Mới đây chị Hồng, phụ huynh ở TP Thủ Đức, TP.HCM, hoảng hốt khi ba đứa con chị đồng loạt thông báo với ba mẹ là Tết không muốn về quê, các con muốn ở TP.HCM.
Buồn bực khi bị "ép" về quê
"Tôi bối rối và buồn bã vì không chỉ một đứa mà cả ba đứa con đều không thích về quê. Trong khi đó, ông, bà ở quê luôn mong ngóng các cháu về và gia đình cũng đã đặt vé để về quê rồi. Vậy mà các con vẫn không thích, tôi không hiểu nổi luôn" - chị Hồng nói.
Cùng cảnh ngộ, hai con của vợ chồng anh Hiếu, quận 3, TP.HCM, cũng "không đồng ý về quê". Năm nay là năm đầu tiên cả gia đình anh ở lại TP.HCM ăn Tết sau 10 năm liên tục đều đón Tết ở quê nhà Nghệ An vì yêu cầu của các con.
"Năm nay con gái lớn lớp 11 của tôi nhất định không chịu về quê. Con thẳng thừng tranh luận với bố mẹ về chuyện tại sao năm nào cũng phải đón Tết ở quê mà không đón Tết ở Sài Gòn. Con bảo về quê con chẳng quen ai, đi chơi ở đâu cũng lạ, con chỉ ru rú ở nhà buồn chán. Sau khi cả nhà tranh luận rất căng, năm nay gia đình tôi quyết định ở lại TP.HCM chiều các con chứ cứ theo ý mình thôi cũng không ổn" - anh Hiếu tâm sự.
Bảo Châu, học sinh lớp 12 tại TP.HCM, cho biết em rất "ngán" khi năm nào cũng phải về quê ăn Tết.
"Năm nào ba em cũng lái xe đưa cả nhà về quê dịp Tết. Đi trên đường thì vui mà về đến quê thì buồn. Về quê mưa gió lướt thướt, đi vào đi ra là mưa dính vào quần áo. Đã vậy, ba mẹ còn bắt em đi chào họ hàng, làng xóm. Ngày nào cũng đi hết nhà này nhà khác, em chẳng biết nói chuyện gì mà ở nhà ông bà, ba mẹ cũng không cho, nhiều lúc bực bội hết sức" - Bảo Châu nói và cho biết thêm năm nay em nói ba mẹ muốn về ba mẹ cứ về, em ở lại TP.HCM một mình.
Bảo Châu nói em đã hẹn với các bạn cùng lớp năm nay ở lại TP.HCM để ngày mùng 1 "check-in" tại một quán cà phê nổi tiếng và đường hoa. "Bạn em một số người đi du lịch với gia đình dịp Tết, người thì đi Nhật, Hàn, người thì đi mấy địa điểm trong nước nhưng các bạn cũng qua mùng 2 mới đi nên giao thừa và mùng 1 gặp nhau check-in này nọ vui hơn chứ về quê buồn thúi ruột luôn" - Bảo Châu chia sẻ.
Với Quang Huy, một học sinh lớp 10 tại TP.HCM, có quê ở Huế, việc về quê đón Tết càng cực hình hơn. "Ba mẹ cứ bảo về quê cho biết quê hương, giữ truyền thống nhưng em về quê cứ hết người này đến người khác hỏi con học có giỏi không, năm rồi được học sinh gì... Em mà không trả lời là kiểu gì cũng bị ba mẹ la, mà trả lời thì không biết trả lời sao. Thế nên em ngán về quê dịp Tết lắm, em chỉ thích ở Sài Gòn nghỉ ngơi" - Quang Huy trải lòng.
Làm cho Tết quê ý nghĩa với người trẻ
Việc nhiều trẻ em ở những đô thị lớn hiện nay không tìm thấy niềm vui khi về quê dịp Tết theo TS Lê Minh Công, phó trưởng khoa công tác xã hội Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng là chuyện bình thường trong quá trình phát triển tâm sinh lý lứa tuổi cũng như những thay đổi của thời cuộc.
"Nghĩ lại thì ở vào tuổi của các em ngày xưa chúng ta cũng có những khi muốn tách khỏi cha mẹ, tách khỏi ông bà để thể hiện bản ngã của bản thân. Chỉ là điều kiện hiện nay các em dễ dàng thực hiện hơn khi vừa có điều kiện vật chất và lại được cổ vũ bởi văn hóa phương Tây, sự khẳng định cá nhân ngày càng nhiều. Vì thế, các em sẽ thể hiện điều đó rõ ràng hơn chúng ta ngày xưa" - ông Công nói.
Cũng theo TS Lê Minh Công, môi trường ở quê và sự thúc ép hoặc sự thiếu tâm lý của cha mẹ trong việc "răm rắp" bắt các em về quê gây ra cảm giác thiếu vui vẻ và chống đối ở một bộ phận những học sinh nhỏ tuổi sinh ra và lớn lên ở các đô thị lớn như TP.HCM. Những trải nghiệm không mấy vui vẻ vì khác môi trường sống, không có bạn bè xung quanh cùng những căng thẳng (nếu có) giữa cha mẹ và con cái trong dịp Tết cổ truyền khiến một bộ phận người trẻ có thể không thích về quê đoàn viên với ông bà cũng như họ hàng, làng xóm ở quê.
Với TS Nguyễn Kim Dung, viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt, người trẻ cũng cần sự cảm thông của xã hội, của gia đình nếu việc trẻ không muốn về quê dịp Tết vì họ ở lại đô thị còn bận rộn việc học hành, chuẩn bị cho những kỳ thi hoặc tham gia làm thêm... Tuy nhiên, với những học sinh, sinh viên chọn ở lại TP.HCM trong ngày Tết vì "quê buồn, quê chán", ở lại Sài Gòn vui hơn, nhiều trò và rực rỡ hơn theo thì cần "bàn tay" uốn nắn của cha mẹ, ông bà.
"Cha mẹ cần tìm hiểu và thấu hiểu con cái mới mong giáo dục cho con truyền thống đoàn viên dịp Tết cho con. Người lớn không thể ép buộc con cái phải răm rắp nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ. Muốn con cái giữ được truyền thống đoàn viên tốt đẹp của gia đình, cha mẹ phải thay đổi từ cách sắp xếp đến cách tổ chức đoàn viên dịp Tết. Phải làm sao cho những ngày Tết ở quê đậm đà tình quê nhưng cũng vui vẻ theo hướng vui cho trẻ, để trẻ háo hức trở về. Điều đó mới có ý nghĩa thực sự của ngày Tết đoàn viên" - TS Nguyễn Kim Dung nói.
Tết là đoàn viên
Với những bạn trẻ thích ở TP.HCM dịp Tết, cha mẹ cũng có thể cho các con chọn lựa theo năm để các con có những trải nghiệm khác nhau trước khi các con nhận ra những giá trị riêng của việc về quê đoàn tụ với gia đình đáng giá như thế nào dịp Tết. Nếu làm được điều đó, gia đình nào cũng không còn lo chuyện Tết lại buồn vì người ở quê thì nhớ TP mà người ở TP thì nhớ quê nữa, Tết chỉ cần quây quần bên nhau là vui cho dù ở quê hay ở TP.
TS Nguyễn Kim Dung
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận