Intel cân nhắc thời điểm mở rộng
Liên quan tới thông tin Intel dừng mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, chuyển qua nước ngoài mở rộng sản xuất, một nguồn tin giấu tên từ cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 8-11.
Vị này cho hay: Intel tại TP.HCM đã được cấp 40ha đất để xây dựng nhà máy. Đến nay Intel đã xây nhà máy hết 20ha và họ sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc mở rộng đầu tư của Intel được tính toán trên địa bàn toàn cầu, theo tiêu chí của họ. Những năm qua, Intel mở rộng đầu tư ở nhiều nước trên thế giới, chứ không chỉ Việt Nam.
Tại Việt Nam, Intel luôn cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư trong tương lai. Còn việc họ mở rộng đầu tư ở nước khác phụ thuộc vào chiến lược của tập đoàn trong từng giai đoạn. Vị này nhận định không có chuyện Intel không mở rộng đầu tư ở Việt Nam và chuyển vốn sang nước khác để mở rộng đầu tư.
Cũng theo nguồn tin trên, nhà đầu tư này đang cân nhắc thời điểm phù hợp để mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này phụ thuộc vào đơn hàng, địa bàn đầu tư, vì các tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy ở nhiều nước.
Mới đây, một tập đoàn sản xuất chip khác của Mỹ là Amkor đã khánh thành nhà máy sản xuất chip ở Bắc Ninh. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Mỹ. Trong tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cao sản xuất chip bán dẫn.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng việc Intel chưa mở rộng sản xuất ở TP.HCM cho thấy môi trường đầu tư chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ, nhà đầu tư Mỹ, nên cần tiếp tục được cải thiện.
"Mỗi năm, nhà đầu tư Mỹ đầu tư ra nước ngoài 200-300 tỉ USD. Trong khi vốn FDI Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây chỉ khoảng 1 tỉ USD, và sau khi hai nước nâng cấp quan hệ thì cũng chưa có biến động gì nhiều", ông Toàn cho biết thêm.
Ông Toàn khẳng định "quả bóng" vẫn trong chân Việt Nam, vấn đề là chúng ta phải cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch hơn, chống tham nhũng tốt hơn, thuận lợi cho hoạt động đầu tư.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng nhìn chung môi trường đầu tư hiện nay chưa thực sự phù hợp với các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ nguồn, đòi hỏi tính minh bạch cao và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến từ các nước phát triển.
Còn TS Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định thủ tục đầu tư phức tạp, quy trình thực hiện thủ tục không rõ ràng trong bối cảnh các quốc gia khác cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI lớn, công nghệ cao đã làm Việt Nam mất cơ hội có thể có được.
Đây là bức tranh thực tế, dù Chính phủ liên tục chỉ đạo nhưng không cụ thể hóa được trong thực tế. Khi hệ thống luật không rõ ràng thì dù Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt nhưng quy trình, thủ tục đầu tư vẫn phức tạp, địa phương không biết thực hiện sao, bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, trước đây tính linh hoạt trong thực thi thuận lợi, cởi mở hơn. Giờ tính linh hoạt gần như không có và là điểm trừ của môi trường kinh doanh hiện nay. Ví dụ, có nhà đầu tư đã có nhà máy sản xuất ở Việt Nam, giờ muốn mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh thì quy trình, thủ tục đầu tư gần như phải làm lại từ đầu. Vì thế nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn nước khác để đầu tư khi họ được chào đón hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận