16/02/2025 09:42 GMT+7

Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác?

Nghề giao hàng (shipper) và tài xế công nghệ là những công việc đòi hỏi sự di chuyển liên tục trên đường, tiếp xúc với nhiều rủi ro như tai nạn giao thông, thời tiết khắc nghiệt, nguy cơ bị hành hung và phải chịu đựng không ít áp lực.

Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác? - Ảnh 2.

Shipper giao hàng cho khách trước một cao ốc văn phòng ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bên cạnh đó cần phát triển các nghiệp đoàn của tài xế công nghệ theo quy định của Luật Công đoàn 2024 để các tài xế được bảo vệ và có tiếng nói một cách chính thống.
TS ĐINH THỊ CHIẾN

Thực tế họ đang thiếu sự hỗ trợ về pháp lý lẫn biện pháp bảo vệ từ các công ty sử dụng lao động hoặc tổ chức nghề nghiệp. Cách nào bảo vệ shipper, tài xế công nghệ?

- TS Đinh Thị Chiến (Trường đại học Luật TP.HCM):

Trách nhiệm của hãng xe công nghệ

Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác? - Ảnh 3.

Thực tế nhiều shipper, tài xế công nghệ và công ty có thỏa thuận về công việc qua tên gọi mập mờ như biên bản thỏa thuận hợp tác, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng hợp tác... và thực tế họ không được bảo vệ bởi luật lao động.

Họ cũng bị lệ thuộc vào công ty nền tảng về việc làm, thu nhập song họ còn yếu thế hơn người lao động trong quan hệ truyền thống do phải gánh rủi ro như chi phí mua xe, thuê xe, điện thoại thông minh, xăng, cước phí điện thoại, đặc biệt là tai nạn giao thông, cướp giật - những rủi ro có thể xảy đến với loại hình công việc này.

Trước mắt cần có quy định cụ thể hóa trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ công nghệ mua bảo hiểm tai nạn để bảo vệ shipper, tài xế công nghệ trong các trường hợp tai nạn giao thông, rủi ro nguy hiểm; ứng dụng cần thiết kế nút báo động khẩn cấp để gọi hỗ trợ khi cần thiết, chẳng hạn như gặp tai nạn, bị cướp, bị quấy rối, hành hung.

- Bà Đặng Ngọc Thu Thảo (giám đốc dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam):

Xây dựng mạng lưới cộng đồng tài xế

Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác? - Ảnh 4.

Từ phía cơ quan chức năng, cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi cho tài xế. Đồng thời, cần tăng cường các biện pháp xử lý nhanh chóng các vụ hành hung và tranh chấp giữa tài xế và khách hàng. 

Tài xế, shipper nên làm việc dưới một công ty hay tổ chức nào đó thay vì làm tự do để có được sự bảo hộ và các quyền lợi khác. 

Ngoài ra họ có thể xây dựng mạng lưới cộng đồng tài xế để hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Ví dụ như mô hình "Safety Networks" của tài xế Uber tại Mỹ, nơi họ chia sẻ thông tin và hỗ trợ khẩn cấp qua ứng dụng nội bộ riêng.

Từ phía đơn vị tuyển dụng, các công ty phải có hệ thống định vị tốt để shipper ấn nút khẩn cấp trên app hoặc số hotline để gọi khi có vấn đề. Doanh nghiệp cũng nên có hòm thư góp ý để tài xế đóng góp ý kiến xây dựng và cải thiện hoạt động vận hành.

Về quyền lợi, shipper và tài xế công nghệ nên được đóng bảo hiểm đầy đủ cũng như hưởng các phúc lợi như các công việc khác. 

Với đặc thù công việc của mình, lao động nhóm này cũng cần được tổ chức các buổi đào tạo kỹ năng dịch vụ khách hàng, kỹ năng tự vệ, sơ cứu, an toàn lao động. Doanh nghiệp cũng cần có bộ phận giám sát và ghi nhận các sự cố tai nạn mà tài xế gặp phải để giảm thiểu rủi ro.

Ở các nước phát triển như Pháp, Đức và Hà Lan, chính phủ đã đưa ra những quy định buộc các công ty cung cấp dịch vụ qua nền tảng phải đóng bảo hiểm y tế và tai nạn cho tài xế. 

Việt Nam có thể học hỏi mô hình này bằng cách quy định về đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho tài xế ở một mức tối thiểu nhất định hoặc khi tài xế đạt số giờ làm việc nhất định/tuần. 

Thiết lập bộ phận tư vấn pháp lý độc lập để hỗ trợ tài xế trong các tình huống tranh chấp với khách hàng hoặc công ty. Có chính sách hỗ trợ tài chính ngắn hạn khi tài xế không thể làm việc vì lý do sức khỏe hoặc tai nạn.

- Ông Lê Văn Đại (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đà Nẵng):

Thành lập thêm nghiệp đoàn shipper

Tài xế công nghệ, shipper sao không có bảo hiểm, phúc lợi như các công việc khác? - Ảnh 5.

Hiện chúng tôi đã có 40 nghiệp đoàn, thời gian sắp tới sẽ vận động thành lập nghiệp đoàn shipper tự do, giao hàng thức ăn nhanh, xích lô, bán vé số dạo. Khi thành lập nghiệp đoàn, chúng tôi có thêm kênh liên hệ là ban chấp hành nghiệp đoàn để cùng bảo vệ quyền lợi ngoài quan hệ lao động đã được thiết lập.

Vừa qua khi thành lập nghiệp đoàn lái xe Grab, chúng tôi cũng mời cơ quan bảo hiểm xã hội tham gia tuyên truyền để người lao động ý thức về việc mua bảo hiểm phòng thân. Nghiệp đoàn cũng đã xây dựng được đội xung kích gồm 36 thành viên phản ứng nhanh, hỗ trợ lái xe giải quyết sự cố trên đường 24/24h.

Đây là những hỗ trợ trước mắt, thiết thực có thể làm được. Nghiệp đoàn vừa đại diện bảo vệ quyền lợi nếu người lao động có yêu cầu, đồng thời có thể hỗ trợ nguồn tài chính trong những trường hợp cụ thể. 

Về lâu dài chúng tôi kiến nghị cần có quy định pháp luật để quản lý hiệu quả mô hình hoạt động của shipper, tài xế công nghệ, tránh tình trạng người lao động trong lĩnh vực này có nhiều nguy cơ nhưng không bị ràng buộc bởi quan hệ lao động.

- Bà Võ Thị Thu Sương (chủ tịch Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng):

Tăng vai trò giám sát của các nghiệp đoàn

Từ khi có nghiệp đoàn lái xe công nghệ, chúng tôi được chính danh thay mặt anh em nói lên tiếng nói để bảo vệ quyền lợi cho tài xế. 

Chúng tôi làm việc trực tiếp với giám đốc các hãng xe công nghệ, đưa ra các kiến nghị và đề nghị xem xét. Ví dụ như trước đây vấn đề bảo hiểm tai nạn cho tài xế rất khó khăn thì nay đã được giải quyết.

Chúng tôi đóng bảo hiểm 100% cho tài xế

Đại diện Be Group thông tin nhằm bảo vệ quyền lợi cho đối tác tài xế, công ty triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc và bảo hiểm tai nạn (về người) do công ty đóng 100% cho tài xế đạt phân hạng Pro/Pro+.

Công ty liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, truyền thông để nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng xử lý tình huống và tự vệ cho tài xế khi làm việc.

Hệ thống đánh giá và phản hồi của tài xế và khách hàng cũng giúp Be phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Quyền lợi hợp pháp: khoảng trống chưa lấp đầy

Shipper, tài xế công nghệ là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại. Ngoài phục vụ nhu cầu đi lại, họ còn là lực lượng chủ yếu giúp duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Vấn đề bảo đảm quyền lợi cho những người lao động này cần được nghiêm túc xem xét, triển khai.

Tuy nhiên các vụ việc liên quan đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của lực lượng này thời gian qua cho thấy một khoảng trống lớn trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Một số địa phương có các nghiệp đoàn hỗ trợ shipper, tài xế công nghệ trong những tình huống bất lợi như bị hành hung, bị trễ tiền thưởng hay bị ngược đãi trong công việc như Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng, Nghiệp đoàn xe ôm công nghệ TP.HCM...

Những tổ chức nghề nghiệp này cần tiên phong giúp shipper, tài xế công nghệ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, duy trì sự ổn định trong công việc, tạo ra một mạng lưới hỗ trợ shipper khi chẳng may gặp phải các sự cố giao thông hay hành vi bạo lực. Tổ chức đại diện cho shipper còn giúp họ có tiếng nói chung, hỗ trợ trong việc đàm phán với các hãng xe công nghệ.

Đặc biệt cơ quan chức năng cần xem xét phân loại nghề nghiệp đối với shipper và tài xế công nghệ. Nếu được xếp là nghề nguy hiểm, người lao động cần được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ y tế và các chế độ đãi ngộ khác.

Đồng thời điều đó cũng sẽ thúc đẩy các hãng xe công nghệ và chính quyền các địa phương có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ người lao động.

Các hãng xe công nghệ cần có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ người lao động. Cụ thể, có thể thiết lập các kênh hỗ trợ khẩn cấp, tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng tự vệ và xử lý tình huống nguy hiểm.

Các công ty cũng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn và nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng khi người lao động của mình bị bạo hành.

Bạn đọc PHẠM THỊ VÂN

Cách nào giữ an toàn cho người giao hàng, tài xế công nghệ? - Ảnh 6.Ai bảo vệ tài xế công nghệ, shipper?

Vụ việc shipper bị tài xế xe Lexus đánh dã man ở Hà Nội là một trong muôn vàn tình huống rủi ro mà những người làm trong lĩnh vực vận chuyển gặp phải.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên