25/11/2020 07:00 GMT+7

Tài xế xe công nghệ 'run' vì thuế sắp tăng

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Thay vì nộp thuế khoán theo mức khoán 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, từ ngày 5-12 tới, theo nghị định 126, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.

Tài xế xe công nghệ run vì thuế sắp tăng - Ảnh 1.

Từ 5-12, thuế GTGT với xe công nghệ sẽ tăng lên mức 10% trên doanh thu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phía Grab cho rằng mức tính thuế như vậy giữa lúc người lao động đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến những tài xế xe 2 bánh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên cơ quan thuế cho rằng việc điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng.

Cách tính thuế mới, Grab lên tiếng

Theo điều 7 nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5-12, tất cả đối tác tài xế công nghệ được xem là cá nhân hợp tác với tổ chức kinh doanh và phải chịu mức thuế GTGT 10% phát sinh trên tất cả các cuốc xe, thay vì mức 3% như hiện nay.

Tại buổi đối thoại về thủ tục thuế và hải quan tổ chức hôm 24-11 ở Hà Nội, bà Đặng Thùy Trang, giám đốc đối ngoại của Grab, hỏi: "Các công ty kết nối vận tải như Grab, Bee, Gojek hoặc các hợp tác xã là đối tác vận tải của các công ty này sẽ phải kê khai doanh thu vận tải của tài xế xe công nghệ, thu hộ và nộp thuế GTGT ở mức 10%, tức là tăng 7% so với hiện tại. Chúng tôi kính đề nghị Tổng cục Thuế khẳng định cách hiểu như vậy của doanh nghiệp có đúng không?".

Về vấn đề thuế thu nhập cá nhân, giám đốc đối ngoại của Grab cũng đề nghị Tổng cục Thuế làm rõ việc mức thuế thu nhập cá nhân của tài xế xe công nghệ sẽ áp dụng như hiện nay là 1,5% doanh thu trên 100 triệu đồng/năm hay thực hiện quy định nào?

Trước khi nêu ra vấn đề này ở hội nghị đối thoại, phía Grab VN từng gửi văn bản đến Văn phòng Chính phủ để góp ý khi quy định này còn ở dạng dự thảo cũng như nêu lên những khó khăn mà tài xế sẽ phải chịu.

Không chỉ Grab, đại diện một hãng xe công nghệ cũng kêu về quy định này. Về phía các tài xế cũng lo lắng trước quy định mới. Anh Tuấn (Q.Tân Phú, TP.HCM), tài xế xe công nghệ, cho biết từ sau đợt dịch COVID-19, doanh thu chạy xe của anh giảm hẳn. Nghe chuyện tới đây sẽ tăng thuế GTGT, anh Tuấn lo công ty sẽ tăng giá cước xe, khách đã ít lại càng ít. Ngược lại, hãng có thể sẽ tăng mức khấu trừ vào thu nhập của tài xế. Đường nào tài xế và gia đình họ cũng khó khăn hơn.

Xác định Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải

Liên quan đến quy định thu thuế mới với tài xế xe công nghệ, bà Tạ Thị Phương Lan - phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế - khẳng định Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ.

"Lâu nay, do văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Còn bây giờ nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, đúng với bản chất phát sinh kinh tế cũng như thông lệ quốc tế. Grab và một số hãng xe công nghệ khác có mặt trên nhiều nước chứ đâu chỉ ở VN. Và chính sách kê khai, nộp thuế của VN cũng như các nước. Còn thuế GTGT là doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng", bà Lan nói.

Bà Lan giải thích thêm tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay nữa, mà trách nhiệm nộp là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT chứ không phải là tài xế. Quy định này đúng bản chất hoạt động kinh tế phát sinh, phù hợp thông lệ quốc tế và các luật về thuế. Đây là tiền thuế người tiêu dùng đóng, doanh nghiệp chỉ kê khai và nộp thay.

Giá cước có tăng?

Theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.

Theo tính toán của Grab, với quy định hiện hành, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5-12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.

Trường hợp công ty tăng cước xe để giữ nguyên thu nhập của tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 7,3%. Khi đó chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng.

Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan cho rằng với quy định mới này, các hãng vận tải công nghệ và tài xế sẽ điều chỉnh lại hợp đồng hợp tác kinh doanh để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên theo quy định. Còn quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay.

Tài xế nói không công bằng

Anh Lê Mạnh Dũng, tài xế xe công nghệ 2 bánh ở Hà Nội, lo lắng tới đây hàng trăm nghìn tài xế xe công nghệ sẽ phải nộp thêm thuế GTGT thay vì mức 3% như hiện hành. Cho rằng các hãng công nghệ sẽ không chịu nộp thuế GTGT mà đẩy cho các tài xế, anh Dũng băn khoăn trong bối cảnh dịch bệnh mà tăng thuế thì không phù hợp.

"Quy định về thuế thu nhập cá nhân đối với tài xế công nghệ lâu nay đã không công bằng với các cá nhân kinh doanh ngành nghề khác khi người làm công ăn lương được giảm trừ gia cảnh, còn doanh nghiệp được trừ chi phí hợp lý trước khi tính thuế nhưng tài xế công nghệ thì không", anh Dũng nói.

Tài xế Grab khó được khấu trừ tiền mua xe, lãi vay

Mới nhất, trong văn bản vừa gửi Tổng cục Thuế, Grab VN cũng đặt vấn đề về việc liệu với quy định mới thì các tài xế có được khấu trừ các chi phí đầu vào như chi phí mua phương tiện được sử dụng để kinh doanh vận tải, mua xăng, sửa chữa (bảo trì) không? Nếu có, quy trình khấu trừ như thế nào?

Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết: "Nếu họ muốn hạch toán đầy đủ các chi phí thì phải thành lập doanh nghiệp và thực hiện sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Còn nếu chi phí xăng xe là của Grab, Bee, Gojek mới được khấu trừ".

Về thời điểm thực hiện nghĩa vụ khấu trừ thuế, các hãng xe công nghệ sẽ phải thực hiện từ ngày 5-12, thời điểm nghị định có hiệu lực. Tuy nhiên, về khai thuế thì có độ trễ một chút là mẫu tờ khai đang được Bộ Tài chính xây dựng tại thông tư hướng dẫn nghị định này.

Tài xế xe công nghệ: ám ảnh tiền góp! Tài xế xe công nghệ: ám ảnh tiền góp!

TTO - Hằng ngày bám vào chiếc xe để kiếm tiền chi tiêu và trả góp ngân hàng (NH) nên khi dịch bệnh hoành hành, hàng ngàn tài xế công nghệ vô cùng lo lắng khi không biết lấy tiền đâu để trang trải.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên