Xe
21/08/2023 07:21 GMT+7

Tài xế công nghệ làm TikToker: Kiếm được nhiều hơn lương chạy xe

Nhiều tài xế công nghệ ở Đông Nam Á đã tìm thấy "nghề tay trái" khấm khá là trở thành TikToker.

Các tài xế công nghệ đang có nghề tay trái hái ra tiền, không nhiều như những người nổi tiếng đích thực, nhưng đủ để họ trang trải cuộc sống - Ảnh: Rest of World

Các tài xế công nghệ đang có nghề tay trái hái ra tiền, không nhiều như những người nổi tiếng đích thực, nhưng đủ để họ trang trải cuộc sống - Ảnh: Rest of World

Trang Rest of World cho biết cô Mpo Bhabay là tài xế công nghệ toàn thời gian của Gojek ở Indonesia. Người phụ nữ 44 tuổi đã thu hút được 250.000 người theo dõi khi chia sẻ những video kể về cuộc sống hằng ngày của mình, từ những khó khăn khi làm tài xế xe ôm đến cuộc sống của một người mẹ bình thường.

Sau 3 năm miệt mài, Mpo Bhabay đã đi từ quảng cáo miễn phí đến 200 USD (khoảng 4,7 triệu đồng) cho mỗi video. Số tiền này tương đương hơn nửa tháng lương tối thiểu của người dân Jakarta, nơi cô sống.

Với tối đa 4 video được tài trợ mỗi tháng, tính trung bình Mpo Bhabay kiếm được 3 USD/ngày. Không quá nhiều, nhưng nếu xét đây chỉ là việc làm thêm lại có thể mang về mức thu nhập gấp đôi lương tối thiểu thì vẫn là một khoản tiền không nhỏ.

Quả thực, nhờ công việc này, Mpo Bhabay đã mua được một căn nhà nhỏ và trả gần hết nợ nần.

Mpo Bhabay chỉ là một trong số nhiều tài xế taxi công nghệ, xe ôm công nghệ ở Đông Nam Á trở thành một TikToker nổi tiếng. Những tài xế này đã ghi lại, đôi khi lãng mạn hóa, cuộc sống hằng ngày của họ. Có khi đó là cuộc gặp gỡ cảm động, có lúc là độc thoại về các vấn đề xã hội, hay đoạn kịch bi hài được dàn dựng với cái kết đầy kịch tính.

Những video này đôi khi đạt hàng triệu lượt xem đã chuyển thành các hợp đồng quảng cáo và tài trợ cho tài xế.

"Tôi nhìn những gì xảy ra xung quanh và ghi lại"

Jesse Bouman, CEO Slice Group, công ty phát triển các công cụ số ở Indonesia, nói với trang Rest of World: “Lý do khiến những tài xế xe ôm công nghệ này nhận được nhiều sự chú ý là vì họ rất chân thực. Những người sáng tạo nội dung này đang trở thành doanh nhân".

Quay video TikTok đã giúp người mẹ 44 tuổi này nuôi 9 người con - Ảnh: Mpo Bhabay/TikTok

Quay video TikTok đã giúp người mẹ 44 tuổi này nuôi 9 người con - Ảnh: Mpo Bhabay/TikTok

Xét về công việc chính, những người như Mpo Bhabay đang có lựa chọn khó khăn: Lái xe 12 giờ mỗi ngày để kiếm đủ tiền hoặc tìm công việc mới. Quay video TikTok trở thành một nghề làm thêm lý tưởng.

Chỉ cần một chiếc smartphone và công cụ chỉnh sửa video đơn giản là đủ hành nghề. Những tài xế này lấy nội dung từ chính những việc họ nhìn được, nghe được trong khi làm tài xế hay giao đồ ăn. Sau đó, họ sẽ tranh thủ chỉnh sửa trong thời gian nghỉ hoặc vào buổi tối khi ở nhà.

Nếu trường hợp của Mpo Bhabay là cần có công việc thứ hai để trang trải cuộc sống (một bà mẹ với 9 người con), thì một số chỉ đơn thuần là tìm kiếm cảm giác làm người nổi tiếng trên mạng xã hội, thoát khỏi công việc hằng ngày nhàm chán.

Video của Hà Văn Công về chủ đề kiện hàng ưa thích của shipper đã thu hút được 2,1 triệu lượt xem - Ảnh cắt từ video

Video của Hà Văn Công về chủ đề kiện hàng ưa thích của shipper đã thu hút được 2,1 triệu lượt xem - Ảnh cắt từ video

Hà Văn Công là một tài xế xe ôm Grab, 25 tuổi, sống ở Hà Nội. Anh đầu tư 15 triệu đồng (632 USD) cho thiết bị quay phim, trong đó có camera 360 độ. Anh mới bắt đầu làm video một cách nghiêm túc từ tháng 6.

Một trong những video thu hút người xem nhất có nội dung "Top những đơn hàng shipper thích nhất", trong đó là hình ảnh của một chiếc chìa khóa.

Tiết lộ với Rest of World, trong vòng một tháng kể từ khi ra mắt trên TikTok, một công ty quảng cáo đã đề nghị trả cho anh 750.000 đồng (31,60 USD) để thực hiện một video về các sản phẩm bảo hiểm của Grab dành cho tài xế và hành khách.

"Tôi muốn làm những video vui nhộn chia sẻ về cuộc sống của một tài xế và xây dựng thương hiệu riêng", anh nói, hy vọng kiếm được tiền từ kênh YouTube đến nay đã thu hút được khoảng 6.800 người theo dõi.

Thue Quist Thomasen, CEO Decision Lab, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở ở TP.HCM, cho biết: "Đã có một cộng đồng tài xế công nghệ làm vlog trên YouTube trong nhiều năm, thu hút từ hàng nghìn đến hàng triệu lượt xem. Nay, TikTok mở ra một nền tảng khác và những đối tượng mới".

"Nếu không quay video, chắc tôi đã bỏ nghề tài xế công nghệ rồi"

Phạm Văn Mạnh cũng là một tài xế xe ôm công nghệ ở Hà Nội. Năm ngoái, cùng 2 người bạn, anh đầu tư 70 triệu đồng (2.950 USD) mua camera 360 độ, mic và MacBook để sáng tạo nội dung số.

Các video thường xoay quanh cuộc trò chuyện giữa tài xế và khách thu hút khá nhiều người xem - Ảnh cắt từ video của Phạm Văn Mạnh trên TikTok

Các video thường xoay quanh cuộc trò chuyện giữa tài xế và khách thu hút khá nhiều người xem - Ảnh cắt từ video của Phạm Văn Mạnh trên TikTok

Mạnh lái xe cho Grab mỗi ngày, lên ý tưởng nội dung và bảng phân cảnh, còn cộng sự làm việc chỉnh sửa. Mỗi tuần, nhóm này cho ra một video, phần nhiều xoay quanh cuộc trò chuyện giữa Mạnh và hành khách, từ những cô gái thất tình đến nhà đầu tư bất động sản, thu hút được gần 76.000 người theo dõi và đang trên đường đạt cột mốc 100.000 người ngay trong năm nay. Với các video được tài trợ, nhóm của anh kiếm được 4 triệu đồng (170 USD).

Nói với Rest of World, anh cho biết nghề tài xế rất bạc, rất vất vả. "Nếu không xây dựng kênh này, tôi đã bỏ cuộc rồi. Tôi rất đồng cảm với những người làm tài xế xe ôm. Họ phải lái suốt từ 9h sáng đến 23h đêm".

Bouman của Slice Group phân loại những tài xế này là "những người có ảnh hưởng vi mô", tạo nội dung số thu hút hàng chục nghìn người theo dõi. Các nhà quảng cáo khá thích những kênh này bởi lượng người theo dõi "thực".

Rika Goldie có xu hướng đề cập đến những vấn đề gây bức xúc trong xã hội hay sự vất vả của các nữ tài xế hơn - Ảnh cắt từ video của Rika Goldie/TikTok

Rika Goldie có xu hướng đề cập đến những vấn đề gây bức xúc trong xã hội hay sự vất vả của các nữ tài xế hơn - Ảnh cắt từ video của Rika Goldie/TikTok

Mặc dù nội dung ngọt ngào, ấm áp thường thúc đẩy sự tương tác, nhưng các video về những vấn đề xã hội gây tranh cãi cũng thu hút. Hồi tháng 3, video thứ hai của Rika Goldie, 28 tuổi, đã trở thành "hit". Đó là một đoạn độc thoại về sự phân biệt đối xử mà các nữ tài xế xe ôm ở Jakarta phải đối mặt.

"Chúng tôi thường bị các hành khách nam hủy chuyến, gần như mỗi ngày. Tôi có bằng lái xe. Tôi cũng tham gia khóa đào tạo lái xe an toàn của Gojek. Vậy nên, nếu không muốn ngồi sau lưng các tài xế nữ, làm ơn tự lái đi", cô nói.

Video hiện có hơn 6 triệu lượt xem. Goldie đến nay cũng đã sở hữu hơn 60.000 người theo dõi. Hằng tháng cô nhận được một số hợp đồng quảng cáo trị giá khoảng 1 triệu rupiah (65 USD hay 1,55 triệu đồng).

Tuy nhiên, những tài xế như Goldie càng nổi tiếng sẽ càng đối mặt với áp lực từ chính việc phải làm ra những nội dung mới mẻ thu hút người xem. Họ lo lắng rằng các clip của mình sẽ trở nên cũ kỹ và rồi bị quên lãng.

"Lười chạy xe, tôi chi tiền triệu hằng tháng đi làm bằng xe ôm công nghệ"'Lười chạy xe, tôi chi tiền triệu hằng tháng đi làm bằng xe ôm công nghệ'

Với nhiều bất tiện trong việc sử dụng xe máy cá nhân, tôi quyết định lựa chọn Grab làm phương tiện đi lại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên