10/12/2015 08:09 GMT+7

​Tại sao Singapore đón máy bay P8- Poseidon?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Có thể có nhiều lý giải khác nhau cho việc Singapore nay bắt đầu đón máy bay tuần thám P8-Poseidon của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra thông cáo: “Chúng tôi theo dõi chặt chẽ xem tình hình như thế nào và hi vọng việc hợp tác quốc phòng song phương giữa các nước liên quan là có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực chứ không phải là ngược lại”.

Không khó hiểu trước phản ứng bực dọc và nghi kỵ của Bắc Kinh do cảm thấy bị ngăn chặn từ xa bởi một sự liên kết giữa hai nước trên. Song vấn đề là cái gì bị “ngăn chặn”, theo cách suy nghĩ của Bắc Kinh?

Làm sao có thể ngăn cản một sự vươn ra trong hòa bình của một cường quốc mới đang tiến như “chẻ tre” về kinh tế! Nói gì được chiêu phá giá nhân dân tệ mấy tháng trước hoặc các nỗ lực đưa đồng nhân dân tệ vào trong rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế?

Các đòn đó thậm chí có thể gọi là “chiến tranh tiền tệ” vẫn là “phát triển trong hòa bình”.

Thế nhưng, nếu chỉ phát triển và vươn ra trong hòa bình như thế thì làm gì có chuyện khiến thiên hạ phải lo âu!

Từ khi Bắc Kinh công bố tấm bản đồ “chín đoạn” (“lưỡi bò”) để minh thị “chủ quyền không thể tranh cãi” trên Biển Đông, xua hải quân, hải cảnh, giàn khoan, “dân quân” tàu cá ra “bảo vệ chủ quyền”, áp bức tàu các nước, liệu có còn gọi được là “phát triển trong hòa bình”?

Gần hai năm qua, Trung Quốc cũng ráo riết bồi lấp các dải đá nửa chìm nửa nổi thành “đảo”, xây dựng đường bay dài mấy kilômet, bến cảng... rồi gọi đó là đảo, là ranh giới mới... khiến thiên hạ không thể không lo nghĩ, lo sợ!

Đồng thời, Bắc Kinh tăng cường tuyên truyền dân tình trong nước rằng cả cái biển đó là của mình nhằm nuôi dưỡng một chủ nghĩa dân tộc sẵn sàng cho một đột biến “đòi chủ quyền” vào một thời điểm thích hợp!

Thế cho nên Singapore mới phải đề phòng. Song, tại sao lại đón các chiếc P8-Poseidon? Chẳng qua đó là những máy bay chủ yếu nhằm chống tàu ngầm.

Singapore vốn là một “ngã tư quốc tế” ở đầu eo biển Malacca nên làm sao yên tâm được trước những thách thức “chìm” từ những cầu cảng mới xây tại các dải đá ở Trường Sa.

Một bến đỗ tàu ngầm vẫn luôn kín đáo, ít lồ lộ hơn là một sân bay quân sự cho dù là dã chiến và điều này khiến Singapore lo ngại, nhất là khi lực lượng tàu ngầm có khả năng đe dọa cảng Singapore không ít hơn 8 chiếc lớp “Minh”!

Vậy có phải đây là một sự “chia phe (chuẩn bị) đối đầu”? Nếu tạm bịt đi tên các nước liên quan sẽ thấy cục diện như sau: có một bên đang bành trướng mở rộng lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa... của mình và đang triển khai lực lượng thực hiện mục tiêu đó - trong khi một số nước tìm cách thủ thế phòng thân và đó là điều mà Singapore đang làm.

Liệu Singapore có phát hoảng thái quá? Chẳng qua Singapore còn nhớ như in lịch sử của mình, ngay cả khi còn là thuộc địa Anh. Năm 1942, chỉ trong vỏn vẹn 8 ngày, Singapore thất thủ trước quân Nhật vào ngày 15-2.

Cũng thế, Philippines thất thủ vào ngày 8-5 năm đó. Nay Philippines biết mình sức yếu còn nhờ đến tòa án quốc tế, hi vọng phòng thân bằng luật pháp. Burma (tên gọi Myanmar lúc đó, Miến Điện) cũng rơi vào tay bộ binh Nhật mùa xuân cùng năm.

Từ mấy năm qua giới tướng lĩnh nước này thủ thế cả bằng quân đội (ở biên giới Kokang đầu tháng 2 năm nay) lẫn “đóng cửa” đầu tư vào thủy điện và khai khoáng.

Các phản ứng khác nhau đó cùng chung mẫu số: ký ức chung về một cường quốc trỗi dậy những năm 1940 dẫn đến lo sợ chung cho tương lai.

Liệu như thế có lo xa quá không? Chắc là không. Trung Quốc cũng nhớ rất dai vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 mà phản đối việc lãnh đạo Nhật cúng giỗ tử sĩ.

Cũng như nhớ dai vụ các tàu sân bay Hosho, Kaga của đế quốc Nhật phóng pháo vào Thượng Hải, Tô Châu và Hàng Châu, đến nỗi tháng 8 năm nay khi tàu sân bay trực thăng mới hạ thủy được đặt tên là Kaga đã bị Trung Quốc phản đối kịch liệt vì cái tên “nợ máu” đó! Lịch sử luôn soi đường cho tương lai.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: P-8 Poseidon Singapore Mỹ