Phụ nữ làm việc trong một cửa hàng bán hoa ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 16-11 - Ảnh: AFP
Câu chuyện về những người Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước không còn là chuyện gì mới mẻ, mà có từ cách đây mấy chục năm.
Gần nhất, hôm 13-11 vừa qua, khu vực biên giới liên Triều ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm bỗng nóng lên sau vụ một binh sĩ Triều Tiên họ Oh đào tẩu sang biên giới.
Tuy nhiên xét trên tổng thể, nam binh sĩ Oh không phải là người đào tẩu "tiêu biểu" của đất nước này. Phần đông những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên thật ra là phụ nữ, theo báo USA Today ngày 10-12.
Số liệu của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho thấy trong số hơn 31.000 người Triều Tiên bỏ trốn tới Hàn Quốc kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, có khoảng 70% là phụ nữ. Con số này đã tăng vọt vào những năm gần đây với 80% trong giai đoạn 2014-2016 và lên tới 85% trong năm nay.
Người Triều Tiên thường tìm cách vượt biên trái phép qua khu vực biên giới giữa nước này với Trung Quốc. Sau đó, với sự giúp đỡ của những người môi giới, các công dân Triều Tiên sẽ được đưa tới các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan và Lào trước khi tới điểm dừng chân cuối cùng là Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân lý giải tại sao phần đông người bỏ trốn khỏi Triều Tiên là phụ nữ.
Thứ nhất, thực tế này xuất phát từ nhu cầu cao của ngành công nghiệp tình dục và kết hôn tại nước láng giềng Trung Quốc, nơi nam giới đông hơn nữ giới hơn 33 triệu người.
"Lợi ích lớn nhất mà các phụ nữ bỏ trốn khỏi Triều Tiên sang Trung Quốc mang lại chính là mua bán tình dục và chuyện cưới xin" - ông Sokeel Park, giám đốc về nghiên cứu và chiến lược tại tổ chức Tự do ở Triều Tiên (LiNK), giải thích. LiNK là một tổ chức chuyên giúp đỡ các công dân Triều Tiên bỏ trốn tại Trung Quốc.
Hai cảnh sát Trung Quốc cố ngăn người phụ nữ Triều Tiên tìm cách vào Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh - Ảnh: QQ
Ông Park cho biết so với nam giới, phụ nữ Triều Tiên có nhiều cơ hội hơn để ở lại Trung Quốc và làm việc ở các nhà hàng cũng như công xưởng. Nhiều phụ nữ Triều Tiên còn gửi tiền kiếm được về cho gia đình ở quê nhà.
Thứ hai, tại Triều Tiên, phụ nữ có địa vị thấp và ít được xem trọng hơn hơn so với nam. Do đó, họ ít bị các cơ quan nhà nước giám sát chặt chẽ, theo nhà nghiên cứu Heather Barr tại bộ phận quyền phụ nữ của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW).
Các phụ nữ Triều Tiên thường ít được giao nắm giữ các chức vụ cao trong chính phủ hay các doanh nghiệp nhà nước. Thay vào đó, họ là nguồn lực chính của hoạt động kinh tế không chính thức mọc lên sau sự sụp đổ của nền kinh tế Triều Tiên vào những năm 1990.
"Nền kinh tế thị trường này chủ yếu được lèo lái bởi các phụ nữ đã kết hôn. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi để tham gia loại hình công việc này bởi họ không bị yêu cầu trình diện thường xuyên như các nam giới làm việc cho chính phủ" - nhà nghiên cứu Heather Barr giải thích.
Nhà nghiên cứu Barr nói rằng chính điều này đã cho phép các phụ nữ Triều Tiên được tiếp cận mạng lưới môi giới nhiều hơn, giúp sắp xếp để họ vượt biên sang Trung Quốc. "Tuy nhiên, nó lại gây ra nhiều tổn thương cho phụ nữ, gồm quấy rối tình dục, áp bức và hành hung" - bà Barr bình luận.
Một lý do khác khiến phụ nữ Triều Tiên bỏ trốn là bởi họ được tiếp cận với nhiều thông tin về thế giới bên ngoài. Một thị trường đen với nhiều chương trình truyền hình cùng các sản phẩm khác của Hàn Quốc đã được tuồn vào Triều Tiên dưới hình thức đĩa DVD hoặc USB. Những người Triều Tiên sống gần biên giới Trung Quốc đôi khi còn bắt được tín hiệu truyền hình.
Ảnh chụp ngày 19-11 cho thấy cuộc sống của người dân Triều Tiên ở ngoại ô thành phố công nghiệp Chongjin thuộc vùng duyên hải Đông Bắc Triều Tiên - Ảnh: AFP
Nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc cũng du nhập vào Triều Tiên qua nhiều ngõ ngách. Bà Park cho biết một số người bỏ trốn khỏi Triều Tiên giải thích rằng họ hứng thú với lối sống thoải mái cũng như cách ăn mặc của người Hàn Quốc trong các phim ảnh mà họ được xem. Đặc biệt, địa vị cao của phụ nữ và sự bình đẳng được nhìn thấy rõ nét ở Hàn Quốc so với Triều Tiên.
"Cách sống của họ rất thoải mái và không bị kềm kẹp. Họ muốn làm gì thì cứ việc làm. Họ muốn đi đâu thì cứ việc đi. Tôi nhận thấy cuộc sống ở đây thoáng hơn nhiều so với ở Triều Tiên" - một phụ nữ Triều Tiên xưng tên Yoon Ok hiện sống tại Seoul (Hàn Quốc) trả lời phỏng vấn báo USA Today.
Trong khi niềm thôi thúc bỏ trốn khỏi Triều Tiên không giảm đi thì số lượng người Triều Tiên đến Hàn Quốc tuy vậy lại giảm khá nhiều trong vài năm qua.
Năm 2009 có 2.900 người Triều Tiên bỏ trốn tới Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm ngoái con số này chỉ 1.400 người và năm nay dự kiến khoảng 1.200 người.
Sự sụt giảm này có thể do chính quyền Triều Tiên ngày một tăng cường tuần tra biên giới, đồng thời phía Trung Quốc cũng mạnh tay trong công tác giám sát, ngăn chặn người muốn vượt biên.
Tổ chức giám sát nhân quyền cho biết chỉ trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua có đến 41 người Triều Tiên bỏ trốn bị tóm tại Trung Quốc. Trong khi đó, tính cả 12 tháng của năm ngoái, con số này là 51 người.
Trung Quốc xem những người Triều Tiên bỏ trốn không phải là người tị nạn, mà là những người di cư bất hợp pháp. Do đó, Bắc Kinh thường hay trục xuất các công dân Triều Tiên về nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận