Anh Đinh Văn An (trái) cha ruột K'rể cùng hai người cha nuôi là thầy Đặng Văn Cương (giữa) và anh Đinh Văn Tròn - Ảnh: TRẦN MAI
Hôm nay, người làng Gò Da (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) và những người yêu thương đưa K’rể về với Yàng. Trong tang lễ đơn sơ của người H’rê, K’rể bình thản đi về cõi khác.
K’rể kết thúc hành trình trần thế ở tuổi 13, nhưng em đã sống một cuộc đời trọn vẹn đúng nghĩa.
"Cổ tích" thầy và trò
Tháng 2-1014, lần đầu tiên chúng tôi gặp K’rể trên non cao Gò Da. Chốn cùng sơn ấy, cho đến bây giờ vẫn là hành trình gian khổ. Mùa này phải cuốc bộ chừng 10 giờ mới đến cổng làng, sóng điện thoại là xa xỉ. Nói vậy để thấy 6 năm trước ngôi làng ấy chẳng khác nào ẩn tích giữa rừng.
Lúc đó K’rể nhìn những người xa lạ vừa đến làng với ánh mắt trơ trọi, cậu sợ hãi, nép người sau lưng cha. Khi ấy thầy Đặng Văn Cương đang là hiệu trưởng Trường tiểu học bán trú Sơn Ba lội bộ vào làng thăm điểm trường lẻ tan hoang sau bão.
Khoảnh khắc chạm mặt cậu bé đã đến tuổi tới trường nhưng nhỏ hơn cả một đứa trẻ sơ sinh đã chạm vào đáy sâu của người thầy 20 năm gắn với giáo dục miền núi. Trước khi về, thầy Cương nói với anh Đinh Văn An - cha K’rể rằng: "Mang thằng bé xuống trường thầy nuôi cho".
Đó là khởi đầu của tình thầy trò rất đẹp và có lẽ sẽ lưu mãi về sau.
Thầy Cương sửa lại chiếc xe cho K'rể - Ảnh: TRẦN MAI
Thầy Cương nói K’rể có quyền được biết trường học, biết thế giới văn minh như bao đứa trẻ khác, cho dù em có thế nào. Nhưng nhiều lần thuyết phục, thầy không thành công.
Đến đầu năm học 2015-2016, lúc anh ruột K’rể đang được thầy cô nuôi tại Trường tiểu học Sơn Ba, cha K’rể đến đón về thì thầy Cương thuyết phục tiếp. Cha K’rể ậm ừ, nhưng hôm sau đã đưa hai anh em xuống trường. Thầy Cương chuẩn bị đồ chơi, bánh kẹo vì lo K’rể sợ hãi.
"Chẳng hiểu sao thấy tôi K’rể vui vẻ, không sợ, không khóc. Tôi đánh liều nói cha K’rể để lại ngủ với thầy một đêm, có gì thầy chịu. Thế là đêm đầu tiên K’rể ngủ với tôi rồi ở với nhau cho đến giờ", thầy Cương nói với Tuổi Trẻ vào cuối năm 2018.
Năm năm thầy Cương và K’rể sống cùng nhau, biết bao nhiêu câu chuyện cảm động, chuyện nào cũng xuất phát từ yêu thương.
K’rể cho đến phút sau cùng của đời mình cũng chỉ nặng 3,9kg, cao 62cm nên quần áo, giày dép rất khó mua. Thầy Cương phải đi nhờ thợ may, rồi đưa học trò xuống phố nài nỉ thợ đóng giày làm cho K’rể một đôi dép cho riêng em. Rồi cũng chính thầy Cương đưa K’rể đi đến những bệnh viện lớn khám và phát hiện em bị bệnh "người lùn đầu chim" cực kỳ hiếm gặp trên thế giới.
Mỗi chuyến đi có K’rể theo cùng là niềm hạnh phúc lớn của thầy Cương. Nhìn K’rể thích thú với đô thị sầm uất ở Sài Gòn, Hà Nội, vui vẻ đón nhận yêu thương của mọi người mà không sợ hãi, với thầy Cương đã là thành công. "Lúc tôi đưa K’rể rời khỏi làng, cũng chỉ mong em được như vậy", thầy nói.
Sâu thẳm trong thầy Cương, ông chẳng cần K’rể biết đọc, biết viết, chỉ cần em đón nhận tất cả tình yêu thương của cuộc sống bằng cảm xúc thật nhất của em.
Nụ cười trong veo của K'rể đã kết nối những yêu thương - Ảnh: TRẦN MAI
Yêu thương ở lại
Thầy Cương không thể nuôi K’rể lớn lên về thể trạng, nhưng thầy đã bao dưỡng tâm hồn K’rể lớn lên từng ngày. Nhiều người biết K’rể và thầy Cương sẽ cảm nhận được hai tâm hồn ấy không phải thầy trò mà giống cha con hơn. Những lần K’rể đau nặng nhất, không phải cha mẹ ruột của em bên cạnh mà chính là thầy Cương. Cảm xúc của thầy từ lâu gắn chặt vào nụ cười trong veo trên môi K’rể.
Rời khỏi làng, K’rể có nhiều gia đình hơn, đó là ngôi trường Sơn Ba - nơi thầy cô nào cũng dành cho K’rể tất cả yêu thương; đó là gia đình nhỏ của thầy Cương - nơi vợ và hai con của thầy dành tất cả yêu thương cho K’rể.
Những buổi sinh nhật thầy Cương tổ chức tại nhà, K’rể bé nhỏ thổi nến trong tiếng vỗ tay mừng em thêm tuổi mới. Hai con thầy Cương kéo K’rể vào chụp bức hình lưu niệm với lời nói yêu thương: "Anh K’rể chụp với tụi em tấm hình". Cứ thế mà K’rể đã sống những tháng ngày thật đẹp.
Hôm qua (9-11), hay tin K’rể mất, trên mạng xã hội nhiều người tiếc nuối cho hành trình của cậu bé tí hon phải dừng lại. Những dòng tiễn biệt hòa vào cơn mưa trắng trời miền Trung lúc này: "Tạm biệt K’rể, cõi trời kia mong em vui"; "Em đã có một cuộc đời thật đẹp"; "Nghe tin em mất mà tin tôi như thắt lại"; "Thương quá, K’rể của chúng ta đã hóa thiên thần, nếu có kiếp sau chắc chắn em sẽ thành một người bình thường và biết yêu thương"...
Anh Minh Huy, phóng viên đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi, người rất thân thiết với thầy Cương và K’rể, tâm sự rằng K’rể là một phần tuổi thơ của đứa con trai 3 tuổi của anh. Mỗi lần có thời gian rảnh anh lại chở con đến nhà thầy Cương vui chơi cùng K’rể.
"Với tôi, K’rể như sợi dây kết nối yêu thương. Dù cuộc sống có mệt mỏi đến đâu, nhưng mỗi khi nhìn thấy K’rể ai cũng gác lại nỗi buồn của mình để cười theo ánh nhìn trong veo của em", anh Huy nói.
Còn tôi, vẫn nhớ hình ảnh anh Đinh Văn Tròn ở xã Sơn Thành (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) khi nhận số tiền 18 triệu đồng mọi người hỗ trợ để cứu con trai bị bệnh nặng, anh đã đem lên tận Trường tiểu học Sơn Ba trao cho K'rể, nhận cậu bé làm con nuôi.
Khoảnh khắc thấy K'rể tinh nghịch, anh Tròn nở nụ cười hiền lành. Số tiền của các tấm lòng không cứu được con anh, nhưng cũng giúp anh có được một người con khác chính là K'rể...
K'rể cười tươi trong vòng tay của anh Đinh Văn Tròn - người xem K'rể như con - Ảnh: TRẦN MAI
Tí hon Đinh Văn K'rể lúc còn sống - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận