TTCT - Xã hội "tam đại đồng đường" Trung Quốc nổi tiếng giờ xuất hiện thêm thực trạng "tam đại đồng ngành", khiến đường thăng tiến của những người xuất thân tầm thường trong xã hội trở nên khó khăn hơn nhiều. Ở quốc gia tỉ dân, từ vựng mới "tam đại yên thảo nhân" (người ba đời cuốn thuốc lá) vừa xuất hiện trên mạng đã gây nhiều tranh cãi, nghĩa đen là ba thế hệ trong gia đình cùng làm trong ngành thuốc lá. Theo tờ The Economist, một tài khoản mạng xã hội Weibo với hơn 850.000 người theo dõi là nơi đầu tiên meme này xuất hiện.Tài khoản đó viết: "Kết quả của hệ thống cha truyền con nối là vòng tròn quyền lực khép kín, cắt đứt hoàn toàn cơ hội vươn lên của những người phía dưới!". Rất nhiều người đã đồng tình, thể hiện tâm trạng bất mãn chung ngày càng tăng của công chúng với tình trạng tầng lớp tinh hoa đang "sao chép" việc làm cho thế hệ con cháu.Hậu duệ và quan hệCâu chuyện "tam đại đồng ngành" này khiến công chúng Trung Quốc hoài nghi về đặc quyền mang tính gia tộc với những công ăn việc làm đáng thèm muốn và nhiều bổng lộc, như ở công ty độc quyền thuốc lá của nhà nước. Một trong những hashtag phổ biến trên Weibo thời gian qua là #Thanh niên quê thị trấn nhỏ mức lương 4.000 tệ/tháng (14 triệu đồng) xách túi 10.000 tệ (35 triệu đồng). Đó được cho là nhân vật sống nhờ "hậu duệ" điển hình ở Trung Quốc, hiện tượng khiến mọi người phải suy nghĩ sâu sắc về bất bình đẳng cơ hội ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.Người nghèo ngày càng khó vươn lên trong xã hội Trung Quốc. Ảnh: China Data LabThực tế thì ở xã hội nào cơ hội cũng không như nhau giữa con nhà quyền thế và con nhà bình dân, nhưng tình hình ở Trung Quốc, vốn vẫn đang hướng tới xây dựng "xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc", đặc biệt đáng ngại.Nền kinh tế nước này cất cánh thần kỳ trong vài thập niên qua một phần quan trọng nhờ vào giới lao động tin rằng "tài năng thay đổi vận mệnh" hay "thành công nhờ chăm chỉ", nhưng giờ đây niềm tin này đang bị thách thức bởi "con cháu các cụ cả". Đa số công việc và chức vụ tốt đều do thế hệ thứ hai, thứ ba của giai tầng tinh hoa đảm nhiệm, nên nhiều người bình thường không khỏi cảm thấy dù có chăm chỉ đến đâu cũng không sánh được với người có "nền tảng gia đình".Cũng The Economist tháng 9 dẫn một phóng sự của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cho thấy mối quan tâm của công chúng về "tam đại thuốc lá" và các chủ đề tương tự trên mạng xã hội là dấu hiệu cho thấy "vẫn còn khá nhiều "quan hệ cận huyết" trong các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính quyền địa phương". Thậm chí có người bình luận châm biếm bên dưới phóng sự: "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, chuột con chỉ biết đào đất".Vấn đề là cảm nhận của công chúng có phản ánh đúng thực tại xã hội? Theo số liệu từ Cục Thống kê quốc gia năm 2015, 20% người giàu nhất nước này có thu nhập gấp 5,3 lần so với 20% người nghèo nhất. Con số này vốn đã gần với mức trung bình của các nước tư bản phát triển, dù Trung Quốc vẫn còn cách mốc nước phát triển khá xa. Khoảng cách đó đồng thời được nới rộng rất nhanh, đến năm 2022 đã là khoảng 6,3 lần."Xã hội cố hóa"Năm 2020, thủ tướng Trung Quốc khi đó Lý Khắc Cường cho biết nước này vẫn còn 600 triệu người, tức gần nửa dân số, có thu nhập hằng tháng chỉ 1.000 tệ (khoảng 3,5 triệu đồng). Ông nói số tiền đó không đủ để thuê một căn phòng nhỏ ở thành phố. Cảm giác công bằng và niềm tin của người dân vào tính hiệu quả của hệ thống kinh tế và chính trị do đó đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền.Trước Hội nghị Trung ương lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 vào tháng 7-2024, các nhà kinh tế hàng đầu trong nước đã kêu gọi chính quyền cải cách hệ thống tài chính và thuế để tăng chi tiêu phúc lợi xã hội và thúc đẩy tiêu dùng. Ông Lý Đạo Quỳ, giáo sư tài chính Trường Kinh tế và quản lý tại Đại học Thanh Hoa nổi tiếng, nhấn mạnh trên một diễn đàn được tờ Christian Science Monitor trích lại: "Định hướng của chính phủ cần phải được thay đổi từ chính sách đầu tư và định hướng dự án sang cung cấp phúc lợi xã hội cơ bản và giúp người dân tăng thu nhập khả dụng để thúc đẩy tiêu dùng".Một khái niệm mới hiện phổ biến trên các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc là "xã hội cố hóa", với từ "cố" trong "cố chấp", ám chỉ tình trạng xã hội trở nên trì trệ về mặt giai cấp, mất dần khả năng vận động. Khoảng cách giai cấp ngày càng xa và ngày càng được củng cố khiến người nghèo hầu như không thể vượt qua nghịch cảnh, bởi thực sự có những công việc dù cố gắng thế nào họ cũng không thể đạt được.Nghiên cứu kéo dài nhiều năm do hai giáo sư người Mỹ Martin K. Whyte (Đại học Harvard) và Scott Rozelle (Stanford) đứng đầu cho thấy người dân Trung Quốc đã thay đổi trong cảm nhận về con đường thành công.Khảo sát ban đầu của họ, được thực hiện trong giai đoạn 2004-2014, cho thấy hầu hết người trả lời đều có quan điểm tích cực về khả năng hệ thống kinh tế - xã hội kiểu Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Họ vẫn lạc quan cho rằng thành công sẽ đến nếu làm việc chăm chỉ và tài giỏi. Năm 2010, giáo sư Whyte xuất bản cuốn Ngộ nhận về núi lửa xã hội: Nhận thức về bất bình đẳng và công lý phân phối ở Trung Quốc đương đại giải thích rằng hầu hết người Trung Quốc hiện vẫn cảm thấy lạc quan về cơ hội thăng tiến. Đa số cũng tin rằng tài năng, chăm chỉ và học hành là những con đường chính để thành công.Tuy nhiên năm 2023, cũng nhóm nghiên cứu đấy đã quay lại đề tài này sau gần 10 năm cho một khảo sát nhằm đối chiếu với quá khứ. Trong khảo sát mới, họ thấy đã có thay đổi đáng kể trong cách nhìn nhận bất bình đẳng và cơ hội ở Trung Quốc. Theo đó, người Trung Quốc hiện ít tin tưởng hơn so với 10 năm trước rằng hệ thống và thể chế kinh tế của đất nước mang lại cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Đa số cho rằng hệ thống kinh tế Trung Quốc hiện không công bằng và cơ hội không bình đẳng, dù họ làm việc chăm chỉ đến thế nào.Nỗ lực từ chính quyềnKhông phải giới lãnh đạo Trung Quốc không thấy những điều này. Những năm gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy sự dịch chuyển xã hội và liên tục nhấn mạnh vào yêu cầu "thịnh vượng chung", hàm ý san sẻ rộng hơn thành quả phát triển kinh tế. Tại cuộc họp lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính trung ương tháng 8-2021, ông Tập từng hứa sẽ giảm bất bình đẳng thu nhập qua lộ trình "Thịnh vượng chung trong kỷ nguyên mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".Chính phủ Trung Quốc cũng đã và đang đưa ra nhiều biện pháp để thay đổi cuộc sống người dân, từ tạo cơ hội tiếp cận với giáo dục, y tế rộng rãi đến thúc đẩy tầng lớp trung lưu vốn gần như không tồn tại trước năm 1990 lên khoảng 400 triệu người ngày nay. Năm 2021, chính phủ đã cố gắng tạo sân chơi bình đẳng hơn trong giáo dục bằng cách cấm hầu hết dịch vụ dạy kèm tư nhân vì lợi nhuận. Các đài phát thanh và truyền hình nhà nước cũng từ chối nhận quảng cáo hàng hóa xa xỉ. Năm 2021, mạng xã hội Douyin (TikTok ở Trung Quốc) đã xóa hơn 2.800 video liên quan đến chuyện "phô trương giàu có" và đóng gần 4.000 tài khoản chuyên "khoe của".Tuy nhiên, những động thái đó cũng cho thấy mâu thuẫn giàu - nghèo âm ỉ trong lòng xã hội là nghiêm trọng. Người giàu bị buộc phải giấu những chiếc túi xa xỉ hay đồng hồ đắt tiền dưới khẩu hiệu "thịnh vượng chung" và việc kiềm chế người giàu khoe của thực ra không giúp ích gì nhiều cho việc cải thiện đời sống của người nghèo.Ngô Mộc Loan, phó giáo sư nghiên cứu về quản trị Trung Quốc tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nói với tạp chí Time rằng nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiểm soát chuyện khoe của trên mạng có tính chính trị hơn là thực tiễn. "Đây là mối quan tâm thuần túy về mặt ý thức hệ của một nước xã hội chủ nghĩa. Họ muốn mọi người bình đẳng hơn - ông Ngô nói - Họ muốn mọi người có tinh thần tốt, đóng góp cho xã hội chứ không bị cuốn vào chủ nghĩa vật chất". Còn trên thực tế, chỉ số Gini (phản ánh mức độ bất bình đẳng) của Trung Quốc vẫn rất cao, lên tới 0,467 vào năm 2022, không kém Mỹ là bao (0,488, cũng năm 2022) và cao hơn hẳn so với mức trung bình 0,350 của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.Thách thức với Chính phủ Trung Quốc, do vậy là rất lớn trong xây dựng niềm tin nơi công chúng về khả năng nền kinh tế mang lại cơ hội cho tất cả mọi người. "Thịnh vượng chung" cần được chứng minh không chỉ là khẩu hiệu. ■ Chênh lệch giàu nghèo ở khu vực nông thôn Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn, với khoảng cách thu nhập giữa người giàu nhất và nghèo nhất lên tới 9,2 lần. Cụ thể, thu nhập trung bình hằng năm của người lao động trong nhóm giàu nhất là 46.075 nhân dân tệ (163 triệu đồng), trong khi những người thuộc nhóm nghèo nhất chỉ kiếm được 5.025 tệ (gần 18 triệu đồng). Báo cáo của tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu UBS Group được tờ Nikkei Asia dẫn lại cho thấy 1% người giàu nhất Trung Quốc hiện kiểm soát hơn 31% "tài sản hộ gia đình" của cả nước. Tags: Trung quốcGia đìnhKinh tếNgười giàu nhấtKinh tế Trung Quốc
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra của Bộ Công an HỒNG QUANG 15/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an. Con tàu này hiện được định biên vào đội tàu của Cục Cảnh sát giao thông.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Khám chữa bệnh tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế THÀNH CHUNG 15/11/2024 Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
Dù có tình tiết giảm nhẹ mới, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình TUYẾT MAI 15/11/2024 Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.