02/02/2020 18:57 GMT+7

Tâm đắc 6 chữ của giáo sư Trần Văn Giàu về tư tưởng Việt Nam

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một bộ sách kinh điển của giáo sư Trần Văn Giàu vừa trở lại với bạn đọc Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam qua buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM chiều 2-2.

Tâm đắc 6 chữ của giáo sư Trần Văn Giàu về tư tưởng Việt Nam - Ảnh 1.

Thạc sĩ Nguyễn Võ Cường chia sẻ về việc đọc bộ sách của GS Trần Văn Giàu - Ảnh: L.ĐIỀN

Đây là lần tái bản thứ 3 của bộ sách Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ thứ XIX đến Cách mạng Tháng Tám, vốn được xem là công trình quan trọng của GS Trần Văn Giàu khi chỉ ra và lý giải sự phát triển của các hệ tư tưởng phong kiến, tư sản và chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam trong thời đoạn có nhiều biến động lớn lao về tư tưởng.

Bộ sách gồm ba tập: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ của lịch sử (tập 1); Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ của lịch sử (tập 2); Thành công của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (tập 3).

Hai diễn giả tham gia buổi giao lưu gồm PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên trưởng khoa lịch sử Trường đại học KHXH&NV TP.HCM và ThS Nguyễn Võ Cường - trưởng phòng lý luận chính trị - lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.

TS Hà Minh Hồng chọn cách gọi thân mật "thầy Giàu" dành cho vị GS sử học quá cố. Ông Hồng cũng chia sẻ rằng điều tâm đắc của ông với công trình ba tập của GS Trần Văn Giàu là sự ngắn gọn, rõ ràng, xác đáng: "Điều này tạo nên ấn tượng của chúng tôi đối với thầy Giàu mà đến ngày nay tôi vẫn còn phải học thầy".

Nói về bộ sách dày hơn nghìn trang này, ông Hồng cho rằng điều cô đọng nhất là 6 chữ GS Trần Văn Giàu đã dùng đặt nhan đề cho các tập. Đó là 2 chữ "thất bại" cho tư tưởng phong kiến, "bất lực" cho tư tưởng tư sản và "thành công" cho chủ nghĩa Mác - Lênin.

ThS Nguyễn Võ Cường nhận xét bộ sách của GS Trần Văn Giàu có thể khó đọc với các bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, bằng thực tế cá nhân, anh cho rằng nên đọc bộ sách này để hiểu được tại sao GS Trần Văn Giàu xuất thân trong gia đình khá giả, được đi học Pháp nhưng đã chọn con đường theo cách mạng: "Bộ sách này lý giải nhiều vấn đề của dân tộc, đặc biệt cho thấy sự chuyển biến về tư tưởng của GS Trần Văn Giàu cũng chính là sự chuyển biến tư tưởng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn mà sách đề cập".

Trong cái nhìn sử học, PGS Hà Minh Hồng cho rằng bộ sách của GS Trần Văn Giàu chỉ rõ rằng trong giai đoạn lịch sử ấy, con đường giải phóng dân tộc là một yêu cầu của lịch sử và việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 cũng là một đáp ứng yêu cầu của lịch sử.

Ở phương diện dung hợp và chia sẻ cùng các luồng tư tưởng khác nhau, khi được hỏi về các hội kín từng tồn tại ở Nam Kỳ được đề cập trong sách, anh Nguyễn Võ Cường cho rằng có những tàn dư của chế độ phong kiến trong chừng mực nào đó cũng có đóng góp cho hệ tư tưởng chủ đạo của cách mạng Việt Nam. "Tuy cũ kỹ nhưng các tư tưởng khác ấy cũng có cái hay, vì thế mà nó tồn tại được", anh Cường chia sẻ.

Buổi giao lưu diễn ra trong lúc thông tin về dịch bệnh do virus corona đang lan rộng. Dù vậy, nhiều bạn đọc đã mang khẩu trang đến dự suốt buổi. Có bạn đọc đặt câu hỏi về sự phát triển song song các tư tưởng ở Việt Nam cần nghiên cứu thế nào; và việc ngày nay chúng ta nhìn nhận ra sao về tư tưởng cải lương và tư tưởng bạo động trong các sĩ phu hồi đầu thế kỷ XX.

Tâm đắc 6 chữ của giáo sư Trần Văn Giàu về tư tưởng Việt Nam - Ảnh 2.

Nhiều bạn đọc đeo khẩu trang đến dự buổi ra mắt sách của GS Trần Văn Giàu - Ảnh: L.ĐIỀN

Các diễn giả đã phân tích để trả lời các thắc mắc, chủ yếu đưa ra quan điểm tích cực khi nhìn nhận lại các vấn đề về tư tưởng từng tồn tại ở Việt Nam. Chẳng hạn PGS Hà Minh Hồng lưu ý rằng không nên tuyệt đối hóa trong phân biệt tư tưởng cải lương và bạo động; ThS Nguyễn Võ Cường cũng lưu ý sự linh hoạt trong sắp xếp thứ tự ưu tiên về cách mạng dân tộc hay đấu tranh giai cấp như một nghệ thuật của cách mạng Việt Nam đã được minh chứng qua lịch sử.

Tâm đắc 6 chữ của giáo sư Trần Văn Giàu về tư tưởng Việt Nam - Ảnh 3.

Bộ sách 3 tập của GS Trần Văn Giàu vừa được tái bản lần thứ ba - Ảnh: L.ĐIỀN

tai_lieu_tvg

Góc triển lãm tư liệu về Trần Văn Giàu và Xứ ủy Nam Kỳ - Ảnh: L.ĐIỀN

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, Cục Văn thư lưu trữ nhà nước cùng Đường sách TP.HCM tổ chức triển lãm "Sài Gòn - TP.HCM trong cách mạng giải phóng dân tộc (1930 - 1975) với hơn 300 tài liệu, hình ảnh về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - TP.HCM dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nguồn tài liệu được lưu trữ tại Lưu trữ quốc gia Việt Nam, Lưu trữ quốc gia Pháp, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan đảng bộ, các bảo tàng...

Trong đó có một số tài liệu lần đầu được công bố rộng rãi đến công chúng như: tài liệu về các tổ chức bí mật của các đảng chính trị chống Pháp ở Nam Kỳ, các văn bản xử án các nhà yêu nước Việt Nam chống Pháp cũng như các cuộc đàn áp các cuộc đấu tranh thời chống Mỹ.

Triển lãm được bố cục thành 4 phần nội dung: Giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1920-1930); giai đoạn Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930-1945); giai đoạn Đảng lãnh đạo kháng chiến chống Pháp (1946-1954); giai đoạn Đảng lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Triển lãm kéo dài đến ngày 9-2.

Khai mạc trưng bày Khai mạc trưng bày 'Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam'

TTO - Chiều 15-1, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã khai mạc trưng bày "Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Một chặng đường vẻ vang".

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên