08/05/2023 11:21 GMT+7

'Tái toàn cầu hóa': Việt Nam nằm trong nhóm nước hưởng lợi

Việt Nam, Mexico, Ấn Độ nằm trong số những nước được hưởng lợi, trong bối cảnh các doanh nghiệp Mỹ đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác ngoài Trung Quốc.

Tái toàn cầu hóa: Việt Nam nằm trong nhóm nước hưởng lợi - Ảnh 1.

Các container tại cảng ở thành phố Hải Phòng trong ảnh chụp ngày 12-7-2018 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Bloomberg cuối tuần trước, dữ liệu thương mại thế giới đã cho thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình "tái toàn cầu hóa". Hệ thống thương mại toàn cầu đang trải qua những thay đổi kiến tạo, vốn sẽ định hướng lại chuỗi cung ứng quốc tế trong nhiều thập niên tới.

Trong 5 năm qua, thuế quan, các biện pháp hạn chế xuất khẩu và trợ cấp của Mỹ đã thuyết phục các công ty nước này đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu từ các nước khác ngoài Trung Quốc.

Tỉ lệ hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ đã giảm khoảng 3 điểm phần trăm kể từ năm 2018, thời điểm cựu tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt thuế quan lên hàng ngàn sản phẩm của Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã "nhượng lại" một phần trong tổng số hàng nhập khẩu của Mỹ cho các quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu khác ở châu Á như Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia và Thái Lan, theo Bloomberg.

Các nhà sản xuất Trung Quốc - tìm cách tránh thuế quan của Mỹ và rút ngắn chuỗi cung ứng - cũng mở rộng hoạt động tại các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Mexico.

Theo Bloomberg, Việt Nam là một trong những nước mà các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tìm đến.

Trong 7 năm qua, số đồ nội thất nhập khẩu bằng container từ Việt Nam vào Mỹ đã tăng 186%, bỏ xa mức tăng chỉ 5% đối với hàng nhập khẩu như vậy từ Trung Quốc.

Quá trình "tái toàn cầu hóa" bắt đầu diễn ra giữa hai động lực chính. Trước hết, nỗi lo của các công ty về tình trạng thiếu hụt do đại dịch COVID-19, giá cả tăng đột biến và tình trạng gián đoạn trong vận chuyển đang khiến họ giảm bớt sự phụ thuộc vào chỉ một nhà máy hoặc quốc gia duy nhất.

Thứ hai, chính phủ các nước - đặc biệt là ở Mỹ và các nước châu Âu - muốn đảm bảo quyền tiếp cận các nguyên vật liệu quan trọng như chất bán dẫn và đất hiếm trong trường hợp "thương mại thế giới chia thành các khối địa chính trị".

Quá trình chuyển đổi - mà một số người gọi là "tái toàn cầu hóa" - sẽ mất nhiều năm và dữ liệu thương mại mới chỉ bắt đầu cung cấp các manh mối về phạm vi của những thay đổi này cũng như kẻ thắng người thua.

Trung Quốc xây cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới ở Hải Nam, Việt Nam hưởng lợi gì?Trung Quốc xây cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới ở Hải Nam, Việt Nam hưởng lợi gì?

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Thôi (Huang Cui), phó cục trưởng Cục Phát triển kinh tế quốc tế Hải Nam, đánh giá Việt Nam sẽ hưởng lợi ở một số lĩnh vực khi Trung Quốc xây cảng thương mại tự do Hải Nam.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên