Tài xế Thảo ân cần vô tận nhà người dân bị nhiễm COVID-19 để giúp vận chuyển đồ đạc lên xe - Ảnh: CHÂU TUẤN
"Thấy bệnh nhân nặng, tôi như ngồi trên đống lửa"
Ngày 9-8, sau bữa trưa chóng vánh, anh Nguyễn Công Thảo - tài xế hãng Mai Linh - trở lại với bộ đồ bảo hộ kín mít, nhanh chóng lên xe cùng nhân viên y tế để tiếp tục hành trình đưa F0 vào bệnh viện. Chuyến đi này anh Thảo đón bệnh nhân đang mang thai vào tháng thứ tư (ngụ quận 4).
Chị Ngân - bệnh nhân trên - chia sẻ: "Do thấy trong người mệt mỏi nên xin vào bệnh viện vì an toàn của tôi và người thân. Sau khi liên hệ với Trung tâm cấp cứu đã có xe đến đón, tôi thấy rất yên tâm và biết ơn sự hỗ trợ của các anh chị lái xe".
Đến nơi đón F0, anh Thảo nhanh chóng sát khuẩn đồ đạc và đưa F0 lên xe. Anh Thảo tâm sự, mỗi chuyến chở F0 đi khoảng 2-3 tiếng, phần lớn rơi vào khoảng thời gian chờ nhận bệnh nhân vì hiện tại nhiều bệnh viện đang trong tình trạng quá tải.
Chưa đầy nửa tiếng anh Thảo đã đưa F0 đến Bệnh viện dã chiến số 7. Tại đây, anh bắt đầu liên hệ với bệnh viện và cùng chờ đợi. Anh kể, lần này F0 còn khỏe mạnh, nên "ráng đợi lâu một chút cũng không sao". Riêng những lần chở bệnh nhân nặng, anh Thảo như ngồi trên đống lửa.
Thai phụ Phạm Thị Ngân được chở đến nơi cách ly, điều trị COVID-19 - Ảnh: KIM ÚT
Trước đó (ngày 8-8), anh Thảo đón một bệnh nhân tại số 53 Trần Hưng Đạo (quận 1) đang trong tình trạng khó thở, nhưng phải chở bệnh nhân đến một vài bệnh viện mới được tiếp nhận. Bệnh nhân lúc đó phải thở oxy khiến anh Thảo cảm thấy sốt ruột.
"Với tôi, các F0 như người nhà của mình, thấy bệnh nhân mệt mỏi phải chờ đợi lâu, tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ mong sao chuyển F0 đến bệnh viện được tiếp nhận nhanh nhất để kịp điều trị và khỏe mạnh", anh Thảo chia sẻ.
Chiếc xe dính những vết nước do thường xuyên xịt khử khuẩn - Ảnh: CHÂU TUẤN
Còn sức thì còn làm
Bắt đầu lái xe taxi cấp cứu từ ngày 28-7, đến nay số ca F0 mà anh Thảo đã tiếp xúc không thể nhớ hết. Mỗi ngày, anh luôn trong tư thế sẵn sàng. Chỉ cần có điện thoại gọi đến là anh Thảo lao xe đi ngay, vì thế, việc ăn ngủ của anh cũng phải tranh thủ từng phút.
Công việc vốn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nên gia đình anh Thảo rất lo lắng. Bản thân anh cũng lo vào những ngày đầu tham gia đội ngũ chở F0. Nhưng đến nay, anh đã dần quen với công việc và không còn cảm thấy sợ nữa.
Theo anh Thảo kể, nhiều trường hợp F0 bị mê man, không thể tự di chuyển ra xe, và anh phải dìu bế bệnh nhân lên xe. Với khoảng cách tiếp xúc này, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao. Trước những trường hợp như vậy, giọng anh đầy cương quyết: "Trong lúc hỗ trợ bệnh nhân, mình không có cảm giác chần chừ hay lo sợ, chỉ còn quan tâm làm sao có thể nhanh chóng đưa bệnh nhân đi kịp thời".
Những ngày cao điểm, xe bị điều đi liên tục, đến thời gian ăn uống cũng không có. Buổi tối là thời gian căng thẳng của những người tài xế trong đội, các ca vận chuyển vào thời điểm này đa số là ca chuyển nặng.
Công việc này khiến anh và những người "đồng đội" của mình luôn trong tư thế sẵn sàng để kịp thời đến đón bệnh nhân. Những chuyến xe ấy có khi kéo dài đến tận 3-4h sáng. Ngay khi không có ca, anh nghỉ ngơi và ăn uống ngay để lúc nào cũng đủ sức hỗ trợ các F0.
Điều dưỡng Trần Thị Hoa Tiên đi cùng tài xế Thảo, đang ngồi tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 7 kiểm tra từng hồ sơ bệnh nhân - Ảnh: KIM ÚT
Khi được hỏi sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào, anh Thảo mỉm cười nói: "Tôi còn sức thì còn làm. Những cuộc gọi báo F0 đã qua cơn nguy kịch như tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để tiếp sức TP.HCM vượt qua trận ốm này".
Sau mỗi lần chuyển bệnh nhân, anh Thảo cùng người điều dưỡng đi cùng sẽ xịt khử khuẩn toàn bộ xe - Ảnh: KIM ÚT
Xe taxi anh Thảo đến chuyển bệnh nhân tại quận 4, TP.HCM - Ảnh: KIM ÚT
Anh Nguyễn Công Thảo (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) là 1 trong 200 tài xế xe taxi cấp cứu của hãng xe Mai Linh xung phong vận chuyển F0 cấp cứu, chuyển viện tại TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sau khi nhận cuộc gọi từ Trung tâm cấp cứu 115, xe anh Thảo đến từng nhà bệnh nhân COVID-19 để chở đến nơi cách ly, điều trị - Ảnh: KIM ÚT
Trong thời gian chờ bệnh nhân nhập viện, tài xế liên tục nhận được các cuộc gọi cấp cứu tiếp theo - Ảnh: CHÂU TUẤN
Các tài xế xe taxi cấp cứu đã được chỉ dẫn các thiết bị cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết - Ảnh: KIM ÚT
Vất vả là thế, nhưng khi thấy người bệnh được chuyển viện, khỏe mạnh, chính là niềm động lực để tài xế Thảo tiếp tục công việc của mình - Ảnh: CHÂU TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận