Rõ ràng đó không thể là một "cơn lốc" phá rừng phòng hộ, như đang diễn ra ở ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, để lấy một lượng gỗ lớn bù vào.
Làm thế nào để có đủ vật liệu giúp người dân làm lại hàng ngàn ngôi nhà sập đổ và hư hỏng sau bão? Đương nhiên không phải cách để mặc các đại lý gạch ngói nâng giá theo ý mình, trong khi người dân chạy đôn chạy đáo vẫn không mua được ngói tôn để lợp nhà.
Có cách nào để giúp người nuôi trồng thủy sản trắng tay sau bão vay vốn nhanh để phục hồi sản xuất? Chắc hẳn đó không phải là kiểu loay hoay họp hành của các cấp chính quyền cùng với các ngân hàng phối hợp hoàn chỉnh các thủ tục rất nhiêu khê.
Trước sự ngổn ngang sau các trận bão lụt lớn như vậy, một hoạt động thường thấy và lặp đi lặp lại là các đoàn công tác của cấp trên xuống làm việc với địa phương cấp dưới. Cấp trên nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả, còn cấp dưới báo cáo và kiến nghị để cấp trên "quan tâm giải quyết".
Đó là việc làm hết sức cần, nhưng rõ ràng chưa đủ nhanh để chủ động ứng phó những phát sinh sau thiên tai. Không thể giải quyết các câu hỏi trên với cách làm theo kiểu "chuyện thường ngày ở huyện" mà cần có những phản ứng nhanh, những xử lý tình huống khẩn cấp, quyết liệt.
Chẳng thế mà, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, ông Bùi Sơn Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh - nói: "Cả tỉnh Khánh Hòa đang có hơn 10.000 doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế.
Một phần năm trong số đó bị thiệt hại, cần vay vốn vào thời điểm sau bão, phải có xác nhận của UBND tỉnh (thiệt hại về tài sản trên tổng số vốn vay và số vốn vay bị thiệt hại, xác nhận phương án kinh doanh đề nghị vay vốn) thì quả là khó".
Hay như quy định để được khoanh nợ, xóa nợ, trong hồ sơ phải có "văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng của UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương".
Thế nhưng, theo quy định của Luật phòng chống thiên tai, UBND cấp tỉnh không có thẩm quyền ban hành văn bản thông báo tình trạng thiên tai đó.
Trước nay, đối phó thiên tai có những kịch bản theo phương châm "bốn tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), song lại không có kịch bản cho hậu thiên tai.
Điều này dẫn đến tình trạng cấp dưới lúng túng và phải thường xuyên "xin ý kiến", "xin cơ chế", "xin hỗ trợ"... Thay vì những hỗ trợ lẻ tẻ, những chương trình quá nhiều thủ tục... như hiện nay, cần có một chương trình tái thiết khẩn cấp cho các vùng bị bão lũ nặng nề.
Chương trình này sẽ tập trung được các nguồn lực, điều phối hiệu quả nhất cho chuỗi hoạt động từ cứu trợ nạn nhân đến ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Có như vậy mới ứng phó kịp với những diễn biến sau thiên tai, nhanh chóng bắt tay vào việc tái thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận