Manh nha tìm tòi từ 2008, đến 2010 bắt đầu mò mẫm với ca mổ đầu tiên và phải 2015 mới hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật tái tạo lưỡi toàn phần cho người bệnh ung thư lưỡi. Trò chuyện với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Anh Khôi (đại diện nhóm tác giả) nói đó là "hành trình dài tầm sư học đạo".
Từ sự "bắt buộc" của nghề nghiệp
* Chúc mừng ông cùng cộng sự vừa giành giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM với kỹ thuật "tái tạo khuyết hổng gần toàn bộ và toàn bộ lưỡi sau phẫu thuật trị ung thư". Từ đâu ông có ý tưởng này?
- Thật ra đó là sự "bắt buộc" của nghề nghiệp. Tôi nhớ mỗi lần khám cho bệnh nhân, mùi hôi từ khối ung thư lưỡi thoát ra không thể nào chịu nổi. Bác sĩ khám chỉ vài phút đã "hết chịu nổi", nếu bắt người bệnh phải chịu đựng mùi hôi ấy, quả thật đó là điều rất bất nhẫn với họ.
Chưa kể, việc họ phải gánh một vết loét khổng lồ trong miệng, chắc chắn đó là nỗi cực hình khi ăn uống, vệ sinh răng miệng.
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là phải lấy bằng được khối ung thư ra khỏi miệng. Chưa dám hứa kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân bao lâu, nhưng ít nhất sẽ giảm mùi hôi, bớt đi cực hình mà họ phải chịu đựng từng ngày. Với người bác sĩ, đó đã là thành công.
* Phương pháp điều trị ung thư lưỡi trước đây là gì, thưa ông?
- Có khoảng 60% bệnh nhân ung thư lưỡi đến khám ở giai đoạn muộn (III và IV). Ung thư lưỡi giai đoạn trễ thường không thể mổ được mà chỉ xoay quanh câu chuyện xạ, hóa trị tạm bợ và điều đau lòng là hầu như các bệnh nhân đều không thể qua khỏi thời gian 6 tháng.
Lý do không mổ được nằm ở chỗ chưa thể tái tạo được lưỡi. Còn nếu muốn mổ cần có giải pháp tái tạo thay thế, đó là yêu cầu tất yếu. Tôi cũng hay nói vui "muốn đập hết một căn nhà, phải chắc chắn xây lại được một căn nhà khác". Đó là điều khiến chúng tôi trăn trở.
* Để xử lý triệt để bệnh lý này, không còn cách nào khác ngoài việc phải lấy bằng được khối ung thư trong miệng.
- Đúng như thế. Nếu cắt xong mà không tái tạo, chưa nói đến phục hồi các chức năng, ngay trong giai đoạn hậu phẫu bệnh nhân có thể tử vong. Có thể hình dung khi không được tái tạo, trong miệng giống như một "hố bom trống trơn", nước miếng hoặc các dị vật khác như thức ăn, hóa chất, chất nôn, axit dịch vị... sẽ trào ngược vào phổi gây viêm phổi hít. Điều trị tận gốc căn bệnh này chỉ còn cách tái tạo lưỡi.
Đến trở thành kỹ thuật thường quy
* Từ 2008 ông cùng các cộng sự đã tìm tòi giải pháp tái tạo lưỡi. Ông đã làm gì khi nghiên cứu về bệnh lý này còn rất sơ khai?
- Có thể nói chúng tôi như một tờ giấy trắng trong việc tìm cách nghiên cứu tái tạo lưỡi cho người bệnh ung thư. Lúc ấy nghiên cứu này ở trong nước còn rất "lẻ mẻ", phải tự tìm tòi từ những kiến thức được công bố trên thế giới. Tôi thường vào website các đại học lớn ở Mỹ dò tìm email của các giáo sư hàng đầu chuyên ngành này và tìm cách liên lạc.
May mắn tôi đã "gõ đúng cửa" khi đọc được các bài báo khoa học, sau này được tác giả - giáo sư của Trường ĐH Boston (Mỹ) hỗ trợ từ xa. Dù xa lạ nhưng ông hết mình chỉ dạy, miễn sao tôi có mong muốn học hỏi.
* Ca tái tạo lưỡi đầu tiên được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đó là ba của một bác sĩ công tác tại bệnh viện ở TP.HCM, ca "mở hàng" tái tạo nửa lưỡi đầu tiên. Khi bắt đầu rất khó khăn, chỉ có tôi với bác sĩ trưởng khoa cũ thực hiện. Phẫu thuật xong phải theo dõi gần như liên tục, ba ngày đầu tiên tôi "đóng đô" trong bệnh viện, cứ 2-3 tiếng khám một lần vì lo bệnh nhân bị tắc mạch máu. Đổi lại bệnh nhân đã bình phục nhanh chóng, còn nói rất vui bởi ăn uống được.
* Nhiều người vẫn chưa hình dung vật liệu dùng để thay thế lưỡi là gì?
- Đó là phần da, có thể vạt da bụng, da tay, da đùi tùy thể trạng mỗi người và lấy thêm một phần cơ để nâng sàn miệng. Ở bệnh nhân còn trẻ, đặc biệt phụ nữ sẽ ưu tiên lấy da đùi bởi có độ dày, dễ tạo hình khối lưỡi mới. Một số bệnh nhân cao tuổi, hút thuốc lá, uống rượu đa phần da mỏng, chúng tôi phải lấy da bụng.
Khi tái tạo lưỡi nếu giữ được càng nhiều phần lưỡi tự nhiên càng tốt và tránh làm hạn chế cử động của phần lưỡi còn lại. Điều này tạo ra cấu trúc chuyển động hài hòa, không phải cấu trúc lưỡi nằm im. Để người bệnh mau lành và đảm bảo thẩm mỹ, chúng tôi thường chọn mở đường mổ từ dưới cổ, giữ xương hàm nguyên vẹn, khi nhìn vào không thể biết bệnh nhân đã từng phẫu thuật.
Dĩ nhiên cần phải hiểu rõ chức năng của lưỡi tái tạo không thể nào thay thế lưỡi tự nhiên.
* Bệnh nhân ung thư lưỡi sau mổ thường bị khuyết hổng lớn, ảnh hưởng nặng chức năng nói và nuốt. Kỹ thuật này giải quyết được các khiếm khuyết đó?
- Từ ca đầu tiên, đến nay chúng tôi đã thực hiện khoảng 300 ca, tỉ lệ thành công trong lần mổ đầu tiên lên đến 98%. Số ca bệnh tăng, có khi chúng tôi làm 3-4 ca/tuần, một năm có khoảng 150 ca tái tạo vi phẫu. Con số này ngang ngửa với trung tâm có phẫu thuật ung thư lưỡi lớn nhất của Mỹ. Đa số trường hợp sau mổ tái tạo đều nói rõ, người đối diện có thể nghe và hiểu được.
Loét trong miệng 4 tuần không khỏi nên đi khám
- Độ tuổi ung thư lưỡi có xu hướng trẻ hóa, từ dưới 40 đến 60 tuổi. Đối với ung thư lưỡi kinh điển người ta vẫn nhắc đến rượu và thuốc lá. Ung thư lưỡi ở người trẻ ít liên quan đến yếu tố này và cho đến bây giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân rõ ràng. Các nghiên cứu cũng chỉ nói có thể do nhiều nguyên nhân: độc chất, viêm nhiễm răng, thậm chí do bộ gene.
Để phát hiện và tầm soát ung thư lưỡi khá đơn giản. Người có vết loét/u trong lưỡi kéo dài 4 tuần không lành cần đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận