Tuy ước mơ trở thành "một nhà quay phim lừng lẫy" của tôi chưa thành hiện thực, nhưng tại thời điểm này tôi cũng đã sống được bằng nghề, kiếm cơm được bằng nghề dù phải đi thêm một lối nhỏ khác và cất tấm bằng cử nhân vào ngăn tủ ấm áp cho kỳ ngủ đông dài dài
NGUYỄN VĂN CÔNG
Tốt nghiệp loại khá tại một trường đại học được cho là "cây đa cây đề", ai cũng nghĩ tôi sẽ trở thành nhà báo, nhà quay phim tài ba sau khi ra trường. Nhưng mọi chuyện lại treo ngược cành cây.
Khoảnh khắc chọn nghề
Nhà tôi ở sát một trường cao đẳng dạy về ngành quay phim. Ngay từ những năm học phổ thông, tôi thường quan sát các anh chị sinh viên đi làm bài tập thực tế, đặc biệt là quay về con mương ô nhiễm ngay trước mặt nhà tôi.
Tôi thấy một nhóm các anh chị cùng làm, nữ thì làm biên tập, nam quay phim. Mà các anh quay phim nhìn rất có vẻ "nghệ sĩ", ai nấy đều tỏ dáng chuyên nghiệp với chiếc máy quay cồng kềnh.
Nhìn những thước phim mà anh chị quay lên thành hình khác hẳn với thực tế. Sự ô nhiễm, ý thức kém của người dân khi vứt rác bừa bãi không được lột tả rõ ràng, cận cảnh. Bù lại, những hình ảnh đẹp về quê hương, đồng lúa, hoa màu lại được nâng lên một tông màu rõ ràng trông rực rỡ khác lạ.
Có lần một anh quay phim nói với tôi đây là cái nghề của con mắt tinh đời, phải biết nhìn cái gì đẹp mà đẩy lên, cái gì xấu thì giảm đi; là nghề nhìn đời bằng một con mắt nhưng là con mắt chỉn chu, ngắm vuốt, làm đẹp, chứ không phải mắt tầm thường.
Thế là suốt mấy năm học phổ thông, tôi ao ước sau này sẽ đi học ngành quay phim vì bản thân tôi cũng thích mò mẫm cái đẹp. Ở trường cao đẳng gần nhà tôi có cả hệ trung cấp lẫn cao đẳng quay phim, nhưng sau đó tôi tìm hiểu được thêm còn có trường đại học đào tạo quay phim. Vậy là tôi nuôi chí thi vào đó, nếu rớt sẽ trở về trường gần nhà để học.
Lúc đó, tôi quan niệm rằng các anh cao đẳng, trung cấp quay phim học ở đây xin việc khá dễ, tay nghề cũng cao, mình mà học đại học chắc chắn tay nghề sẽ cao hơn nữa và dễ dàng tìm được công việc tốt có mức lương "khủng" sau khi tốt nghiệp. Và tôi hạ quyết tâm tối đa thi đại học duy nhất vào ngành quay phim, trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ đến thần tượng là nhà quay phim L.T.D..
Mọi chuyện cũng thật suôn sẻ khi tôi thi đậu vào hệ đại học quay phim, và bắt đầu hành trình bốn năm đi xây dựng ước mơ của mình.
Tưởng chừng quá trình học đúng như những gì tưởng tượng, nhưng lại hoàn toàn khác. Hai năm đầu tiên, chủ yếu lớp tôi chỉ học các môn đại cương. Đó là một hệ thống dày đặc các môn không mấy liên quan đến ngành học, thậm chí lúc đầu tôi còn tưởng mình ngồi nhầm lớp.
Bước sang năm thứ ba, cái khí thế hừng hực theo đuổi ước mơ của tôi giảm rõ rệt sau hai năm học không hề liên quan. Tôi gần như chỉ học cho qua môn, cố kiếm tấm bằng. Nói vậy cũng không quá, vì năm thứ ba chúng tôi lại học thêm một chuỗi các môn "cơ sở ngành" - đó là lý thuyết báo chí, chứ không phải là quay phim, lác đác một vài môn nghe "giông giống".
Và đến tận năm cuối, chúng tôi mới được sờ vào máy quay và đi quay thực tế. Nhưng tôi vẫn đinh ninh trong đầu rằng chẳng lẽ trường cấp cho mình cái bằng đại học to như thế mà không có trách nhiệm đào tạo mình thuần thục sao? Còn uy tín nhà trường nữa chứ, thôi cứ kệ đi, đại học quay phim cơ mà... Lúc đó, tôi vẫn mơ hồ về khái niệm dạy nghề, học nghề với học hàn lâm.
Vật lộn với nghề
Tôi ra trường. May sao tôi vẫn được tấm bằng loại khá và bắt đầu vào cuộc chơi cơm áo gạo tiền sòng phẳng với xã hội. Tôi cảm thấy vô cùng tự ti về khả năng quay phim của mình vì khối lượng được thực hành quá ít, cầm máy quay mà không thể thành thạo cân bằng trắng, quay thì hay out nét. Những gì thầy giáo truyền đạt trên lớp chỉ mang tính lý thuyết hoặc đơn giản là kể chuyện nghề, hết giờ thì về và phần lớn đều là giảng viên thỉnh giảng, "buổi đực buổi cái".
Ngày tôi cầm tấm bằng đại học lấp lánh trên tay, khoác áo cử nhân, gia đình bạn bè tặng hoa, chụp ảnh tung hô. Nhưng chưa ai biết rằng tôi chẳng biết gì sâu trong đầu cả, kỹ năng với hai bàn tay non kém, kinh nghiệm nghề nghiệp không có... Thật sự, tôi chỉ có mảnh giấy đỏ cầm tay mà nhiều đứa trẻ khác ao ước.
Lăn lộn mãi, tôi mới xin vào được một công ty truyền thông làm quay phim, nhưng chỉ sau 2 tháng thử việc tôi bị cho nghỉ vì chuyên môn kém. Tôi rất thất vọng, thất vọng vì chẳng nhẽ ước mơ của mình lại dừng tại đây.
Tôi tiếp tục đi xin việc vào làm mảng video tại một tòa soạn báo, nhưng cũng không trụ được lâu vì kỹ thuật xử lý video rất kém, dù ngày đi học cũng được học môn dựng phim và kỹ thuật quay nhưng không khác gì "cưỡi ngựa xem hoa".
Họ bảo tôi: "Học đại học mà không giỏi bằng các bạn cao đẳng, trung cấp". Kỳ vọng quá nhiều vào nhà trường làm tôi chới với... Bản thân mơ hồ với công việc, ỷ lại trường lớp làm tôi đã hao phí khá nhiều... thanh xuân thất nghiệp!
Tôi gần như tuyệt vọng vì không biết phải làm gì để mưu sinh, chứ chưa nói gì đến xây dựng ước mơ. Đang lúc tuyệt vọng nhất, tôi đi ngang qua một tiệm ảnh cưới trên đường Cầu Giấy. Thấy họ dán tờ giấy "tuyển quay phim, không cần bằng cấp, chưa biết làm sẽ dạy việc", vậy là tôi quyết định... giấu tấm bằng đại học quay phim của mình đi và xin vào đây học việc lại từ đầu.
Lối nhỏ tương lai
Đó là khoảnh khắc mà hi vọng trong tôi trỗi dậy mạnh nhất. Tôi nhận ra mình phải cố gắng, chủ động và bám sát thực tế. Oai phong ngày nào vào tấm bằng đại học đâu còn nữa, xấu hổ, tủi hờn và chịu vùi dập từ lâu. Miếng cơm, manh áo và nhận ra đúng sự thật bản thân giúp tôi có động lực làm lại từ đầu.
Hầu hết các anh chị tại tiệm áo cưới đó đều không qua đào tạo chính quy, chủ yếu từ quá trình tự học và dạy nhau mà thành nghề. Mục đích của họ không phải trở thành ông nọ bà kia, mà chỉ đơn giản là kiếm tiền chân chính. Công việc quay phim không chỉ là một ngành học hàn lâm, sách vở, mà cần làm thực tế rất nhiều, kỹ năng, kỹ thuật phải thông thạo.
Nhiều lần đi chụp ảnh cưới cùng các anh chị, tôi đã học hỏi được rất nhiều thực tiễn quý giá, từ lấy khuôn hình, đánh sáng, điều chỉnh thông số kỹ thuật và xử lý hậu kỳ. Nhiều hôm đi làm mấy ngày liền đến tối mịt về mà nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của các cặp vợ chồng trẻ làm tôi vui sướng vô cùng và quên đi mệt mỏi.
Các anh quay phim luôn khuyến khích tôi tự cầm máy quay và đi quay những gì mình thích, về tự dựng hình, khó đâu các anh sẽ cầm tay chỉ việc đến đó, dần dần sẽ quen.
Điều đó làm tôi càng nhận ra rằng nước ta đang gặp vấn đề trong đào tạo đại học khi đào tạo tràn lan, mở quá nhiều ngành chưa sát với nhu cầu xã hội; cách đào tạo vẫn theo lối cũ đó là phải "ăn" thật nhiều lý thuyết, còn khi thực hành vận dụng được hay không lại là chuyện khác. Nên tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhiều như vậy là điều không có gì khó hiểu.
Sau hơn hai năm vừa học vừa làm tại tiệm ảnh cưới đó, tay nghề tôi đã khá thành thạo. Tôi có thể tự đi chụp ảnh, quay phim đám cưới một mình, chau chuốt khuôn hình làm sao đẹp mắt mình và vừa lòng khách hàng.
Sau này, có thể tôi cũng sẽ mở một ảnh viện, đó là thành công lắm rồi. Cảm ơn quãng thời gian ở ảnh viện giúp tôi nhận ra bản thân mình và con đường mình đi...
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận