Khi trẻ bị thiếu ngủ, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nhiều ông bố bà mẹ rất lo lắng khi con họ vừa ngủ vừa nói chuyện, đến tận 1-2 giờ đêm mới ngủ được, lúc ngủ chân bị giật liên tục... Không chỉ người lớn mới bị , mà nhiều cũng bị như vậy.
Trẻ bị tắc nghẽn đường thở, béo phì
Mới đây, một cháu gái 11 tuổi, ngụ ở TP.HCM được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 khám gấp vì có những biểu hiện học hành chểnh mảng, hay quên, hay ngủ vào ban ngày, bỏ ăn.
Cháu gái từ một cô bé dễ thương biến thành người rất dễ cáu gắt. Ngay khi đợi đến lượt bác sĩ khám, cháu cũng lúc tỉnh, lúc ngủ. Lúc đầu bác sĩ nghi cháu bị viêm não, nhưng kết quả đo điện não là bình thường.
Sau đó quan sát, bác sĩ thấy cánh mũi cháu phập phồng nên đã soi cổ họng thì phát hiện hai cái amiđan phì đại làm mũi cháu không thể thở được.
Khi ngủ cháu phải mở miệng thở, ngủ ngáy, ngủ không ngon giấc. Bác sĩ đã chuyển cháu qua chuyên khoa tai mũi họng điều trị. Sau khi được cắt amiđan, cháu đã ngủ ngon về đêm.
Theo ThS.BS Nguyễn Kiến Minh - phó trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, có rất nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn ở trẻ.
Nguyên nhân khác khiến trẻ bị rối loạn giấc ngủ còn do trẻ bị béo phì. Béo phì gây phì đại các nhóm cơ đường thở làm trẻ khó nuốt, khó ngủ.
Ở các trẻ này cũng có tư thế ngủ đặc biệt như ưỡn cổ quá mức, ngủ ngồi, thở bằng miệng, đổ mồ hôi về đêm hay tiểu dầm, nhức đầu vào buổi sáng.
Giảm cân sẽ góp phần giảm gây tắc nghẽn đường thở khi trẻ ngủ.
Cũng có những trẻ được cha mẹ đưa đến khám vì mới ngủ được một lúc trẻ bỗng bật dậy đi trong nhà (trẻ bị mộng du), có những trẻ nói trong khi ngủ hoặc gặp ác mộng khi ngủ... Những trẻ này rối loạn giấc ngủ kiểu Parasomnia.
Các trẻ có những biểu hiện này đều không ngủ ngon giấc. Những triệu chứng này tự đến với trẻ và sẽ tự mất đi ở một độ tuổi nào đó.
Để hạn chế tình trạng này, các bậc cha mẹ nên ghi nhật ký giấc ngủ cho trẻ, theo dõi xem trẻ mấy giờ bị như vậy để đợi đến giờ đó đánh thức trẻ dậy trong 15 phút, sau đó mới cho trẻ ngủ lại.
Thực hiện đúng như vậy trong khoảng một tuần, trẻ sẽ hết triệu chứng này. Tuy nhiên, biểu hiện này sẽ dễ phát khi trẻ bị stress (bị áp lực thi cử, bị người lớn la mắng...) hay bị mệt.
Giúp trẻ có giấc ngủ ngon
Để trẻ có giấc ngủ ngon, các bậc cha mẹ nên vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ trước khi ngủ, nên cho trẻ ngủ đúng giờ (nên ngủ trước 22h), không nên cho trẻ ăn trước khi ngủ, khi trẻ ngủ rồi không nên cho trẻ uống sữa vì khi bú sữa trẻ phải thức, giấc ngủ sẽ không liên tục.
Ngoài ra, cần để phòng ngủ thoáng, không có tiếng động, tắt điện, kéo rèm đảm bảo phòng đủ tối để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Giấc ngủ rất quan trọng. Ngủ sớm, ngủ đúng giờ, ngủ ngon sẽ giúp trẻ hồi phục trí nhớ, tăng trưởng chiều cao tốt.
Tránh tiếp xúc màn hình điện thoại, iPad trước khi ngủ
Có những trẻ lớn hơn, vào độ tuổi vị thành niên, chỉ ngủ được từ 1-2 giờ sáng trở đi (rối loạn giấc ngủ muộn).
Lý giải việc này, bác sĩ Minh cho rằng chu kỳ giấc ngủ của con người là 24h tuân theo nhịp ngày đêm. Khi cơ thể tiếp xúc ánh sáng, kích thích đường thần kinh từ võng mạc mắt tới vùng hạ đồi trong não.
Tại đây sẽ kích thích một trung tâm đặc biệt là nhân trên giao thị, khởi phát những tín hiệu đi tới những phần khác của não kiểm soát hormone, nhiệt độ cơ thể và những chức năng khác khiến chúng ta cảm giác buồn ngủ hay tỉnh táo.
Khi có ánh sáng mặt trời, cơ thể sẽ không tiết ra melatonin, mà chỉ tiết ra melatonin khi mặt trời lặn và tiết mạnh nhất vào 12h đêm.
Với những trường hợp này, các bậc cha mẹ cho trẻ tránh tiếp xúc với các dụng cụ phát ra ánh sáng như điện thoại, máy tính, iPad, tivi trước 1-2 giờ khi ngủ, lúc trẻ ngủ phải để phòng tối. Không ăn trước khi ngủ.
Nếu đã làm đầy đủ như trên mà trẻ vẫn khó ngủ thì cần cho trẻ đi tham vấn bác sĩ để bổ sung melatonin. Bác sĩ cho trẻ uống thuốc này để điều chỉnh, tập thói quen cho trẻ ngủ đúng giờ, dậy đúng giờ. Đến khi nào trẻ có được thói quen này sẽ được ngừng uống thuốc.
Các bậc cha mẹ cũng lưu ý khi trẻ thức dậy phải cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng như kéo rèm cho phòng sáng, hoặc bật điện phòng... để chất melatonin không tiết ra nữa.
Không chiều theo yêu sách của trẻ
Rối loạn giấc ngủ còn xảy ra ở lứa tuổi nhũ nhi. Ở giai đoạn này, trẻ không chịu vô giường ngủ hay thức giấc nhiều lần giữa đêm, khóc quấy để được bồng bế mới chịu ngủ tiếp. Vấn đề này gây sức ép nặng nề cho cha mẹ.
Tuy nhiên, để phá vỡ một hành vi xấu, các bậc cha mẹ không nên chiều theo những yêu sách của trẻ, mà đến giờ trẻ đi ngủ thì tắt điện, kéo rèm, giữ phòng ngủ yên tĩnh tập cho trẻ ngủ.
Ngoài ra, cần làm ngơ khi trẻ khóc, không vội bồng bế, cứ dãn dần thời gian này ra để trẻ thức giấc giữa đêm sẽ thích nghi dần và tự ngủ.
Coi chừng trẻ thiếu sắt
Có một số trẻ ngủ không ngon giấc (hội chứng chân không yên) vì trong giai đoạn đầu của giấc ngủ trẻ cử động giật chân, giật hết chân này đến chân kia, lặp đi lặp lại, không có ý thức, có tính chu kỳ vì cảm giác bị mỏi hay đau chân. Điều này làm trẻ mệt mỏi, giấc ngủ bị rối loạn, mệt mỏi ban ngày, ngủ ngày.
Những trẻ này thường bị thiếu sắt. Khi thấy trẻ có biểu hiện này, các bậc cha mẹ không cho trẻ hoạt động mạnh trước khi ngủ từ 2-3 giờ. Ngoài ra, trước khi ngủ không nên cho trẻ ăn, không cho trẻ dùng những chất kích thích có trong một số loại nước ngọt, cho trẻ ngủ, thức đúng giờ.
Một số trẻ bị động kinh khi ngủ không đủ cũng sẽ gây co giật. Những bệnh lý nội khoa khác như trẻ bị bệnh mãn tính, bệnh lý hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản, viêm tai giữa, hay mắc các bệnh tâm thần kinh khác cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Khi trẻ có triệu chứng khó ngủ, cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, tìm nguyên nhân, loại trừ bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận