06/09/2024 15:39 GMT+7

Tâm bão số 3 (bão Yagi) đang cách Hải Phòng - Quảng Ninh 160km

Hơn 7h sáng nay 7-9, tâm bão số 3 (bão Yagi) đang cách Hải Phòng - Quảng Ninh 160km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Tại đảo Bạch Long Vĩ ghi nhận gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 1.

Ảnh mây vệ tinh lúc 4h sáng cho thấy hoàn lưu bão số 3 đang bao trùm vịnh Bắc Bộ và đảo Hải Nam (Trung Quốc) - Ảnh: NCHMF

Do ảnh hưởng của bão số 3, tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) ghi nhận gió mạnh cấp 12, giật cấp 14. Tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 7, giật cấp 12.

Hình ảnh mới nhất từ đảo Bạch Long Vĩ, mưa gió mạnh dần khi bão số 3 tiệm cận

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 2.

Tại thành phố Hạ Long lúc 6h50 sáng trời mưa nhỏ, kèm theo từng đợt gió mạnh - Ảnh: C. TUỆ

Thủ tướng: Căn cứ tình hình chủ tịch tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, quyết định học sinh nghỉ học

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão. Đây là công điện thứ ba của Thủ tướng để ứng phó với cơn bão này.

Tâm bão số 3 mạnh cấp 14 đang áp sát bờ biển, đã sơ tán 47 ngàn người

Công điện nêu rõ, theo báo cáo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đêm ngày 6-9, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17. Từ ngày 7-9, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, mưa lớn (lượng mưa phổ biến 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.

Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86 này 3-9 và số 87 ngày 5-9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Sơ tán 47.000 người dân tránh bão

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến 5h sáng 7-9, các địa phương đã sơ tán 47.151 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn. 

Trong đó Quảng Ninh: 3.460 người, Hải Phòng 18.762 người, Thái Bình: 21.510 người, Nam Định: 734 người và Ninh Bình: 2.685 người.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra của huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đi kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống bão số 3 - Ảnh: QMG

Bão số 3 mạnh cấp 14, giật cấp 17, đang cách Quảng Ninh 200km

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 4.

Khu vực Tiền Hải, Thái Bình sáng 7-9 bắt đầu có gió lớn kèm mưa - Ảnh: NAM TRẦN

3h sáng 7-9, tâm bão số 3 (Yagi) cách Quảng Ninh 200km, cường độ bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10. Đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) hiện đang có mưa, gió bắt đầu mạnh dần lên.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/h và hướng vào ven biển các tỉnh Đông Bắc Bộ.

Đến 13h chiều nay, tâm bão ở trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Trong chiều đến tối nay, bão đi vào đất liền phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 5.

Vị trí và hướng di chuyển bão số 3 lúc 2h sáng 7-9 - Ảnh: NCHMF

Do ảnh hưởng của bão, hôm nay ở vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.

Từ rạng sáng 7-9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7-9.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 6.

Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), lúc 3h50 trời đang có mưa, gió đang mạnh dần lên - Ảnh: C. TUỆ

Quảng Ninh sơ tán 2.100 dân ở Móng Cái trong đêm

Theo Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, trong đêm 6-9, TP Móng Cái đã di dời 641 hộ với hơn 2.100 nhân khẩu đang sinh sống trong nhà yếu, thiếu kiên cố, ngư dân địa phương khác đang hoạt động vùng biển Móng Cái về các trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa, trường học, các hộ dân có nhà kiên cố liền kề…

Huyện Hải Hà cũng đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra, rà soát công tác phòng, chống bão số 3 trên địa bàn toàn huyện.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 7.

Các hộ dân sống ở nhà yếu, thiếu kiên cố được TP Móng Cái đưa về các trụ sở, nhà văn hóa để đảm bảo an toàn trong đêm 6-9 - Ảnh: Truyền thông Móng Cái

Trong đó, đoàn kiểm tra của Bí thư Huyện ủy Hải Hà Nguyễn Kim Anh đã đi kiểm tra toàn bộ các nhà tôn, lán trại, tàu thuyền neo đậu tại khu vực cảng Ghềnh Võ. Tại đây, đoàn đã phát hiện 10 ngư dân phường Tân An, thị xã Quảng Yên đang tá túc tại 1 nhà tôn để trông coi tàu, thuyền.

Bí thư Huyện ủy Hải Hà đã tuyên truyền, vận động và yêu cầu lực lượng công an, biên phòng đưa toàn bộ người dân về Trạm Biên phòng Ghềnh Võ.

Tâm bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 250km

Theo bản tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật lúc 2h sáng 7-9, đến 1h sáng, vị trí tâm bão số 3 ở ngay trên vùng biển phía Đông vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 250km về phía Đông Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 166km/h), giật cấp 17. Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15 - 20km/h.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10. Đảo Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. TP Móng Cái (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 8.

Vị trí và hướng di chuyển bão số 3 lúc 1h sáng 7-9 - Ảnh: NCHMF

Bão số 3 giảm hai cấp

Theo ông Hoàng Phúc Lâm - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22h đêm 6-9 một nửa vùng tâm bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ.

Thời điểm này bão giảm thêm 1 cấp, từ cấp 15 xuống cấp 14, giật cấp 17.

Lúc 22h, vị trí tâm bão khoảng 20.1 độ vĩ Bắc - 109.7 độ kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 300km.

So với lúc 20h, bão giảm thêm 1 cấp, từ cấp 15 xuống cấp 14, giật cấp 17. Như vậy sau khi vào đảo Hải Nam bão đã giảm 2 cấp do các ổ mây đối lưu ở tâm bão giảm.

Trong 2 giờ qua, bão di chuyển khá nhanh, chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20km/h. Dự báo 3 giờ tới bão đi theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc với tốc độ 15 - 20km/h.

Qua ảnh mây vệ tinh, lúc 22h vùng tâm bão đã vào vịnh Bắc Bộ một nửa và xuất hiện các ổ mây dông gần tâm hơn nên có xu hướng tăng cấp trở lại. Tuy nhiên, do hoàn lưu bão vẫn chịu chi phối địa hình của đảo Hải Nam và đất liền Trung Quốc nên khả năng tăng cấp không nhiều.

Bão số 3 đã gây gió cấp 8, giật cấp 10 tại Bạch Long Vĩ và duy trì sức gió này trong 1 tiếng vừa qua.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 9.

22h đêm 7-9, một nửa vùng tâm bão số 3 đã xuống vịnh Bắc Bộ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Dự báo bão sẽ tiếp tục gây gió mạnh cấp 6 tại đảo Cô Tô (hiện đang cấp 3-4) vào khoảng 1-2h sáng và tiếp tục mạnh lên.

Trên đất liền, dự báo Móng Cái (Quảng Ninh) là nơi có gió mạnh đầu tiên (cấp 6) từ 1 đến 4h sáng 7-9. Sau đó, vùng gió mạnh mở rộng xuống phía nam Quảng Ninh và Hải Phòng, hai nơi trọng tâm của gió mạnh do bão. Có khả năng gió cấp 11-12, rủi ro thiên tai cấp 4.

Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa gió yếu hơn, có thể cấp 8-9, sâu trong đất liền gió cấp 6-8, giật cấp 9, cấp 11. Thời điểm gió mạnh nhất từ sáng 7-9 kéo dài đến chiều 7-9.

Từ nửa đêm tới sáng 7-9, mưa trong đất liền tăng dần từ ven biển, sau đó dịch dần lên phía tây và phía nam. Quảng Ninh đến Nam Định mưa có thể đạt 200 - 350mm và mưa kết thúc trong sáng 8-9.

Tại Hà Nội mưa và gió mạnh xuất hiện muộn hơn từ khoảng 4h - 7h sáng 7-9 và tăng dần. Trưa và đầu giờ chiều 8-9 mưa kết thúc. Từ 8-9 mưa tập trung ở Tây Bắc Bộ, dù lượng mưa không lớn như đồng bằng ven biển nhưng kéo dài nên tổng lượng mưa xấp xỉ khu vực đồng bằng.

Tổng lượng mưa do bão tại Bắc Bộ từ 100-300mm, có nơi trên 500 (tập trung ở Đông Bắc Bộ trong đó có Hà Nội, mưa tập trung từ sáng 7-9 đến 5-6h sáng ngày 8-9 mưa giảm dần).

Theo ông Lâm, bão số 3 không gây mưa kéo dài sau bão do áp cao nhiệt đới không tác động nhiều, không có gió Đông Nam mạnh gây mưa kéo dài ở Đông Bắc Bộ. Nhưng mưa cục bộ trong thời gian ngắn nên gây ngập úng đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại miền núi.

Bão số 3 tiếp tục giảm cường độ, Quảng Ninh bắt đầu có gió mạnh

Theo bản tin nhanh lúc 22h của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cường độ bão số 3 giảm thêm 1 cấp xuống cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.

Hiện bão số 3 đang cách Quảng Ninh 300km về phía đông đông nam.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8 giật cấp 10, Móng Cái (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 10.

Ảnh mây vệ tinh bão số 3 lúc 22h tối 6-9 - Ảnh: NCHMF

Bão số 3 cách Quảng Ninh 320km

Lúc 21h tối 6-9, tâm bão số 3 cách Quảng Ninh khoảng 320km, cường độ bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật cấp 17. Cùng thời điểm tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), nơi dự kiến tâm bão đổ bộ, trời không mưa, lặng gió.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 8 giật cấp 9, Móng Cái (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 5 giật cấp 7, Cửa Ông và Quảng Hà (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 6.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 11.

Để tránh bão, người dân tại thị trấn Tiền Hải, Thái Bình đã dùng bao cát, đất đặt lên mái nhà để tránh thiệt hại - Ảnh: NAM TRẦN

Bão số 3 giảm 1 cấp, không còn là siêu bão

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia trong 3 giờ vừa qua, bão số 3 (Yagi) đã giảm 1 cấp.

19h tối, tâm bão số 3 vị trí tâm bão số 3 ở trên vùng ven biển phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 360km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 12.

Vị trí và hướng di chuyển bão số 3 lúc 19h tối 6-9 - Ảnh: NCHMF

Như vậy, bão số 3 không còn là siêu bão (theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên mới gọi là siêu bão).

Hiện bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/h.

Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, đêm 6-9 ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh trước khi bão ảnh hưởng.

Đã sơ tán hơn 37.000 dân

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến chiều tối nay các địa phương đã sơ tán 37.188 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản và các nhà yếu đến nơi an toàn.

Trong đó, Quảng Ninh 3.000 người, Hải Phòng 9.259 người, Thái Bình 21.510 người, Nam Định 734 người, Ninh Bình 2.685 người.

Đồng thời kiểm đếm, hướng dẫn 51.426 tàu/220.805 người chủ động tránh trú. Hiện toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.

Bão số 3 giảm 1 cấp, không còn là siêu bão - Ảnh 3.

Người dân di dời ra khỏi chung cư A7 Tân Mai trong đêm - Ảnh: DANH KHANG

Bão số 3 giảm hai cấp, không còn là siêu bão nhưng vẫn rất mạnh - Ảnh 6.

Đây là căn chung cư cũ được đánh giá nguy hiểm cấp độ D (cấp độ nguy hiểm nhất), có nguy cơ đổ sập - Ảnh: DANH KHANG

Bão số 3 giảm hai cấp, không còn là siêu bão nhưng vẫn rất mạnh - Ảnh 7.

Người dân di dời ra khỏi chung cư A7 Tân Mai - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tối 6-9, UBND phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết để đảm bảo an toàn khi bão đổ bộ, nhà chức trách đã quyết định di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu tại chung cư A7 Tân Mai.

Địa điểm di dời là Trường tiểu học Tân Mai cách đó 300m. Thời gian hoàn thành trước 8h ngày 7-9.

Tại đây, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn, chiếu cho người dân.

Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành đoàn thể để hỗ trợ người dân.

Bão chưa vào đất liền, Hà Nội đã gãy đổ 155 cây xanh

Tối 6-9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết trận dông lốc xảy ra chiều nay làm gãy đổ 155 cây xanh, gây thiệt hại về người và tài sản tại khu vực nội thành.

Cụ thể, tại quận Hoàng Mai có 8 cây xanh gãy đổ làm 1 người chết, 1 người bị thương; quận Hoàn Kiếm có 2 cây xanh gãy đổ làm 3 người bị thương; quận Hai Bà Trưng có 3 cây gãy đổ làm 2 người bị thương, 1 xe máy bị hư hỏng; quận Hà Đông có 2 cây gãy đổ làm hư hỏng 1 ô tô 4 chỗ, 1 xe khách.

Ngoài ra, quận Cầu Giấy gãy đổ 13 cây xanh, Thanh Xuân 12 cây, Đống Đa 10 cây, Long Biên 10 cây, Thanh Trì 3 cây, Nam Từ Liêm 2 cây...

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 13.

Ngư dân neo tàu thuyền ở cảng cá Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Hơn 230 chuyến bay bị hủy, điều chỉnh giờ bay do ảnh hưởng bão

Do 4 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân phải tạm dừng khai thác trong ngày 7-9 để tránh bão số 3, các hãng hàng không Việt Nam phải hủy, điều chỉnh giờ bay của 237 chuyến bay.

Cụ thể Bamboo Airways hủy 15 chuyến bay với hơn 1.065 khách bị ảnh hưởng; 8 chuyến bay phải thay đổi giờ khai thác (khai thác sớm hoặc muộn hơn kế hoạch) với 542 khách bị ảnh hưởng. Hãng đã thông báo phương án hỗ trợ khách là hoàn vé theo yêu cầu hoặc chuyển khách di chuyển vào các chuyến bay sau 20h ngày 7-9 và ngày 8-9.

Vietjet hủy 66 chuyến bay, trong đó có 6 chuyến bay quốc tế và 60 chuyến bay nội địa với khoảng 10.000 hành khách bị ảnh hưởng. Có 38 chuyến bay phải thay đổi giờ khai thác (khai thác sớm hoặc muộn hơn kế hoạch) với hơn 7.000 hành khách bị ảnh hưởng.

15 chuyến bay đi quốc tế, sau đó máy bay phải đỗ lại các sân bay quốc tế 1 - 8 tiếng để quay trở lại Hà Nội sau thời điểm 19h ngày 7-9. Hãng đã thông báo đến hành khách; hỗ trợ hành khách chuyển sang các chuyến bay gần nhất hoặc hoàn, hủy vé theo yêu cầu của hành khách.

Vietnam Airlines dự kiến hơn 110 chuyến bay sẽ bị hủy và điều chỉnh giờ khai thác. Trong đó hủy 34 chuyến bay và điều chỉnh giờ khai thác của 78 chuyến bay nội địa, quốc tế.

Vietnam Airlines không công bố số lượng hành khách bị ảnh hưởng nhưng ước tính với tổng số chuyến bay phải hủy, điều chỉnh giờ bay sẽ có khoảng 10.000 hành khách bị ảnh hưởng.

Thông tin từ Cục Hàng không cho biết các hãng hàng không nước ngoài ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á cũng hủy nhiều chuyến bay và điều chỉnh lịch bay tới các sân bay phía Bắc của Việt Nam sang ngày 8-9 để tránh bão số 3.

Đã dự trữ nguồn hàng nhu yếu phẩm đáp ứng 5-10 ngày

Bão số 3 giảm 1 cấp, không còn là siêu bão - Ảnh 3.

Người dân mua nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm trong ngày 6-9 để chuẩn bị đón bão - Ảnh: NGỌC AN

Thông tin từ Bộ Công Thương, báo cáo nhanh của sở công thương của một số địa phương vùng thiên tai cho biết để đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân, sở công thương các địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.

Các mặt hàng được dự trữ là các hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, mì ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…).

Các mặt hàng này được dự trữ trong kho hàng của doanh nghiệp và sẵn sàng cung cấp cho vùng thiên tai khi có nhu cầu, với lượng dự trữ nhu yếu phẩm ước đáp ứng 5-10 ngày sử dụng. Nếu hết hàng vẫn không đáp ứng nhu cầu, sẽ có phương án huy động các đơn vị tỉnh ngoài.

Lực lượng quản lý thị trường cũng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao trong những ngày mưa bão.

Huy động 457.469 người, 10.124 phương tiện ứng phó với bão

Thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố, thiên tai cho biết đến 17h30 ngày 6-9 Bộ đội biên phòng phối hợp với chính quyền, các đơn vị liên quan tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên tiếp tục tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 22 điểm theo quy định của Chính phủ.

Đồng thời đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu thuyền cùng 219.913 người biết diễn biến, hướng đi của bão số 3 để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 14.

Người dân Nam Định chằng buộc nhà cửa để tránh báo trong chiều 6-9 - Ảnh: NAM TRẦN

Đến 13h ngày 6-9, 100% các tàu, thuyền từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã được neo đậu tại bến và tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo lệnh cấm biển của các địa phương.

Đến 17h30 ngày 6-9, các quân khu, quân chủng, bộ tư lệnh, binh đoàn đã huy động 457.469 người gồm: 91.177 bộ đội, 318.943 dân quân tự vệ, 39.370 dự bị động viên và 10.124 phương tiện (403 xe đặc chủng, 4.773 ô tô, 4.942 tàu xuồng, 6 máy bay) ứng trực phòng chống bão số 3.

Hai kịch bản ứng phó với siêu bão Yagi của Hải Phòng

Báo cáo các kịch bản ứng phó với bão số 3 của TP Hải Phòng, ông Bùi Xuân Thắng, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự TP, cho biết thành phố đã triển khai và cơ bản hoàn thành công tác phòng chống bão số 3 theo kịch bản ban đầu.

Trên biển hiện đang kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú theo đúng công điện của Chủ tịch UBND TP, trước 20h tất cả các phương tiện sẽ được đưa vào vị trí an toàn.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 15.

Ông Bùi Xuân Thắng, đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hải Phòng, thông tin tại cuộc họp - Ảnh: DANH TRỌNG

Ông Thắng cho biết khi bão đổ bộ vào đất liền thành phố sẽ thực hiện phương châm người, phương tiện đang ở đâu thì ở nguyên tại chỗ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản.

Trên biển, lực lượng biên phòng sẽ phối hợp với cảnh sát biển vùng 1, Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân lập các đài quan sát canh chừng 24/24, tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão đúng quy định.

Trên bờ, lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự TP, Công an TP, các sở ban, ngành sẽ theo dõi nắm chắc diễn biến cơn bão thông qua hệ thống kênh thông tin chung tại 5 điểm Bộ Chỉ huy quân sự TP đã bố trí...

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 ở sân bay Hải Khẩu (Trung Quốc) đã ghi nhận gió mạnh cấp 12, giật cấp 15, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7 giật cấp 9.

Tất cả tàu thuyền ở Giao Thủy, Nam Định đã về nơi tránh trú

Chiều cùng ngày, ông Phạm Đình Nghị - chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại huyện Giao Thủy.

Kiểm tra thực tế tại tuyến đê kè biển Quất Lâm và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá cửa Hà Lạn, ông Nghị yêu cầu huyện Giao Thủy tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động ứng phó bão số 3 trên địa bàn.

Tổ chức theo dõi chặt diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo ứng phó kịp thời, phù hợp tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 16.

Người dân Giao Thủy đưa tàu thuyền lên vị trí cao để tránh báo trong chiều 6-9 - Ảnh: NAM TRẦN

Đến thời điểm hiện tại, 734/734 tàu với hơn 2.600 lao động của huyện Giao Thủy đã vào nơi tránh trú an toàn. Để giảm thiểu thiệt hại, huyện Giao Thủy đã hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản tranh thủ thu hoạch trước tôm cá đã đủ kích cỡ thương phẩm.

Huyện đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp UBND các xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra công trình đê điều, các vị trí trọng điểm, công trình xung yếu trước, trong và sau bão.

Không nên chủ quan với ‘trời yên biển lặng’

Bão số 3 giảm hai cấp, không còn là siêu bão nhưng vẫn rất mạnh - Ảnh 13.

Người dân Giao Thủy chằng buộc nhà cửa để tránh bão - Ảnh: NAM TRẦN

Chiều tối 6-9, mưa đã bắt đầu xuất hiện ở làng chài ven biển thôn Hải Tiền (xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, Nam Định). Làng chài nằm ngay cạnh đê bao biển nên người dân thôn Hải Tiền chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá, nuôi ngao trên biển.

Ông Đặng Văn Lý (64 tuổi, thôn Hải Tiền, xã Giao Hải) cho biết công việc phòng, chống bão đã diễn ra từ nhiều ngày qua. Tuy nhiên đến chiều nay người dân vẫn đang gấp rút những công việc cuối cùng như chằng chống nhà cửa, neo đậu thuyền vào trong đê tránh trú bão.

“Kinh nghiệm của các cụ trước khi bão về trời thường sẽ có nắng, thời tiết oi. Như chiều nay, “trời yên biển lặng". Tuy nhiên đừng nên chủ quan. Phải đề phòng trước không để xảy ra bị động khi bão vào mình không xoay xở kịp”, ông Lý nói.

Theo ông Lý, tại khu vực huyện Giao Thủy từng “đón” nhiều trận bão lớn, trong đó có những trận bão làm vỡ đê bao chắn biển.

“Dù đã chuẩn bị kỹ cho công tác phòng chống bão lần này nhưng chúng tôi rất lo vì bão lớn. Hơn nữa làng chài nằm sát ven biển, mong bão qua sớm, thiệt hại thấp nhất có thể”, ông Lý bày tỏ.

Quảng Ninh: hướng dẫn người dân dự trữ nhu yếu phẩm, cưỡng chế di dời nếu cần thiết

Chiều tối 6-9, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có công văn hỏa tốc yêu cầu rà soát, di dời triệt để người dân ở các vùng thấp có nguy cơ ngập úng cao, các khu nuôi trồng thủy, hải sản về nơi an toàn. Tuyệt đối không để lại người dân trên các lồng bè, chòi canh… khi bão đổ bộ.

Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế. Học sinh, sinh viên nghỉ học ngày 7-9.

Tâm bão số 3 (bão Yagi) đang cách Hải Phòng - Quảng Ninh 160km - Ảnh 22.

Lực lượng chức năng tuyên truyền, người dân ở Vân Đồn (Quảng Ninh) di chuyển về bờ tránh trú bão số 3 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tỉnh cũng đồng thời chỉ đạo hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh phù hợp. Các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị đảm bảo an toàn mới được hoạt động.

Công ty điện lực Quảng Ninh triển khai công tác đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện, thông tin cho người dân chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống cắt điện để đảm bảo an toàn.

Hải Phòng đã sơ tán hơn 9.200 người dân đến nơi an toàn

Cuối ngày 6-9, UBND TP Hải Phòng và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP họp trực tuyến về công tác phòng chống bão Yagi.

Trước đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo TP đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện đảo Cát Hải.

Tính đến 16h30 chiều, TP Hải Phòng đã sơ tán hơn 3.000 hộ/hơn 9.200 người dân đến nơi an toàn. Tại huyện Cát Hải đến 10h sáng cùng ngày còn 180 khách lưu trú tại Cát Bà. Tại quận Đồ Sơn còn 106 khách lưu trú.

Phát biểu tại buổi họp, chủ tịch phường Vạn Mỹ (quận Ngô Quyền) cho biết trên địa bàn có 10 căn chung cư thuộc diện nguy hiểm cấp độ C và D. Sau khi khảo sát, phường đã bố trí 6 địa điểm tạm lánh cho người dân.

"Hiện khoảng 40-50 hộ dân đã di dời ra địa điểm tạm lánh. Chúng tôi sẽ cố gắng vận động di dời, đảm bảo đến 20h toàn bộ người dân sẽ di dời, không ai ở lại chung cư thuộc diện nguy hiểm nữa", chủ tịch phường Vạn Mỹ nói và cho biết có tổng số 1.174 hộ phải di chuyển.

Người dân tăng mua đồ thực phẩm, siêu thị "tiếp hàng" liên tục

Bão số 3 giảm 1 cấp - Ảnh 8.

Người dân tăng mua đồ thực phẩm để đề phòng bão và mưa lớn kéo dài - Ảnh: NGỌC AN

Đến 19h, Hà Nội có mưa trở lại ở một số khu vực. Một số tuyến phố thông thoáng hơn nhưng ở nhiều tuyến phố trung tâm vẫn còn tình trạng tắc đường.

Trước đó, tranh thủ trời tạnh mưa, người dân đã đến siêu thị mua đồ, chủ yếu thực phẩm để sẵn sàng ứng phó khi bão và mưa lớn kéo dài.

Tại các siêu thị và chợ truyền thống, dù người dân đi mua sắm với số lượng đông hơn và nhiều hơn thông thường 2-3 lần, nhưng hàng hóa được "tiếp" liên tục, đảm bảo cung ứng cho người dân.

Trao đổi Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Kim Dung - giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho hay cách đây 2 ngày, tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết, hệ thống Co.opmart đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường.

Đáng chú ý, sức mua trong ngày 6-9 cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Vì vậy, siêu thị đã bố trí nhân sự, linh hoạt ca làm việc điều phối cho việc phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và các khách hàng đặt qua điện thoại, website...

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 18.

Ảnh mây vệ tinh siêu bão Yagi lúc 15h chiều 6-9 - Ảnh: NCHMF

Chiều cùng ngày, siêu bão Yagi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 15h chiều 6-9, tâm siêu bão Yagi ở khu vực phía bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 435km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.

Trong khoảng đêm nay đến rạng sáng mai, bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ và trong ngày mai sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, trọng tâm là các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh - Nam Định.

Hà Nội mưa lớn

Từ khoảng 14h45, Hà Nội bắt đầu xuất hiện dông mạnh. Hơn 15h, mưa gió bao phủ toàn bộ các quận nội thành. Trời tối sầm trong mưa gió.

Tại khu vực cầu Vĩnh Tuy (đầu Long Biên), lượng xe cộ tăng cao và bắt đầu xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 19.

Mưa bắt đầu lớn

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 20.

Trời Hà Nội mù mịt

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 21.

Xe cộ đi lại khó khăn

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 22.

Mưa gió bao phủ toàn bộ các quận nội thành

Lúc 15h, trần mây thấp và dày khiến bầu trời Hà Nội tối sầm.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, quan trắc từ ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mưa dông ở Hà Nội xuất phát từ mây đối lưu hình thành trên khu vực tỉnh Bắc Ninh vào trưa 6-9.

Ổ mây này có di chuyển về phía tây nam và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội gây mưa rào và dông tại các quận Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm, sau đó mở rộng sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cây xanh gãy đổ la liệt, 1 người chết

Trên phố Hàng Cá (quận Hoàn Kiếm), một cây cổ thụ đổ chắn ngang đường. Chỉ huy Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Hoàn Kiếm cho hay sự cố làm 1 người bị thương nhẹ do cây đổ trúng. Hiện lực lượng chức năng đang giải tỏa hiện trường để sớm cho xe cộ đi lại qua khu vực.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 23.

Cây xanh ngã đổ trên đường Hà Nội

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 24.

Cây xanh ngã đổ trên đường Hà Nội

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận cây đổ trong cơn dông chiều 6-9 đè trúng 2 người đi xe máy trên đường Nguyễn Hữu Thọ.

"Hai nạn nhân bất tỉnh, chúng tôi đang kiểm tra về tình trạng sức khỏe của họ", vị này nói và cho biết sẽ thông tin cụ thể sau khi có kết luận của cơ quan y tế và công an.

16h45 chiều cùng ngày, cơ quan chức năng xác định sự cố làm 1 người chết và 1 người bị thương. Hiện cảnh sát đã hoàn tất khám nghiệm hiện trường và nạn nhân bị thương đã được đưa đi cấp cứu.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 25.

Cây xanh ngã đè người đi đường bất tỉnh - Ảnh: VĂN LONG

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 26.

Hiện trường cây xanh ngã đè người đi đường làm 1 người chết - Ảnh: Nguyễn Định

Giao thông hỗn loạn sau mưa lớn

Sau trận mưa dông chiều 6-9, giao thông tại nhiều tuyến đường Hà Nội hỗn loạn, ùn tắc.

Ghi nhận tại tuyến đường Trung Kính, Phạm Văn Bạch, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) người dân nhích từng chút trên đường.

Di chuyển đoạn đường 2,7 km từ phố Yên Hòa (Cầu Giấy) để tới Đại học Quốc gia Hà Nội (Xuân Thủy, Cầu Giấy), em Nguyễn Thị Anh Thơ (19 tuổi, sinh viên) cho biết phải mất hơn 30 phút mới tới được trường vì tắc đường.

"Ùn tắc quá khủng khiếp, tắc từ khi bước ra khỏi nhà cho tới trường học" - Anh Thơ nói.

Nút giao đường Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng cũng xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn, ùn tắc nghiêm trọng trong chiều cùng ngày.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 27.

Nút giao Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng ùn tắc, hỗn loạn trong chiều 6-9 sau cơn dông lớn - Ảnh: QUANG VIỄN

Tại các cây cầu qua sông Hồng cũng xảy ra ùn tắc kéo dài. Cầu Chương Dương ùn ứ hàng km theo hướng vào quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó tại cầu Vĩnh Tuy, xe cộ xếp hàng dài chờ qua nút giao Cổ Linh ở cả 2 chiều.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 28.

Tại các cây cầu qua sông Hồng cũng xảy ra ùn tắc kéo dài - Ảnh: Camera giao thông

Từ hơn 16h, khắp các đường phố tắc nghẽn. Nhiều người dân chuyển sang lựa chọn đi tàu điện, xếp hàng dài tại những máy bán vé tự động để mua vé. Vào đúng giờ tan tầm nên người dân đi tàu rất đông và gần như không còn chỗ trống để tránh tắc đường và rủi ro khi cơn mưa có dấu hiệu sắp trở lại.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 29.

Dòng người chen chân trên ở Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Ảnh: NGỌC AN

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 30.

Giao thông hỗn loạn ở Ngã Tư Sở - Ảnh: NGỌC AN

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 31.

Người dân chờ mua vé lượt tàu điện Cát Linh - Hà Đông để tránh tắc đường - Ảnh: NGỌC AN

Lúc 17h30, giao thông Hà Nội hỗn loạn. Các tuyến đường hướng tâm như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang… ùn tắc 5-7km. Điểm chung của các con đường này là cùng kết nối vào vành đai 3, trong khi đó lưu lượng trên tuyến này vốn đã rất đông, việc tiếp nhận thêm luồng xe hướng vào là quá tải.

Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) cho biết đã bố trí lực lượng tăng cường cho nút giao đại lộ Thăng Long – vành đai 3 từ 15h cùng ngày. Tuy nhiên do lượng xe tăng đột biến trong khi hạ tầng không thể đáp ứng nổi khiến dòng xe cộ khó có lối thoát nào khác.

Bạch Long Vĩ đã có gió cấp 12, giật cấp 14, bão cách đất liền 160km - Ảnh 32.

Các tuyến đường hướng tâm như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang… ùn tắc 5-7km - Ảnh: D.A.

Ba tác động chính của bão số 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 18h chiều 6-9, tâm siêu bão Yagi đang ở trên đất liền phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 370km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.

Hiện bão đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15-20km/h.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết khoảng 22h đêm nay, bão số 3 đi vào vịnh Bắc Bộ và trong ngày 7-9 sẽ đi vào đất liền Bắc Bộ, trọng tâm ảnh hưởng là các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định.

Theo ông Khiêm, với những dự báo đến thời điểm hiện tại, siêu bão Yagi có 3 tác động chính cần lưu ý.

Thứ nhất là về gió mạnh, bão số 3 có thể gây ra gió mạnh cấp 16, giật cấp 17 trên khu vực Bắc Biển Đông; cấp 13-14, giật cấp 17 ở Bắc Vịnh Bắc Bộ; cấp 11-12, giật cấp 14 ở vùng biển ven bờ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Thứ hai là về sóng lớn, nước dâng do bão: Trên Biển Đông sóng biển có thể cao từ 10-12m, vùng biển ven bờ Quảng Ninh - Thanh Hóa từ 2-5m.

Thứ ba là về mưa lớn, bão số 3 có thể gây ta một đợt mưa lớn ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó trọng tâm là khu vực Bắc Bộ và Thành Hóa với lượng mưa phổ biển từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.

Gió bão mạnh cấp 8 trở lên sẽ dừng chạy 2 tuyến tàu điện ở Hà Nội

Trước dự báo về cơn bão số 3 có thể ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 6-9, ông Vũ Hồng Trường (tổng giám đốc Hanoi Metro) cho biết ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của đơn vị đã chuẩn bị phương án khi bão đổ bộ.

Hanoi Metro hiện vận hành 2 tuyến tàu điện bao gồm Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Cầu Giấy. Dựa vào tình hình thực tế, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của đơn vị này sẽ kích hoạt các phương án ứng phó đối theo kịch bản.

"Chúng tôi sẽ ứng trực và theo dõi sát diễn biến bão, chỉ cần gió vượt cấp 8 sẽ cho dừng chạy tàu ngay đối với cả 2 tuyến. Khi điều kiện trở lại dưới mức này, tàu sẽ tiếp tục chạy", ông Trường nói.

Còn đối với tình huống mưa lũ gây ngập lụt, ông Trường cho hay sẽ có các kịch bản để sơ tán hành khách, thông báo các ga bị nước ngập (nếu có).

Đồng thời trong tình hình mưa dông, tốc độ của tàu cũng được điều chỉnh cho phù hợp.

Hiện khu depot của 2 tuyến tàu điện đã được nhân viên cắt tỉa cây cối đảm bảo an toàn khi bão vào. Còn tại trung tâm điều hành, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão sẽ theo dõi sát các bản tin của cơ quan khí tượng để đánh giá tình hình.

Kéo dài thời gian tạm dừng khai thác sân bay Nội Bài

Qua theo dõi diễn biến của cơn bão số 3, chiều 6-9, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian tạm ngừng khai thác máy bay tại sân bay Nội Bài thêm 2 giờ, cụ thể từ 10h đến 21h ngày 7-9 thay vì từ 10h đến 19h ngày 7-9 như quyết định trước đó.

Dự báo sau bão, tại sân bay Nội Bài sẽ có mưa lớn, mật độ khai thác máy bay sẽ đông. Do vậy, Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không chỉ đạo các tổ bay bổ sung thêm nhiên liệu dự trữ đối với các chuyến bay trong khung giờ từ 21h ngày 7 đến 2h ngày 8-9 để phòng trường hợp phải bay chờ, chuyển hướng đến sân bay dự bị.

Với các sân bay Cát Bi, Vân Đồn, Thọ Xuân, Cục Hàng không vẫn giữ nguyên giờ tạm dừng khai thác để tránh bão số 3.

Hà Nội tạm hoãn lễ kỷ niệm 100 thành lập thị xã Sơn Tây để phòng chống bão

Chiều 6-9, Văn phòng Thành ủy Hà Nội đã ký, ban hành kết luận cuộc họp của Ban Thường vụ Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo kết luận, để ứng phó với những diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi, Thành ủy Hà Nội yêu cầu Thị ủy Sơn Tây chỉ đạo tạm hoãn tổ chức chương trình Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã, 70 năm Ngày giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng "Sơn Tây".

Trước đó, lễ kỷ niệm trên dự kiến sẽ được tổ chức vào 20h tối 6-9 tại phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội).

Hải Phòng đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy, vui chơi giải trí

Ngày 6-9, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng đã phát đi thông báo về việc đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, cáp treo, vui chơi giải trí trên các khu vực biển đảo, ven sông phòng chống bão Yagi.

Ban Chi huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng yêu cầu đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyển cáp treo Cát Hải - Phù Long, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo từ 11h ngày 6-9.

Bên cạnh đó, tiếp tục khẩn trương thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú tránh an toàn, kiên quyết ngăn chặn, không để các tàu thuyền hoạt động trong thời gian có gió mạnh, sóng lớn.

Ghi nhận tại khu vực ven biển Đồ Sơn (Hải Phòng), người dân đã dùng tre, dây thép, bao tải cát... để chằng chống nhà cửa. Lúc 15H50, trước khi bão đổ bộ, tại khu vực biển Đồ Sơn "sóng yên, biển lặng", trời nắng nhẹ.

Khuyến cáo người dân Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội hạn chế ra đường khi bão đổ bộ

Thông tin với báo chí tại buổi kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Quảng Ninh chiều 6-9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh đến thời điểm này có thể khẳng định rất nhiều năm rồi mới có một cơn bão mạnh đổ bộ vào miền Bắc.

"Với siêu bão Yagi thì chúng tôi đề nghị các địa phương không được chủ quan. Quan sát đến thời điểm này chúng tôi có cảm giác là tinh thần chuẩn bị, chằng chống nhà cửa, đảm bảo tài sản cho chính mình chưa được tốt lắm. Do đó, chúng tôi đề nghị từ giờ cho đến trước 21h tối nay, các địa phương tiếp tục chỉ đạo người dân cố gắng làm sao mỗi gia đình chằng chống nhà cửa, kê cao tài sản.

Đối với tuyến biển thì các địa phương hiện nay đã cấm biển. Còn trên đất liền, dự báo từ đêm nay bão bắt đầu ảnh hưởng nên chúng tôi khuyến cáo từ đêm nay người dân ở Hải Phòng, Quảng Ninh và ngày mai người dân Hà Nội không nên ra ngoài đường" - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng thì có rất nhiều tàu thuyền ở các tỉnh khác vào neo đậu, đối với các cảng, khu neo đậu tàu thuyền thì chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương cùng các cảng hướng dẫn các tàu thuyền vào neo đậu tránh trú làm sao để đảm bảo an toàn.

"Thứ hai, khu vực này cũng có gần 20.000 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản do đó cần có biện pháp làm sao để đảm bảo an toàn và đưa toàn bộ người dân lên bờ trước 21h tối nay" - ông Hiệp nói.

Siêu bão Yagi đổ bộ đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Bạch Long Vĩ gió giật cấp 8 - Ảnh 3.Nơi siêu bão Yagi dự kiến đổ bộ: Dùng cần cẩu kéo ca nô lên bờ, gia cố lại nhà cửa phòng chống bão

Sáng 6-9, người dân Quảng Ninh tiếp tục chằng chéo nhà cửa, đặt bao cát lên mái nhà để chống tốc mái, thuyền bè, ca nô cỡ nhỏ được cẩu lên bờ.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên