Theo bạn đọc, gần nửa đời lái đủ các loại xe và từng có thời gian lái xe buýt, anh thật sự buồn khi thấy cái nghề để lại cho anh nhiều kỷ niệm lại bị mang ra bàn tán với thái độ không mấy thiện cảm.
"Tôi bỗng thèm được tự viết ra những gì mình mắt thấy tai nghe, hy vọng tìm được chút cảm thông từ hành khách" - anh Trương Nhất Vương tâm sự.
Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Trương Nhất Vương gửi đến Tuổi Trẻ Online.
Ai bảo xe buýt là khổ, lái xe buýt vui lắm chứ!
Từ một tài xế xe tải, tôi nâng hạng lên chạy xe khách, rồi chạy xe buýt, thật sự có rất nhiều niềm vui. Vui vì trên xe lúc nào cũng đông đúc, không như xe tải nhiều đêm thức trắng một mình. Buồn lắm!
Cảm giác được đưa đón, phục vụ bà con đi đến nơi về đến chốn an toàn thật hạnh phúc. Vui vì đa số khách đều là dân lao động vất vả, nay có xe buýt đưa đi đón về, đa số rất quý tài xế.
Có hành khách bước lên xe là tay bắt mặt mừng với lái xe, nhân viên bán vé như thể quen nhau từ lâu; có người lâu lâu dúi cho đồng quà, tấm bánh. Các cháu học sinh lên xe chào chú, khi xuống chào chú con về rất dễ thương.
Các chị, các em chưa chồng, biết tài xế chưa có vợ thì lúc trái xoài, lúc trái ổi, bịch muối ớt, lúc vài ba cái bánh tiêu. Trong những giờ nghỉ hiếm hoi, cùng tài xế ngồi chấm chấm, quẹt quẹt, mắt nhìn nhau đung đưa khiến lòng bác tài đôi lúc cũng chao đảo nhiều lắm…
Thật không thể nói hết cảm giác của những ngày đầu, sự xuất hiện của xe buýt xã hội hóa trên cao nguyên Đắk Lắk, thật sự như làn gió mát, thật sự như mùa xuân đem đến các buôn làng xa xôi hẻo lánh.
Giờ thì tôi đã nghỉ và chuyển sang trường lái nhưng 5 năm chạy xe buýt tại Công ty cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk sẽ mãi ghi dấu ấn đẹp không thể nào quên.
Hai câu chuyện đẹp về tình người
1. Một lần tôi chạy tuyến Lắk (thuộc huyện Lắk, Đắk Lắk) - Buôn Ma Thuột. Tất cả còn mới mẻ, bỡ ngỡ và phấn khởi. Nhân viên, tài xế đều trong tâm trạng rất tốt.
Có một bà cụ vẫy xe. Xe dừng, bà cụ loay hoay chưa biết lên xuống thế nào thì nhân viên tên Minh hôm ấy đã nhảy xuống bế bà cụ lên xe và đặt vào ghế ngồi ngon lành. Sau khi ổn định chỗ ngồi, cụ già buột miệng:
- Đời tôi cho đến lúc chết sẽ nhớ mãi chú bán vé này!
Tất cả khách trên xe cho đến tài xế, nhân viên ban đầu hơi bỡ ngỡ, khi hiểu ra ý cụ khen hành động đẹp của nhân viên xe buýt, mọi người đều cười rất vui vẻ.
2. Lần đó, tôi cho xe dừng lại để đón một hành khách đặc biệt: ông già bị tật với hai cây nạng sắt.
Khi nhân viên soát vé nhờ, tôi vội vàng bước xuống đưa tay đỡ ông già. Tôi lúc đầu còn e ngại nên loay hoay mãi vẫn không thể đưa được ông lên xe, chỉ còn cách là áp sát bế bổng ông lên mới đưa được ông vào vị trí ngồi và trở về tay lái.
Có lẽ do lâu ngày không thay đồ, tắm giặt, nên khi vị khách này lên xe tất cả đều phải dùng một cái gì đó để bịt mũi và thở… Tôi cũng một tay lái một tay kéo áo bịt mũi nhưng sau đó được nhiều lời khen tài xế khỏe, tốt bụng.
Rồi một lần vô cảm...
Một chuyến xe khác cũng trên tuyến Lắk - Buôn Ma Thuột mà sự vô cảm của tôi đã nhận được bài học vô giá về tình người từ nhân viên bán vé.
Lần đó, tôi và nhân viên bán vé tên Hùng (Méo) đi chuyến cuối cùng từ Buôn Ma Thuột về Lắk lúc 17h30, đến đoạn ngã ba Hòa Bình (km5), thành phố Buôn Ma Thuột. Khi chuẩn bị dừng tại điểm dừng xe buýt đón một vài người khách thì cách trạm khoảng 100m có hai cha con.
Người cha đã khá lớn tuổi, con trai khoảng 5 hay 6 tuổi gì đó, cùng hai bao hàng khá lớn. Cả hai cha con đứng nhìn xe đón khách và yên tâm chờ xe sẽ chạy đến đón mình.
Theo thói quen của người dân lúc bấy giờ là xe khách thì thấy khách là ghé vào đón, chứ có ai biết xe buýt người ta chỉ đón đúng trạm đúng bến.
Tôi nhắm mắt làm ngơ cho xe lướt qua, hai cha con cứ mặc sức vẫy như hò đò, còn tôi cứng nhắc, lạnh lùng làm theo luật, lái xe thẳng tiến. Thậm chí trong bụng còn nghĩ cứ bỏ vài lần rồi người ta sẽ biết thế nào là đón xe buýt đúng trạm!
Trong bữa ăn tối hôm đó, nhân viên Hùng bưng bát cơm lên rồi lại đặt xuống, nói với tôi:
- Anh à, em thấy anh hồi chiều thật quá đáng! Những chuyến khác thì không nói làm gì, đây lại là chuyến cuối. Em cứ áy náy không biết giờ này hai cha con ông ấy đang ở đâu? Đi xe thồ thì không dưới 100.000 đồng, mà đâu phải ai cũng có tiền để mà đi, lại còn hai bao hàng nữa chứ…
Hùng nói với tôi với thái độ dè dặt, nể nang nhưng giọng buồn buồn, khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.
Quả thật, sao tôi lại có thể ác độc và máy móc đến như vậy? Tại sao một đứa nhân viên mới học hết cấp trung học còn nghĩ tốt được như vậy. Còn tôi…?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận