Phóng to |
Rồi anh tự trả lời luôn: "Để "tám" chuyện. Con cà con kê đang trở thành một thứ văn hóa công sở, một hình thức... thư giãn. Tuy nhiên cái hay, cái dở đều từ đó mà sinh ra".
Không biết từ bao giờ, danh từ "bà Tám" để chỉ những người "nhiều chuyện" đã được "động từ hóa" và "tính từ hóa". "Tám", hay ở nhiều nơi gọi là "buôn dưa lê", nơi công sở là một đặc thù của nhiều nhân viên thời nay. Tôi đã từng đi làm qua 3-4 công ty, và phải công nhận là các nhân viên của chúng ta hơi... nhiều chuyện (!).
Cách đây 5 năm, khi vừa tốt nghiệp, tôi làm cho một công ty quảng cáo trên đường Pasteur, Q.1, TP.HCM. Công việc ở một công ty quảng cáo rất bận rộn và cũng khá căng thẳng. Nhưng các nhân viên luôn biết tận dụng thời gian để thư giãn bằng cách “tám” chuyện với nhau. Mỗi khi sếp vừa lên xe con phóng đi, cô thư ký lật đật chạy xuống phòng Sáng tạo với vẻ mặt rất hớn hở, loan báo: "Sếp đi rồi!".
Lập tức, cóc, ổi, xoài... xuất hiện trên bàn nhanh như có phép mầu và các câu chuyện nở như bắp rang. Các câu chuyện xoay quanh tình hình thế giới, các cuộc tình của người mẫu, diễn viên điện ảnh khắp các châu lục, nội dung những phim ăn khách. Đề tài dai dẳng nhất chính là về các nhân viên trong cơ quan, trong đó sếp là nhân vật làm tốn nhiều nước bọt và thời gian nhất. Chẳng hạn, hôm nay vợ sếp đến trong lúc sếp đang tiếp một khách hàng xinh đẹp, hay chuyện một phụ nữ ngày nào cũng “truy lùng” sếp không dưới 10 lần qua điện thoại...
Sau đó, tôi qua một công ty khác. Hằng ngày, tôi phải chứng kiến cảnh cô thư ký "tám" qua điện thoại với bạn bè cả tiếng đồng hồ, từ chuyện cái mụn mới mọc trên mặt đến chuyện tối qua đi chơi với "bồ" đã nói câu gì, anh ta nói lại câu gì... Các nhân viên hễ có điều kiện là tụ tập lại để bàn luận và điện thoại ra ngoài cho bạn bè. Trong những cuộc nói chuyện dông dài, nhiều mâu thuẫn trong nội bộ đã vô tình bị khoét sâu thêm.
Chuyện "tám" thường bắt đầu đầy bí mật hoặc kịch tính. Chẳng hạn, hai phụ nữ chụm đầu vào nhau: "Này, biết tin gì chưa? Nghe nói ông X. trưởng phòng tòm tem con nhỏ H. mới vào đấy!". Hoặc: "Có chuyện này bí mật, đằng ấy đừng nói cho ai biết đấy! Thằng M. hôm qua vào phòng sếp lâu lắm. Hình như bị bà ấy tát, má đỏ lằn...". Câu chuyện ấy hôm sau được loan ra toàn công ty đã bị bay mất chữ "hình như" và còn thêm vào vô khối tình tiết mới vô cùng hấp dẫn...
Khi tôi sang làm ở một công ty lớn có cả trăm nhân viên cũng là khi Internet bùng nổ, mọi người chuyển sang "tám" bằng... tay, nên sếp có ngồi... thù lù ở cơ quan cũng "bó tay". Ở một cơ quan lớn, những tin về cơ quan thường là những tin vỉa hè mà không biết được tung ra bắt đầu từ đâu. Đôi khi, sự chân xác của nó phải "vênh" so với sự thực tới 90%(!). Những mâu thuẫn, những quan hệ của những người trong cơ quan, để thêm phần hấp dẫn, thường được gán với chuyện tình cảm. Và dù không ít người biết độ tin cậy của những chuyện phiếm này không là bao nhiêu nhưng vẫn thích nghe và thậm chí họ chẳng cần "check" lại xem nó có đúng hay không nữa.
Một người bạn của tôi kể: sếp của anh là một người Thái gốc Việt, ông đã lợi dụng "văn hóa tám", thỉnh thoảng tung ra những thông tin thăm dò thái độ nhân viên. Chẳng hạn, đưa ra tin đồn sắp cho người này lên chức, người kia nghỉ việc. "Lợi hại" hơn, cứ cuối năm thì nhân viên được tin vỉa hè: năm nay công ty làm ăn thua lỗ, thâm hụt ngân sách. Vậy là dần dà người trong công ty đã quen với những kỳ Tết "chay" - về ăn Tết không có thưởng (!).
Có lần, chị bạn người Nhật, rất rành tiếng Việt, hỏi tôi: "Ở cơ quan em nhân viên có hay tám chuyện với nhau không?". Tôi ngạc nhiên vì chị dùng chính xác một từ "lóng" như vậy. Rồi chị kể: ở cơ quan chị, cứ sếp đi ra ngoài là mấy nhân viên người Việt túm tụm lại tán gẫu. Chị bất bình lắm, cho rằng đây là hành động ăn cắp. Chị đã nói với sếp người Nhật, lập tức mấy người đồng nghiệp ấy bị đuổi việc. Xét cho cùng thì chị không sai, nhưng nếu quy chiếu theo góc độ văn hóa công sở ở ta thì có vẻ hơi... nhẫn tâm. Mà người nước ngoài thì làm sao hiểu được... "văn hóa tám"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận