Tin tức sáng 15-11: Doanh nghiệp phải trả gần 66.000 tỉ đồng nợ trái phiếu cuối năm TUỔI TRẺ ONLINE 15/11/2024 TP.HCM lập hội đồng thu hút người tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao; Khách của ngân hàng chưa xác thực sinh trắc học sẽ gặp khó.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán nếu ông Trump khởi xướng TRẦN PHƯƠNG 14/11/2024 Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói Matxcơva sẵn sàng đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu ông Trump khởi xướng, nhưng kèm theo điều kiện.