05/07/2018 10:18 GMT+7

Tắm biển, coi chừng sứa lửa

D.THANH - Đ.NHẠN - Đ.HÀ
D.THANH - Đ.NHẠN - Đ.HÀ

TTO - Vào hè, nhiều du khách và người dân khi tắm biển bị… ngứa. Theo người dân ở các vùng biển, khi tắm biển mà đụng phải những con sứa lửa, nhẹ thì gây ngứa, nặng thì bỏng rát, rộp da, lồi thịt.

Tắm biển, coi chừng sứa lửa - Ảnh 1.

Người dân và du khách tắm biển Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Làm sao để phòng tránh và chữa trị vết thương do sứa lửa?

Nắng nóng, sứa lửa xuất hiện nhiều nơi

Tại vùng biển Phú Yên, những ngày qua sứa xuất hiện nhiều và gây ngứa ngáy, khó chịu cho người tắm biển. Sáng 4-7, khi tắm tại vùng biển thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), anh Douglas Dung Nguyen, Việt kiều Mỹ, bị sứa "cắn" gây sưng, ngứa ở vùng tay, vai.

"Tôi đang bơi thì có va vào vật gì đó như sợi dây, mềm, ngay sau đó là cảm giác như bị chích nhẹ vào da thịt, không đau lắm nhưng khó chịu. Những người đi tắm cùng cho biết là do bị sứa lửa "cắn". 

Khi tôi lên bờ thì trên tay, vai xuất hiện những nốt sưng nhỏ như bị kiến cắn hay ong đốt, không đau, chỉ có cảm giác hơi ngứa. Nhiều người tắm biển cho biết cũng bị sứa "cắn" như vậy" - anh Douglas nói.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, thường xuyên tắm biển ở nơi đây, cho hay mùa nắng nóng nước biển lạnh, thường là lúc sứa xuất hiện ở bãi tắm này. Người bơi biển có thể "vướng" cả chùm sứa gây ngứa. 

"Những loại sứa mà người ta hay khai thác để ăn được thì không gây ngứa, nhưng những loại sứa dây, sứa như hạt nút màu đỏ thì khi người tắm biển chạm vào có cảm giác bị chích, gây ngứa ngáy khó chịu. Tôi tắm biển thường gặp tình trạng này" - anh Tùng cho biết.

Tại Đà Nẵng, nhiều du khách và người dân tắm biển hoang mang vì bị nổi mẩn ngứa. Hiện tượng thường gặp là vừa bước xuống biển vài phút đã cảm giác bị châm chích, ngứa ngáy một số chỗ trên da. 

Gia đình chị Ngọc Hà đi du lịch đến biển Mỹ Khê tắm biển. Cả nhà chị có kế hoạch tắm biển khoảng 2-3 tiếng. Tuy nhiên khi mới xuống tắm được một lúc chừng 30 phút, cả nhà đành phải đi lên vì... ngứa quá. Khi lên bờ, các anh cứu hộ ở vùng biển này cho biết mấy ngày này nắng nóng quá, sứa nổi lên gây ngứa. 

Anh Phạm Hà Nam 34 tuổi, du khách Hà Nội, cũng tắm biển Mỹ Khê, cho biết cả gia đình đều bị cảm giác ngứa ngáy nên dùng cát để chà xát lên chỗ ngứa. Vết ngứa không giảm mà còn lan rộng, để lại nhiều vết thương, trầy da suốt mấy ngày liền.

Ở vùng biển thuộc Bãi Sau, TP Vũng Tàu, người dân cũng bị sứa "đụng" nhiều. Cứ vào thời điểm giao mùa (mùa khô - mùa mưa) sứa biển xuất hiện nhiều ở các bãi tắm tại Vũng Tàu. Những người thường xuyên tắm biển, ai cũng một lần đụng phải sứa lửa.

Sơ cứu bước đầu rất quan trọng

Ông Trần Văn Trường - nguyên trưởng Ban quản lý các khu du lịch TP Vũng Tàu - cho biết sứa biển có hai loại là sứa trắng và sứa lửa. Người tắm biển nếu đụng phải sứa trắng chỉ gây ngứa chút xíu nhưng đụng phải sứa lửa - những con sứa có tua màu xanh, đỏ - thì gây ra rát bỏng, sau đó da bị phồng, rộp lên. 

Theo ông Trường, thời điểm giao mùa, thời tiết nắng nóng nên sứa thường nổi lên mặt nước. Do đó những ai tắm biển vào buổi sáng và buổi trưa thường đụng phải sứa lửa. Và việc nhìn thấy để phát hiện sứa dưới biển để tránh xa là rất khó.

Đáng chú ý, theo ông Trường, những năm gần đây sứa xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân theo ông là do cá biển - vốn ăn những con sứa - đã bị đánh bắt nhiều, cạn kiệt dần.

Theo ông Trường, người dân địa phương hay chữa theo phương pháp dân gian như ngay sau khi bị sứa "đụng", cần rửa sạch vết thương rồi dùng những cọng lá rau muống biển mọc trên bãi nhai dập, đắp vào vết thương. 

Cây muống biển có tác dụng làm dịu mát vết bỏng rát. Sau đó về nhà dùng các loại kem chữa bỏng hay uống thuốc để chữa vết thương.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, riêng trong tháng 6, số lượng bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng tăng 500 bệnh nhân so với tháng 5. 

ThS.BS Đoàn Văn Hùng cho rằng ngay khi bị tổn thương, nên rửa bằng nước biển để loại bỏ bớt độc tố, tránh kỳ cọ làm tổn thương lan rộng. Chườm đá lạnh lên vết thương để giảm đau nhức. Nếu tình trạng nặng hơn nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử lý vết thương.

sua

Vết thương trên cánh tay anh Tạ Quốc còn in dấu sau hai năm - Ảnh: Đ.Hà

TS.BS Vũ Tuấn Anh - giám đốc Bệnh viện Phong và da liễu trung ương Quy Hòa, TP Quy Nhơn (thuộc Bộ Y tế) - cho biết mùa hè khi đi tắm biển, người dân có thể bị viêm da tiếp xúc kích ứng do tiếp xúc với một số loài sứa.

Ngay sau khi tiếp xúc với sứa, nếu bị nhẹ sẽ thấy ngứa, khó chịu, cảm giác nóng rát như bị bỏng, có thể đau nhức, sau đó tại vùng tiếp xúc da đỏ lên, sưng nề, có thể nổi phỏng nước, có thể vỡ, loét da.

Một số trường hợp nặng, cá biệt có thể bị sốc phản vệ, gây đau nhức, bỏng rát, khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, bất tỉnh.

Ngay sau khi tiếp xúc với sứa, người tắm biển nên lên bờ ngay, nếu bị nhẹ thì không cần thiết đến cơ sở y tế, nhưng nếu bệnh có diễn tiến nặng hơn thì phải đến cơ sở chuyên khoa để khám và dùng thuốc.

Chữa ngứa do sứa biển

* Chữa dị ứng sứa biển khi tiếp xúc: có thể rửa vết thương bằng nước cốt chanh. Chườm đá lạnh lên vết thương để giảm đau nhức. Nặng thì nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

* Chữa dị ứng sứa biển qua dùng thực phẩm: cần chườm nóng cho giảm ngứa, sưng phù ngoài da có thể dùng các nguyên liệu như lá ngải cứu, lá đơn đỏ, lá khế... Rang nóng chườm vào vùng bị nổi mẩn ngứa khó chịu sẽ thấy giảm ngứa nhanh chóng.

BS HOÀNG XUÂN ĐẠI

Nước biển tại Đà Nẵng vẫn đạt thông số yêu cầu

TTO - Trước phản ánh của người dân về việc bị mẩn ngứa bất thường sau khi tắm ở các bãi biển phía Đông, Sở Tài nguyên môi trường Đà Nẵng đã công bố kết quả quan trắc nguồn nước định kỳ ở đây.

D.THANH - Đ.NHẠN - Đ.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên