Cách đây 3 tháng, trong khi làm việc, chị H. (30 tuổi) bị máy làm gạch cuốn giập đứt hoàn toàn bàn tay phải, đứt rời toàn bộ các ngón tay, toàn bộ gân gấp bị nhổ và duỗi các ngón tay phải từ I đến V.
Sau tai nạn, chị được sơ cứu tại bệnh viện huyện, sau đó chuyển qua nhiều bệnh viện khác và cuối cùng chuyển tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân vào viện với tổn thương phức tạp.
Sau thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là một ca bệnh khó. Bệnh nhân đến viện muộn, bàn tay phải bị giập nát mạch máu thần kinh, nhổ hết toàn bộ gân gấp duỗi ngón tay. Đặc biệt, việc xử lý bảo quản phần chi đứt rời chưa đúng cách, phần chi thể đứt rời dính nhiều đất cát.
"Chỉ có ngón III có hy vọng phục hồi, còn lại đều không thể cứu vãn. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật vi phẫu nối giữ lại ngón này và chuyển thành ngón cái.
Sau đó, khi phần mềm tay tổn thương được điều trị ổn định, tiếp tục phẫu thuật lần hai. Ở ca phẫu thuật lần hai, các bác sĩ lấy 2 ngón chân đưa lên tạo hình thành 2 ngón tay nhằm tạo cung cầm nắm cho bệnh nhân", bác sĩ Hồng chia sẻ.
Ê kíp mổ đã phẫu thuật kết hợp xương bàn ngón chân với xương bàn ngón tay, phẫu thuật tái tạo các ngón V, IV của bàn tay phải bằng hai ngón chân II, III bàn chân trái. Ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Theo bác sĩ Hồng, việc chuyển ngón chân lên ngón tay trong trường hợp không còn gân gấp duỗi ngón tay phức tạp hơn nhiều, so với những trường hợp mất các ngón tay nhưng vẫn còn đoạn các gân gấp duỗi.
"Chúng tôi đã tái tạo gân gấp duỗi ngón tay bằng cách sử dụng nhóm gân gấp duỗi cổ tay. Đây là kỹ thuật khó, chưa từng thực hiện hay báo cáo trước đây, đòi hỏi phẫu thuật viên kinh nghiệm chuyên sâu", bác sĩ Hồng nói thêm.
Hai tuần sau ca mổ chuyển ngón chân, các ngón tay ghép từ ngón chân hồng ấm, sống hoàn toàn. Đến nay, bệnh nhân đã có thể thực hiện các động tác trong sinh hoạt như buộc tóc, cầm bàn chải, cầm nắm được một số đồ vật, tự cầm thìa, đũa để ăn uống.
Thậm chí, bệnh nhân có thể sử dụng bàn tay mới vào những hoạt động khó hơn như xâu kim. Chị cũng đã vẽ những bức tranh đẹp để tặng người thân cũng như nhân viên y tế.
Bệnh nhân được ra viện trong vài ngày tới và tái khám theo định kỳ để hướng dẫn, theo dõi tập luyện phục hồi ngón tay mới tốt và hiệu quả.
Bảo quản chi thể bị đứt rời đúng cách
Bác sĩ khuyến cáo nếu không may gặp tai nạn bị đứt rời chi, phần chi thể đứt rời phải được xử lý bảo quản đúng. Cụ thể, rửa sạch phần chi đứt rời dưới vòi nước, bọc kín bằng gạc sạch cho vào túi ni lông cột kín, sau đó cho vào thùng nước đá lạnh và đưa bệnh nhân tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu có thể cấp cứu và xử lý phẫu thuật cho bệnh nhân.
Việc đến viện muộn hay xử lý phẫu thuật không tốt có thể khiến người bệnh bị tàn phế, khó khăn cho tạo hình phục hồi chức năng chi thể sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận