Bệnh ung thư đại trực tràng gây tử vong cao trong các bệnh ung thư, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác nên có thể trở thành mối lo ngại của bất kỳ ai, đang ngày càng tăng nhanh ở giới trẻ.
Tưởng táo bón ra máu không ngờ có hàng trăm khối u trong đại tràng
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Liên, khoa nội soi tiêu hóa Bệnh viện Trung ương quân đội 108, cho biết gần đây khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi đến khám vì đại tiện ra máu. Các bệnh nhân có độ tuổi 20 - 40 tuổi, hầu hết xuất hiện các triệu chứng như đại tiện ra máu, đầy hơi trướng bụng...
Bác sĩ Hà Hải Nam, phó khoa ngoại bụng 1 Bệnh viện K, cũng cho biết ông đã phẫu thuật cho không ít các trường hợp bị ung thư đại trực tràng còn rất trẻ, chưa ở độ tuổi trưởng thành. Có trường hợp trẻ nam 11 tuổi, bé 6-7 tuổi đã bị táo bón, đau bụng. Kết quả siêu âm bình thường, tới khi 11 tuổi bé đau nhiều, đi ngoài lẫn máu, nội soi ung thư đại tràng trái. Sau phẫu thuật bệnh nhi phải điều trị hóa chất.
Một số trường hợp khác là trẻ vị thành niên, điển hình là một bệnh nhân nam 17 tuổi cũng có triệu chứng đi ngoài ra máu. Kết quả nội soi u lớn gây bán tắc ruột, di căn gan.
Đặc biệt, có một trường hợp bệnh nhân nữ 18 tuổi có hàng trăm khối u trong lòng đại tràng. Theo lời kể của người nhà, ba của bạn nữ kia cũng mắc ung thư đại trực tràng và mất khi mới 40 tuổi. Anh trai bạn nữ này bị ung thư năm 28 tuổi...
Ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ung thư phổ biến trên thế giới, đứng thứ ba về tỉ lệ mắc và đứng thứ tư về tỉ lệ tử vong ở cả hai giới. Theo các chuyên gia y tế, không chỉ có tỉ lệ mắc và tử vong cao mà ung thư đại tràng còn ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Triệu chứng phổ biến của bệnh là đi ngoài phân có máu. Ngoài ra, có thể có các dấu hiệu khác như thay đổi thói quen đi đại tiện, táo bón, tiêu chảy, phân nâu sẫm, đau bụng co thắt, buồn nôn, nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi chóng mặt do thiếu máu.
Coi chừng chế độ ăn không lành mạnh gây ung thư đại trực tràng
Theo tiến sĩ Kimmie Ng, Viện Ung thư Dana-Farber (Mỹ), khi tỉ lệ mắc thay đổi theo thế hệ, có nghĩa thủ phạm là một thứ gì đó trong môi trường chứ không phải yếu tố sinh học. Hầu hết các cuộc thảo luận về nguyên nhân có thể gây ra bệnh khởi phát sớm đều tập trung vào ba yếu tố liên quan đến nhau: chế độ ăn uống, vi khuẩn trong đường ruột, tình trạng viêm nhiễm.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn uống không lành mạnh của giới trẻ, cụ thể là chế độ ăn nhiều thịt, chất béo đã qua chế biến, ít trái cây và rau quả, có liên quan với bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát sớm.
Tương tự, thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng giai đoạn đầu. Sử dụng dữ liệu từ hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến sĩ Nathan Berger, thuộc Trung tâm Ung thư quốc gia Mỹ, phát hiện rằng một nửa số người trẻ tuổi bị ung thư đại trực tràng bị thừa cân và 17% bị béo phì.
Trong những thập niên qua, chế độ ăn uống không lành mạnh đã trở nên phổ biến hơn. Và số lượng trẻ em và người trẻ tuổi thừa cân hoặc béo phì tiếp tục tăng cao.
Ngoài ra giới trẻ đang dành nhiều thời gian ngồi hơn và ít thời gian hoạt động hơn. Các nghiên cứu phát hiện rằng thời gian xem tivi nhiều hơn cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư đại trực tràng khởi phát sớm cao hơn.
Các nhà khoa học khác đã tập trung vào vi khuẩn sống trong ruột, còn được gọi là hệ vi sinh vật đường ruột. Một số loại vi khuẩn được coi là đồng phạm trong sự phát triển, lây lan của ung thư đại trực tràng, một số loại có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số phương pháp điều trị ung thư nhất định.
Vi khuẩn đường ruột bị ảnh hưởng bởi thức ăn và hóa chất chúng ta ăn, uống và hít thở. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống, béo phì, tập thể dục, một số loại thuốc (chẳng hạn như thuốc kháng sinh) đều có thể thay đổi số lượng và loại vi khuẩn trong ruột của chúng ta.
Chế độ ăn uống không lành mạnh và vi khuẩn đường ruột đều có thể dẫn đến viêm. Trong một nghiên cứu trên chuột, chế độ ăn nhiều chất béo gây ra tình trạng viêm ruột và tăng tốc độ phát triển của các khối u trong ruột.
Đối với vi khuẩn đường ruột, một số độc tố vi khuẩn làm gia tăng tình trạng viêm nhiễm. Có một số vi khuẩn đường ruột có thể kích thích giúp ung thư phát triển, cũng như ngăn chặn các tế bào miễn dịch chống lại ung thư. Tình trạng viêm cũng có thể tạo ra các hóa chất độc hại gây đột biến DNA và thúc đẩy ung thư.
Ngoài ra một số bệnh mạn tính, bao gồm hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn và bệnh đái tháo đường, có thể gây viêm ruột.
Một nửa số người trẻ tuổi bị ung thư đại trực tràng cũng có tình trạng bệnh lý mạn tính có thể gây viêm ruột. Các yếu tố trong môi trường bao gồm: ô nhiễm không khí và nước, hóa chất trong đất và thực phẩm, sử dụng thuốc trừ sâu... cũng gây kích thích các tế bào ung thư phát triển.
Người mắc bệnh cần lưu ý gì?
Người mắc ung thư đại trực tràng nên tránh ăn các món nướng, thịt đỏ, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Không uống rượu, bia, đồ uống có cồn hoặc các chất kích thích. Tăng cường rau xanh và hoa quả. Chia nhỏ bữa ăn, chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu. Ăn uống lành mạnh, không kiêng khem quá mức.
Chế độ sinh hoạt cần thường xuyên tập thể dục. Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, thức khuya.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận