Học viên cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở LĐ - TB&XH Đà Nẵng) trình bày nguyện vọng sau khi hoàn tất chương trình điều trị- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nghe nguyện vọng, tính việc làm
"Người ta nói "đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày". Riêng tui thấy chưa đúng lắm! Nếu chịu khó lắng nghe chân thành và coi như con cháu mình thì sẽ thấy được khát vọng thoát khỏi "nàng tiên nâu" của tụi nhỏ. Tui đã chứng kiến nhiều cuộc lột xác không ngờ tới"- bà Trần Ngọc Yến, chủ một doanh nghiệp chiêm nghiệm như thế khi nhận lời mời nói chuyện với học viên.
Những buổi nói chuyện kéo người còn đang giằng co với ma túy để níu họ về bến thiện được bắt đầu từ chính những cuộc đời lầm lỡ.
Hôm ấy là phần tự bạch của học viên với cái tên rất Hồng Kông: Lý Tiểu Long. Long có "thâm niên" 3 lần vào đây. Học hết phổ thông, Long "dính" ma túy. Dù đã có vợ, có con nhưng vì ham chơi đàn đúm nên cứ mỗi bận thoát nghiện lại tái nghiện.
"Cháu dính tới ma túy khi bị vợ li dị, con thì gởi cho nhà ngoại nuôi. Cháu cũng quyết tâm lắm rồi nhưng vì sau cai ai cũng nhìn bằng mác "thằng nghiện" nên xin việc khó quá. Thất nghiệp, không tiền nên bạn bè rủ rê khiến cháu sa ngã" - Long nói. Gần 600 học viên tham gia buổi nói chuyện hôm đó dường như cũng tìm thấy mình trong hoàn cảnh của Long.
Nhưng đặc biệt hơn cả Long là trường hợp của học viên Mai Xuân Quang, người thuộc giới tính thứ 3. Quang phát biểu bằng chất giọng the thé, không trốn tránh con người thật của mình. Cũng 3 lần vào ra nơi này, Quang thở than "tìm việc con gái cũng khó mà đụng việc con trai cũng không xong". Những lần sau cai không việc, bị gia đình xa lánh Quang lại trượt dài rồi lại vào đây.
Chú ý chống tái nghiện
Cơ sở xã hội Bầu Bàng đóng trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đang là nơi giúp các học viên trong và ngoài địa phương điều trị cai nghiện ma túy. Trong những năm qua, bên cạnh việc xây dựng các hoạt động lao động trị liệu cho học viên cơ sở này đẩy mạnh các hoạt động điều chỉnh thay đổi hành vi, có kiến thức kỹ năng đấu tranh phòng chống tái nghiện.
Ngồi phía trên, những chủ doanh nghiệp chăm chú nghe rồi ghi chép tên họ cụ thể và mong muốn công việc của từng trường hợp.
Đáp lại lời gởi gắm của những học viên trên, ông Trần Nhật Ninh, chủ một ga-ra ô tô ở quận Liên Chiểu chia sẻ: "Chú từng nhận những học viên ở miền Nam đến chỗ làm của chú để thoát khỏi sự rủ rê của bạn bè nên chú hiểu khó khăn sau khi về lại cộng đồng.
Chú đang vận động anh em xây dựng một môi trường làm việc mà các cháu được sống như gia đình, coi chú như người cha sẽ giúp các cháu tránh được bạn xấu".
Những buổi tiếp xúc giữa các chủ cơ sở việc làm với học viên điều trị cai nghiện thường xuyên được tổ chức để kết nối giúp người sau cai - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Để chuẩn bị cho buổi tiếp xúc này, những người được mời đến nói chuyện cũng đã hình thành một mạng lưới bạn bè để "chừa chỗ" cho các học viên sắp kết thúc khóa chữa trị. Ở ga-ra ô tô của ông Ninh cũng không hiếm những trường hợp học viện sau cai sau khi được ông "kèm cặp" đang trở thành nhân viên chính thức của cơ sở.
Ông Ninh nói chưa dám nghĩ tới mục tiêu trang bị nghề cho các học viên mà nghĩ tới mục tiêu sâu xa là giảm nguy cơ tái nghiện khi nhận "bảo lãnh" cho những học viên có quyết tâm.
Giảm nguy cơ tái nghiện
"Nghe học viên nói để giải tỏa áp lực hòa nhập, để họ thấy cơ hội rồi quyết tâm cai nghiện rồi trở về với đời sống thường nhật. Nhiều khi chỉ đơn giản là ngồi nghe vậy thôi nhưng lại thắp lên ánh sáng cuối đường hầm để họ tự tin sửa chữa sai lầm" - bà Trần Ngọc Yến thật lòng.
Như chính trường hợp người cháu của bà Yến. Bà hiểu đó là khoảng thời gian mà từng người không dễ đối mặt nếu thiếu sự động viên, trao cơ hội của cộng đồng. Vì thế trong cuộc trò chuyện này bà Yến đến tiếp cận với người nghiện, như lời cam kết giúp đỡ nếu người nghiện quyết tâm trở lại cuộc sống thường nhật.
"Chưa tính đến những chi phí xã hội khác, trung bình giảm được 20 triệu một khóa cai nghiện mỗi học viên đã là lợi ích có thể nhìn thấy được nếu họ thoát được ma túy. Một người lành mạnh trở về với cộng đồng là một niềm hi vọng, mong mỏi của những người làm nghề như chúng tôi".
Ông Phạm Tấn Dũng - giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người nghiện có xu hướng gia tăng ở TP Đà Nẵng. Buổi tiếp xúc với nhóm doanh nhân quận Liên Chiểu là một trong rất nhiều chương trình hỗ trợ người cai nghiện tại cơ sở xã hội Bầu Bàng hướng đến việc giảm nguy cơ tái nghiện sau cai.
Theo ông Phan Công Hải, phó giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng, song song với quá trình điều trị, mỗi học viên tại đây đều được chọn học sơ cấp các nghề như: điện dân dụng, sửa xe máy, chăm sóc cây cảnh...để mưu sinh khi tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên hằng năm, tỷ lệ "quay lại" cơ sở khá cao lên tới 40%.
Ông Hải nhìn nhận bên cạnh nguyên nhân đến từ sự thiếu quyết tâm và nỗ lực tự thân của mỗi người còn có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến nguy cơ tái nghiện cho học viên.
"Tâm lý chung của các học viên sau cai là tự ti, mặc cảm khi giao tiếp với cộng đồng. Do vậy chúng tôi cố gắng "kéo" cộng đồng tới đây để học viên được hiểu, được cảm thông cũng như được tạo điều kiện có công ăn việc làm sau khi hoàn tất chương trình điều trị"- ông Hải nói.
Học viên cơ sở xã hội Bầu Bàng (Sở LĐ- TB&XH Đà Nẵng) được học nghề Hỏa long cứu - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Những năm qua, tại cơ sở này cũng áp dụng nhiều đề đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố về điều trị nghiện ma túy. Cụ thể như việc điều trị bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y - lương dược cho học viên để "người nghiện chữa nghiện cho nhau".
Ông Phạm Tấn Dũng, giám đốc cơ sở xã hội Bầu Bàng, cho rằng: bên cạnh việc chữa trị bằng thuốc và các phương pháp cai nghiện thì những buổi trò chuyện hướng nghiệp cũng là phép chữa tâm lý cho học viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận