05/02/2025 11:23 GMT+7

Tại sao phải ăn chậm, nhai kỹ?

Cuộc sống hiện đại, bận rộn khiến nhiều gia đình rút ngắn thời gian bữa ăn, ăn nhanh hơn. Tuy nhiên, việc ăn nhanh sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Trong khi đó, việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ mang đến nhiều lợi ích.

Lợi ích của việc ăn chậm, nhai kỹ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay ngày nay, đặc biệt các bạn trẻ có thói quen ăn rất nhanh. Điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tăng cân mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

Trong khi đó, việc ăn chậm, nhai kỹ giúp thực phẩm được chia nhỏ khi vào dạ dày, cơ thể bạn sẽ có quá trình tiêu hóa tốt hơn.

Bác sĩ Lâm lý giải não phải mất khoảng 20 phút để nhận được tín hiệu rằng cơ thể đã no. Khi ăn chậm, không chỉ gồm nhai và nuốt, mà bạn còn có thể cảm nhận món ăn qua thị giác, khứu giác và tất nhiên cuối cùng là vị giác. Bữa ăn của bạn vì thế sẽ trở nên ngon miệng hơn.

Bên cạnh đó, việc ăn chậm sẽ giúp bạn tiêu thụ ít calo hơn. Ăn nhanh, bạn có xu hướng ăn rất nhiều nên sẽ tăng cân.

Ngoài ra, ăn chậm đồng nghĩa với việc dạ dày có thêm thời gian để nhào trộn tiêu hóa thức ăn. Nếu bạn ăn quá nhanh, chẳng hạn 5 phút mỗi bữa ăn, có thể bạn sẽ có cảm giác khó tiêu. Thay vào đó, với cùng lượng thức ăn đó, hãy dành ra 20 phút cho mỗi bữa ăn, dạ dày của bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn nhiều.

"Bên cạnh đó, việc ăn chậm, nhai kỹ sẽ phòng tránh cho cả trẻ em và người lớn nguy cơ bị sặc hoặc nghẹn thức ăn nếu nuốt quá nhanh và không nhai.

Ăn uống đôi khi là một hoạt động gắn kết xã hội. Bữa ăn là thời điểm mà mọi người tụ tập và quây quần bên nhau.

Vì vậy, để tốt cho sức khỏe nên duy trì bữa ăn ít nhất hơn 20 phút. Trước tiên, hãy bắt đầu bữa ăn bằng một bát canh hoặc xúp, sau đó đến rau xanh, protein và cuối cùng là tinh bột", bác sĩ Lâm cho hay.

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chia sẻ một số cách để bạn hình thành việc ăn chậm, nhai kỹ như hãy cố gắng nhai từng miếng ít nhất 20 lần trước khi nuốt để không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn buộc bạn phải ăn chậm hơn.

Có thể cắt thức ăn thành những miếng nhỏ hoặc dùng thìa nhỏ. Nhấp một ngụm nước trong khi ăn giúp bạn có thời gian nghỉ giữa các lần ăn, từ đó điều chỉnh tốc độ ăn uống.

Tắt tivi, điện thoại hoặc các yếu tố gây mất tập trung khác để tập trung hoàn toàn vào thức ăn và trải nghiệm ăn uống. Bên cạnh đó, bạn có thể đặt hẹn giờ trong 20 - 30 phút cho bữa ăn và cố gắng điều chỉnh tốc độ ăn trong suốt thời gian đó, dần dần hình thành thói quen ăn chậm hơn.

Béo phì, hại dạ dày khi ăn nhanh

Theo bác sĩ Lâm, nếu ăn quá nhanh, nhai không kỹ, tác hại đầu tiên là có thể gây nghẹn. Ngoài ra, ăn quá nhanh, nhai không kỹ còn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe lâu dài, làm rối loạn chuyển hóa dẫn đến béo phì, đường huyết tăng cao và có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường...

"Ăn nhanh, nhai ít khiến chúng ta tiêu thụ nhiều thức ăn và calo hơn dẫn đến thừa cân, béo phì. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người ăn nhanh có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn.

Ngoài ra, việc ăn nhanh cũng tăng nguy cơ gây viêm dạ dày. Khi bạn không tập trung trong lúc ăn, ăn quá nhanh thì thức ăn sẽ không được xử lý kỹ. Lúc này, một lượng lớn thức ăn đến dạ dày vẫn còn ở trạng thái thô. 

Dạ dày phải tăng co bóp và tăng tiết axit để tiêu hóa những thức ăn này một lần nữa.

Thức ăn và acid bị lưu lại lâu hơn, có nguy cơ làm cho niêm mạc dạ dày bị bào mòn bởi chính axit dịch vị. Nếu tình trạng ăn nhanh kéo dài có thể dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng", bác sĩ Lâm cho hay.

Việc hình thành thói quen ăn chậm, nhai kỹ là cần thiết đối với mỗi người và không bao giờ là muộn, hãy thực hiện nó ngay hôm nay.

Tại sao phải ăn chậm, nhai kỹ? - Ảnh 2.Bữa ăn ngày Tết: Rau quả nhiều màu như cầu vồng có lợi cho sức khỏe

Bữa ăn với nhiều loại rau quả khác nhau cho màu sắc sinh động, kích thích các giác quan giúp ăn ngon miệng, đồng thời cung cấp nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên